Xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, thu hút FDI bền vững

author 06:31 18/10/2023

(VietQ.vn) - Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch, có tính cạnh tranh cao để cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư hiệu quả, lâu dài, bền vững tại Việt Nam.

 FDI là yếu tố quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế. Ảnh minh họa.

Hiện nay, nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là yếu tố quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế nhận đầu tư. Ở các nền kinh tế đang phát triển, FDI tạo ra cơ hội tiếp cận nguồn vốn và việc làm, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật sản xuất... Chính vì những lợi ích này, các nền kinh tế đang phát triển đã coi việc thu hút FDI trở thành động lực trong chiến lược phát triển kinh tế và tích cực nỗ lực cải thiện điều kiện thị trường, môi trường đầu tư nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Tại Việt Nam, FDI gắn với quá trình mở cửa nền kinh tế. Việt Nam đã đạt nhiều kết quả trong thu hút dòng vốn FDI và giao dịch thương mại với các nước. Cụ thể, năm 2022, tổng vốn FDI đăng kí vào Việt Nam đạt gần 27,72 tỷ USD, mức vốn FDI thực hiện đạt kỉ lục 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm (2017 - 2022). Tính lũy kế trong giai đoạn 1986 - 2022, Việt Nam đã thu hút được gần 438,7 tỷ USD vốn FDI; trong đó, 274 tỷ USD đã được giải ngân, chiếm 62,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Các chuyên gia đánh giá, Chính phủ Việt Nam đã và đang tiếp tục cải cách nền kinh tế theo hướng hội nhập ngày càng sâu rộng hơn vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Nhiều giải pháp kinh tế đã được áp dụng để thu hút FDI và thúc đẩy thương mại quốc tế.

Mới đây, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (FDI) với chủ đề “Đồng hành và phát triển”, trước câu hỏi của các nhà đầu tư rằng Việt Nam sẽ tiếp tục làm gì để thực hiện cam kết và đồng hành cùng các nhà đầu tư nước ngoài, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Việt Nam triển khai 3 trụ cột: Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quan điểm xuyên suốt: Lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực và nguồn lực phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần;

Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, từ đó giảm chi phí đầu vào, chi phí tuân thủ, nâng cao năng lực cạnh tranh về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; Triển khai các công việc có trọng tâm, trọng điểm như tập trung xây dựng hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực...

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới nhằm tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch, có tính cạnh tranh cao để cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư hiệu quả, lâu dài, bền vững tại Việt Nam.

Thủ tướng khẳng định mong muốn và tin tưởng rằng các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục dành tình cảm, đặt niềm tin, hợp tác chặt chẽ, "luôn yêu quý Việt Nam như quê hương của mình". Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị các bên phát huy tinh thần "đã hứa phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải có hiệu quả cân đong đo đếm được", hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang