Khuyến khích doanh nghiệp FDI đầu tư vào sáng kiến tăng trưởng xanh

author 09:08 28/04/2023

(VietQ.vn) - Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Văn Toàn, Việt Nam cần có giải pháp nhằm khuyến khích hơn nữa doanh nghiệp FDI tiếp tục đầu tư vào các sáng kiến về tăng trưởng xanh.

Xu thế tăng trưởng xanh trở thành lựa chọn tất yếu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới. Đây là cách tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế, hướng tới sự phát triển hài hòa kinh tế - xã hội với phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã rất nhiều lần nhấn mạnh đề nghị các đối tác quốc tế, nhà đầu tư hỗ trợ Việt Nam về tư vấn chính sách, đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực quản trị, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và nhất là hỗ trợ về nguồn vốn với chi phí hợp lý để quá trình chuyển đổi, xanh hóa nền kinh tế của Việt Nam bảo đảm công bằng, công lý khi Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi nhưng lại cam kết và thực hiện các nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu như các nước phát triển.

Với hàng ngàn dự án trải khắp các tỉnh, thành, khu vực FDI ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, những nhà đầu tư với các dự án bền vững, xanh hóa đã và đang lựa chọn Việt Nam để "xây tổ", như Lego, tập đoàn Nestle'… là minh chứng tiêu biểu nhất cho thấy, khối doanh nghiệp FDI đã và đang có những đóng góp quan trọng vào tiến trình phát triển bền vững của Việt Nam.

Vai trò của DN FDI đối với mục tiêu tăng trưởng xanh

Đánh giá về vai trò của khối doanh nghiệp FDI tới mục tiêu tăng trưởng xanh của Việt Nam, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho hay, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu, không thể thiếu và là xu thế chung mà tất cả quốc gia trên thế giới đều mong muốn đạt tới. Nhận thức rõ điều này, Thủ tướng Chính phủ đã có những cam kết rất mạnh mẽ tại COP26 khẳng định mong muốn của Việt Nam đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường, công bằng về xã hội.

Việt Nam cố gắng triển khai tốt mục tiêu về tăng trưởng xanh để không những đóng góp cho vấn đề chung của toàn cầu mà còn tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò là một thành viên có trách nhiệm đối với những vấn đề của toàn cầu. Đồng thời chúng ta nỗ lực là một trong những quốc gia tiên phong đi đầu khu vực trong việc thực hiện xu thế này, bắt kịp xu thế của thế giới.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT. Ảnh: VGP

Để triển khai kế hoạch đó, Bộ KH&ĐT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược xanh giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050, xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, đồng thời có hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương đưa những nội dung liên quan đến tăng trưởng xanh vào trong các quy hoạch, các chiến lược phát triển kinh tế xã hội của mình.

Để đạt được mục tiêu về tăng trưởng xanh đòi hỏi phải huy động toàn bộ sức mạnh của cả hệ thống chính trị cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp FDI. Có thể nói trong suốt thời gian qua, đặc biệt là giai đoạn hiện nay, doanh nghiệp FDI đóng vai trò rất quan trọng trong sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế, thực hiện phát triển bền vững bao trùm, trong đó có tăng trưởng xanh.

Doanh nghiệp FDI không chỉ giúp tạo ra sự thay đổi về nhận thức, giúp tạo ra nguồn lực, kinh nghiệm để quản trị, công nghệ trang thiết bị hiện đại thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh trong sản xuất. Đồng thời hợp tác đồng hành cùng các doanh nghiệp trong nước chung tay góp sức vì sự nghiệp tăng trưởng xanh chung này.

Có thể nói, thời gian qua, sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI là rất lớn. Cho đến nay, theo tính toán của chúng tôi, khu vực doanh nghiệp bao gồm doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước đã đầu tư khoảng 9 tỷ USD trong các lĩnh vực liên quan đến tăng trưởng xanh, phát triển xanh như là năng lượng tái tạo, hay đầu tư các trang thiết bị phục vụ cho kinh tế xanh. Con số này chiếm khoảng 2% GDP và bình quân tăng trưởng trong suốt 2 năm vừa qua đạt mức độ tăng trưởng khá cao, tức là 10-13%. Đây là một trong những tín hiệu rất tốt.

Cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI đã giúp tạo nên sự thay đổi hành vi trong việc sản xuất, tiêu dùng, kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu về tăng trưởng xanh. Nếu trước đây các doanh nghiệp thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh gặp rất nhiều khó khăn thách thức thì bây giờ doanh nghiệp đã biến khó khăn, thách thức thành lợi thế cạnh tranh của mình, góp phần nâng cao hơn nữa hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư.

Đồng thời đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội, tạo ra sự bảo vệ môi trường thân thiện, sử dụng một cách có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên có hạn. Quan trọng nhất là thay đổi nhận thức, tư duy trong việc cần phải thực hiện phát triển xanh, đầu tư xanh, ứng với nền kinh tế xanh, xã hội xanh.

Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư cho tăng trưởng xanh

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Văn Toàn, Việt Nam cần có giải pháp nhằm khuyến khích hơn nữa doanh nghiệp FDI tiếp tục đầu tư vào các sáng kiến về tăng trưởng xanh.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Toàn, hệ thống chính sách về FDI của chúng ta hiện rất tốt. Thông qua hệ thống chính sách đó, chúng ta cũng điều hành được và môi trường đầu tư của Việt Nam phát triển tương đối tốt trong thời gian vừa qua. Đương nhiên chúng ta đang gặp một số thách thức trong thu hút FDI chất lượng cao. Tại sao số lượng FDI rất cao nhưng những tập đoàn đa quốc gia, tập đoàn công nghệ cao vào Việt Nam chưa nhiều?

Lý do thứ nhất là hấp thụ công nghệ cao của Việt Nam. Hiện nay môi trường đầu tư của chúng ta có vẻ chưa ổn. Ngoài vấn đề về nguồn nhân lực, môi trường đầu tư… còn có điều hết sức quan trọng, cũng chính là điểm yếu của FDI trong thời gian vừa rồi là hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI rất lỏng lẻo, chưa hiệu quả. Điều này đem bất lợi cho Việt Nam rất nhiều là chúng ta không tham gia được vào chuỗi giá trị cho người Việt Nam chúng ta được hưởng lợi từ đó.

"Chúng ta không học tập được công nghệ cao, công nghệ nguồn từ các quốc gia phát triển vào Việt Nam và có rất nhiều hệ lụy khác. Nguồn nhân lực của chúng ta cũng không được nâng lên khi chúng ta hợp tác chưa tốt. Song song với việc thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao chúng ta phải xây dựng các doanh nghiệp Việt Nam để bắt tay với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài theo những hình thức khác nhau như liên doanh. Trước đây liên doanh rất nhiều, bây giờ liên doanh rất ít, chứng tỏ đáp ứng của doanh nghiệp Việt Nam với đầu tư nước ngoài có vẻ không cân bằng", ông Toàn nói.

 Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài. Ảnh: VGP

Thứ hai, cung cấp các nguồn nguyên liệu bán thành phẩm, sản phẩm hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Ví dụ như Samsung, họ rất tích cực hỗ trợ Việt Nam trong việc làm công nghiệp hỗ trợ nhưng chúng ta vẫn ở phân khúc công nghệ thấp, chúng ta chưa tham gia cung cấp cho Samsung những sản phẩm công nghệ cao trong sản phẩm cuối cùng của Samsung xuất khẩu. Đây là điều chúng ta phải làm, phải nâng tầm doanh nghiệp Việt để bắt tay với doanh nghiệp FDI một cách bình đẳng và hai bên cùng có lợi. Chúng ta nên học bài học của Trung Quốc, Trung Quốc làm điều đó rất tốt nên khi FDI vào, họ tận dụng những cơ hội của FDI để phát triển nội địa.

Về vấn đề tăng trưởng xanh, chúng ta có hai việc trong thời gian tới phải làm triệt để. Muốn tăng trưởng xanh thì phải giải quyết tăng trưởng xanh từ khâu sản xuất, lưu thông và tiêu dùng và cuối cùng là hậu tiêu dùng. Chúng ta phải làm đồng bộ tất cả thì xã hội mới tăng trưởng xanh được, nếu chỉ làm một khâu sẽ đứt gãy chuỗi. Cả chuỗi phải xuyên suốt thì mới có kinh tế tuần hoàn, mới có việc xử lý các vấn đề chung. Ở đây quay lại câu chuyện hành động quốc gia, Chính phủ đã có những chính sách rất tốt, nhưng vấn đề là vận hành ra sao.

Rõ ràng Việt Nam muốn năm 2050 phát thải bằng không thì tất cả doanh nghiệp cũng phải có mục tiêu như vậy, chứ không phải chỉ có mục tiêu quốc gia, mục tiêu chung chung mà không phải mục tiêu của doanh nghiệp. Tất cả huyện, xã cũng phải có mục tiêu, như xử lý rác thải thế nào, tuần hoàn như thế nào…

Đầu năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất. Tất cả hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam cũng như hàng hóa Việt Nam sản xuất ra phải chịu trách nhiệm đến cùng về bao bì, chất thải. Ví dụ, một chai nước, nhà sản xuất không chỉ chịu trách nhiệm về chai nhựa mà cả giấy nylon dán chai nhà sản xuất cũng phải bảo đảm.

Có nhiều cách khác nhau, doanh nghiệp phải tự thu hồi ít nhất 20%. Cách thứ hai, doanh nghiệp nếu không muốn làm hay không có năng lực làm thì đóng quỹ. Vấn đề đặt ra là Chính phủ xử lý quỹ như thế nào, vì chúng ta thấy các quỹ của Việt Nam hiện nay hoạt động chưa hiệu quả. Tất cả những việc đó chúng ta phải làm hết sức đồng bộ.

Hiện nay đang có chương trình rà soát toàn bộ văn bản pháp luật của Việt Nam để thực hành kinh doanh có trách nhiệm. Ở đây, doanh nghiệp thực hành kinh doanh không phải là trách nhiệm xã hội nữa mà nâng tầm trách nhiệm xã hội lên thành thực hành kinh doanh có trách nhiệm. Rà soát toàn bộ văn bản pháp luật, những cái gì không phù hợp với thực hành kinh doanh có trách nhiệm thì chúng ta phải sửa và sẽ phải sửa hàng loạt văn bản pháp luật để phù hợp hơn, đồng bộ hơn và dễ thực thi hơn.

Chương trình đó Bộ Tư pháp đang chủ trì và sẽ trình Chính phủ trong cuối năm nay và bắt đầu triển khai. Việc này hết sức quan trọng và cần thiết. Cốt lõi của vấn đề này là tất cả doanh nghiệp khi kinh doanh phải đưa tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, giá trị về quyền con người, bảo vệ quyền lợi của người lao động cũng như bảo vệ quyền của cộng đồng, kể cả người tiêu dùng, là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp chứ không phải là giá trị gia tăng.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang