Chuyện Vinalines và đề án 322
Tiền mua “tàu gỉ” gấp 10 tiền cấp cho nhân tài
Thời kỳ ông Dương Chí Dũng làm tổng giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) từ năm 2005-2010 đã vung 22.853 tỉ đồng mua ồ ạt tàu cũ – báo Tuổi Trẻ đưa tin.
Tiền Nhà nước thất thoát cho Vinalines lớn gấp nhiều lần tiều đầu tư cho đề án 322. Ảnh: internet |
Trong khi đó, nhiều ứng viên 322 (đề án đào tạo cán bộ tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước) có nguy cơ không được đi du học, vì…thiếu tiền. Cục Đào tạo nước ngoài, Bộ GD&ĐT, cho biết kinh phí đã chi cho việc đào tạo từ năm 2.000- 2010 là trên 2.500 tỉ đồng, trung bình mỗi năm chi 228,5 tỉ đồng.
Với số tiền mua tàu cũ và những sai phạm lớn của Vinalines thì số tiền mà Nhà nước mất mát gấp hơn 10 lần số tiền đầu tư cho những nhân tài được sang nước ngoài tu nghiệp trong 10 năm.
Cần tầm nhìn xa
Một trong những lý do nêu ra của việc dừng đề án 322 là dù nhiều người đã được đào tạo rất tốt nhưng khi về nước lại không phát huy hết tài năng, có người không làm cho Nhà nước mà bỏ ra khu vực tư nhân để làm việc. Nhưng từ trước tới giờ, chúng ta thấy không thiếu những nhà khoa học bỏ ra làm kinh tế và đã thành công, tạo nên những thương hiệu lớn của Việt Nam. Nhiều nhà quản lý của FPT, xúc xích Đức Việt, tập đoàn Tâm Việt…là những ví dụ điển hình.
Họ không làm trực tiếp cho các cơ quan Nhà nước nhưng lại đóng góp lớn cho ngân sách, tạo nhiều công ăn việc làm và thúc đẩy kinh tế nước nhà phát triển.
Đương nhiên, theo nhiều nhà quản lý giáo dục, những người sau khi được Nhà nước cấp kinh phí du học, nếu muốn ra bên ngoài, cần phải xiết chặt việc hoàn trả kinh phí, để tái đầu tư cho những người khác. Nhưng điều đó không có nghĩa là việc đầu tư để đào tạo nhân tài lãng phí.
Lợi ích làm kinh tế chỉ cần 5 – 10 năm nhưng muốn có những trái ngọt trong sự nghiệp “trồng người” phải cần tầm nhìn xa và đầu tư dài hạn hơn thế.
Nên việc đầu tư cho khoa học và giáo dục phải được quan tâm nhiều hơn, tương xứng với đầu tư phát triển kinh tế.
Hoàng Lan