Xôn xao clip Kiểm sát viên nhận tiền hối lộ?

author 11:13 04/03/2013

(VietQ.vn) - Cộng đồng mạng đang xôn xao về clip được đăng tải trên nhiều website 1 Kiểm sát viên nhận tiền hối lộ của bị cáo và mớm cung cho bị cáo khi ra xét xử ngay tại phòng làm việc.

Trong clip quay khá rõ 1 nữ Kiểm sát viên đang nói chuyện với 1 người đàn ông là bị cáo trong 1 vụ án hình sự. Trong clip quay lại cảnh nữ Kiểm sát viên này đã nhận phong bì từ tay người đàn ông. 

Trước khi nhận tiền, Kiểm sát viên này đã lên tiếng đe dọa: “Cháu nói thật với chú, ngày mai mà tại phiên tòa chú mà có thái độ thì cháu sẽ bác hết lời khai của chú. Rồi sau đó cháu mới nói chuyện với chú”.
Ảnh chụp ra từ clip
Ảnh chụp ra từ clip
 
Sau đó, nữ Kiểm sát viên này hỏi thằng: “Thế chú được bao nhiêu?”. Người đàn ông trả lời: “Được có 20” thì nữ Kiểm sát viên nói: “Chuyện đó cháu không biết. Cháu chỉ biết chị Liên có nhờ cháu và có người chỉ đạo cháu”. 
 
Trong clip, người đàn ông trước khi đưa tiền cũng đã nói: “Chị xem giúp tôi ở phiên tòa. Đây có ít tiền chị lo giúp tôi”.
 
Sau khi nhận phong bì từ tay người đàn ông, nữ Kiểm sát viên đã “hướng dẫn” người đàn ông khai khi xét xử là : “Tôi nông nổi, xin tòa khoan hồng để tôi được về với gia đình”.
 
Sau khi clip được đưa lên mạng, rất nhiều người đã bày tỏ thái độ bất bình về hành vi nhận hối lộ của nữ Kiểm sát viên. 
 
Theo clip, người đưa hối lộ tên là Thanh, còn nữ Kiểm sát viên tên Tú. Cộng đồng mạng cho rằng, người phụ nữ kiểm sát viên này đang làm việc ở Tòa án nhân dân ở tỉnh Phía Bắc. Người "đưa tiền hối lộ" là bị can trong vụ án “Chống người thi hành công vụ”.
 
Chúng tôi tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Điều 279 Bộ luật Hình sự quy định về tội nhận hối lộ như sau:
 
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Gây hậu quả nghiêm trọng;
b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
c) Đã bị kết án về một trong các tội phạm về tham nhũng, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Có tổ chức;
b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội nhiều lần;
d) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
đ) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm:
a) Của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.
Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn có thể nhận hối lộ để làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của mình vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Ví dụ nhận tiền hoặc quà biếu để tuyển dụng một người vào làm việc tại cơ quan, để xét tăng lương trước thời hạn cho người lao động; không lập biên bản để xử lý xây dựng nhà trái phép, không kiểm tra hàng hoá của đối tượng nghi là buôn lậu...
Thủ đoạn và hình thức nhận hối lộ, tài sản dùng để hối lộ rất đa dạng, phong phú. Tài sản dùng để hối lộ có thể là tiền, tài sản hoặc các lợi ích vật chất khác như giấy chuyển nhượng nhà, quyền sử dụng đất, vé đi du lịch, hoặc kể cả quà tặng cho người thân của người có chức vụ, quyền hạn... Tài sản hối lộ có thể được đưa trực tiếp cho người nhận nhưng cũng có thể chuyển gián tiếp qua bưu điện hoặc thông qua người thứ ba hoặc núp dưới các hình thức như cho vay, trả nợ, trả tiền thù lao...
 
Để kết luận một người phạm tội nhận hối lộ phải có các dấu hiệu sau đây:
 
Thứ nhất, người nhận hối lộ phải có chức vụ, quyền hạn và đã sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình để nhận hối lộ.
 
Thứ hai, có sự thoả thuận trước về việc nhận và đưa hối lộ giữa người có chức vụ, quyền hạn và người đưa hối lộ nhằm nhận được một lợi ích nào đó và người có chức vụ, quyền hạn đã đồng ý nhận tiền, tài sản mà không phụ thuộc vào việc trên thực tế đã có việc giao và nhận hay chưa. Trong trường hợp người có chức vụ, quyền hạn chủ động đòi hối lộ thì tội phạm hoàn thành kể từ thời điểm người phạm tội tỏ rõ thái độ của mình và người đưa hối lộ chấp nhận sự đòi hỏi đó.
 
Thứ ba, tài sản dùng để hối lộ phải có giá trị từ 500 nghìn đồng trở lên. Nếu tài sản hối lộ có giá trị dưới 500 nghìn đồng thì người nhận hối lộ chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội phạm về tham nhũng chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
 
(Thông tin khiếu tố của bạn đọc có thể liên hệ qua đường dây nóng: 0904.065.256 để được tư vấn, hỗ trợ, giải quyết).
 
Hòa Khánh
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang