Xây dựng thủy điện phải đảm bảo lợi ích đôi bên

author 15:28 26/06/2012

(VietQ.vn) – Người đứng đầu Ngành Công thương - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết hiện nay việc xây dựng các nhà máy thủy điện phải đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư lẫn người dân, cộng đồng và lợi ích Nhà nước.

Sự kiện: Bệnh ung thư và cách phòng tránh

Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện cũng như tính đến đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050, Đảng và Nhà nước đã đặt ra nhiều giải pháp như đa dạng hóa các nguồn phát điện đối với các nhà máy nhiệt điện chạy than, dầu, khí… 

“Với tình hình hiện nay, do tài nguyên than, dầu khí ngày càng hạn chế nên chúng ta sẽ phải trở thành nước nhập khẩu điện đến năm 2015. Để đáp ứng nhu cầu năng lượng của đất nước trong khi chúng ta có tiềm năng tài nguyên hết sức phong phú, điều hết sức hợp lý là khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tiềm năng thủy điện. Nếu chúng ta sử dụng có hiệu quả sẽ phát huy mặt tích cực của thủy điện là phòng chống lũ trong mùa mưa và cất nước trong mùa khô”, Bộ trưởng Hoàng nhận định. 
 
Người đứng đầu Ngành Công thương nêu ví dụ điển hình từ khi có thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Đồng bằng Bắc bộ nhiều năm đã không còn lũ và thủy điện này cất nước hàng tỷ m3 phục vụ sản xuất nông nghiệp ở hạ du mỗi năm.  
 
“Tôi nghĩ đó là mặt được của các dự án thủy điện. Các dự án thủy điện khác còn góp phần tăng thu ngân sách, tạo việc làm cho người dân địa phương”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bày tỏ. 
 
Mô hình một nhà máy thủy điện
Mô hình một nhà máy thủy điện
 
Theo thống kê chính thức của các địa phương Miền trung và Tây nguyên, bình quân để có được 1 MW công suất thủy điện cung cấp phải thu hồi 6 ha đất (trong đó có khoảng 3,98 ha đất rừng và khoảng 2,2 ha đất ở và canh tác). Vấn đề đặt ra là khi xây dựng nhà máy thủy điện phải xử lý câu chuyện về đất ở, đất rừng để đảm bảo môi trường...
 
Bình luận về ý kiến 1 số chuyên gia cho rằng, có đến 90% nhà máy thủy điện hiện chưa đáp ứng được nhiệm vụ điều tiết nước mùa lũ và cất nước mùa khô, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thẳng thắn thừa nhận, không phải tất cả dự án thủy điện đều thực hiện được nhiệm vụ chống lũ. 
 
Trong điều kiện cụ thể nước ta, các dự án thủy điện quy mô lớn, có dung tích hồ chứa hàng tỷ m3 nước như Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang mới làm được nhiệm vụ chống lũ. Một số dự án thủy điện khác, nhất là ở khu vực miền Trung, Tây  nguyên do địa hình dốc, đỉnh lũ khi có lũ lên rất nhanh thì việc phát triển thủy điện ở khu vực này phần nhiều lại không có hồ chứa. Vì thế các thủy điện này có nhiệm vụ chính là phát điện và có kết hợp những nơi có thể xây dựng hồ chứa để giảm lũ 1 phần. 
 
“Việc xem xét xây dựng phê duyệt các dự án thủy điện đều quy định nếu các nhà máy thủy điện  khi có lũ về và buộc phải xả lũ thì lưu lương xả lũ qua đập và qua tổ máy phát điện tối thiểu bằng dung lượng lũ về. Đó là những quy định hết sức chặt chẽ và nếu thực hiện được, các nhà máy thủy điện ở khu vực  này sẽ góp phần giảm nước lũ khi có lũ xảy ra. Còn chống hạn cũng tương tự như thế”, Bộ trưởng nói. 
 
Về câu chuyện lợi ích của nhà đầu tư khi tham gia xây dựng nhà máy thủy điện, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, khi triển khai 1 dự án, không phải riêng dự án thủy điện mà 1 dự án đầu tư nói chung thì dự án đó phải đáp ứng nguyên tắc mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan; cho người dân, cho cộng đồng nơi dự án hoạt động, cho nhà đầu tư và cả cho Nhà nước. 
 
“Trong bối cảnh hiện nay tôi có thể nói rằng, phần lớn các dự án thủy điện nhỏ hiện rất khó khăn. Do vốn đầu tư, do huy động hạn chế, lãi suất cao, đầu tư nhà máy thủy điện tương đối cao vì thế giá thành sản xuất điện tương đối cao”, Bộ trưởng chia sẻ.
 
Cũng theo lời Bộ trưởng, hiện Tập đoàn điện lực Việt Nam là đơn vị duy nhất buôn và bán lẻ điện cho các hộ tiêu thụ. Trong bối cảnh cụ thể tập đoàn cũng chỉ có thể mua điện ở các dự án với mức giá tương đối thấp (xê dịch từ 600 đến 900 đồng/kwh). Với mức giá mua này của Tập đoàn điện lực, không ít nhà máy thủy điện Việt Nam bị lỗ. 
 
“Chúng tôi nghĩ rằng, khó khăn của các dự án thủy điện hiện nay là vì ngành điện, Bộ Công thương chưa có điều kiện giải thích rõ với nhân dân. Tôi cho rằng trong thời gian tới Bộ công thương và ngành điện phải làm tốt hơn nữa việc tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu rằng, các dự án thủy điện phải thực hiện lợi ích tổng thể cho nhân dân, nhà đầu tư và Nhà nước”, Bộ trưởng nói. 
 
Mạnh Phan (lược ghi)
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang