Xu hướng phẫu thuật 'thẩm mỹ đảo ngược' gia tăng, cần thận trọng để tránh rủi ro

author 06:16 21/01/2024

(VietQ.vn) - Theo các chuyên gia thẩm mỹ, hiện nay có rất nhiều người lựa chọn phương pháp phẫu thuật 'đảo ngược' để lấy lại vẻ đẹp tự nhiên như trước khi chưa phẫu thuật nhưng cần thận trọng.

Xã hội càng phát triển, nhu cầu làm đẹp của con người càng lớn. Nhiều người trải qua các thủ thuật thẩm mỹ để thay đổi vĩnh viễn diện mạo, đường nét hoặc cơ thể của họ...Tuy nhiên, một số người hối hận vì "dao kéo" ngay cả khi kết quả đúng như những gì họ mong đợi. Nhiều người trong số đó quyết định thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ đảo ngược - quy trình mà theo nhiều bác sĩ sẽ gia tăng trong thời gian tới. Đây là những phẫu thuật nhằm sửa các kết quả không mong muốn khi phẫu thuật thẩm mỹ hay để loại bỏ một thiết bị hoặc vật liệu đã được cấy ghép.

Theo tạp chí Allure, có nhiều lý do khiến mọi người tìm đến việc đảo ngược kết quả của phẫu thuật thẩm mỹ: từ kết quả phẫu thuật không như ý đến các biến chứng y khoa và những nỗi lo ngại về sức khỏe. Thậm chí, theo nhiều chuyên gia, làn sóng đảo ngược phẫu thuật thẩm mỹ mà chúng ta đang chứng kiến rất có thể là kết quả của xu hướng thẩm mỹ mới đang gia tăng. Một số loại phẫu thuật phổ biến nhất có nhu cầu đảo ngược cao là BBL (nâng mông kiểu Brazil), nâng độn ngực và tạo hình mũi. Cuối năm 2023, hashtag làm tan filler có hơn 30 triệu lượt xem trên TikTok và hashtag đảo ngược cấy mỡ mông BBL có hơn 8 triệu lượt xem.

Số liệu thống kê từ Hiệp hội Thẩm mỹ Mỹ cho thấy tỉ lệ đảo ngược chất làm đầy da đã tăng 57% chỉ riêng trong năm ngoái. Bên cạnh làm tan chất làm đầy, gần đây, tỉ lệ đảo ngược cấy mỡ mông BBL, chỉnh lại cấu trúc mũi hay thu nhỏ ngực cũng ngày càng tăng. Còn số liệu năm 2021 cho thấy bên cạnh khoảng 364.753 ca nâng ngực là 147.684 ca tháo và thay túi độn (tăng 32% so với năm 2020)...

Những năm gần đây, một số người nổi tiếng cũng trở nên cởi mở hơn về trải nghiệm khi phẫu thuật thẩm mỹ, cũng như sự hối hận sau đó. Năm 2022, ca sĩ Chloe Lattanzi, con gái của cố ngôi sao người Australia gốc Anh Olivia Newton-John, thừa nhận đã từng thực hiện ca phẫu thuật thẩm mỹ trị giá khoảng 550.000 USD. Tuy nhiên, ở tuổi 36, người đẹp 8X làm tan chất làm đầy trên khuôn mặt và sẽ loại bỏ túi độn ngực mà cô cấy ghép khi còn là thiếu nữ. Lattanzi kỳ vọng vòng một trông tự nhiên hơn, còn có thể tránh được những tác hại tiềm tàng mà phẫu thuật nâng ngực gây ra cho cơ thể.

Phẫu thuật thẩm mỹ đảo ngược có thể tiềm ẩn rủi ro cần thận trọng. Ảnh minh họa

Bella Hadid từng chia sẻ trên tạp chí Vogue rằng hối hận về ca nâng mũi năm 14 tuổi. "Tôi ước gì mình đã giữ lại chiếc mũi di truyền từ đời trước. Tôi nghĩ mình nên để nó phát triển tự nhiên", siêu mẫu 25 tuổi nói. Chuyên gia nhận định việc khôi phục chiếc mũi ban đầu của Bella không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, do đó cô quyết định không thử đảo ngược.

Victoria Beckham thì phủ nhận việc nâng ngực trong nhiều năm. Tuy nhiên, vào năm 2014, nhà thiết kế thời trang 7X cuối cùng thừa nhận có phẫu thuật vòng một và cho biết đã tháo túi độn ngực và thay thế bằng loại có kích thước nhỏ hơn vì cô cảm thấy kích cỡ ban đầu không phù hợp với khung xương của mình.

Theo các chuyên gia thẩm mỹ, những người tìm đến đảo ngược phẫu thuật thẩm mỹ hầu hết cảm thấy những gì có vẻ gợi cảm ở tuổi thanh xuân không còn phù hợp ở tuổi trung niên. Rất nhiều bác sĩ, chuyên gia đồng ý quan điểm rằng tiêu chuẩn về vẻ đẹp ngày nay đã thay đổi, do sự bùng nổ của các clip ngắn trên TikTok, YouTube hay các ứng dụng xã hội. “Khuôn mặt được bơm đầy, các bộ phận cơ thể to lớn so với kích thước cơ thể có thể hoàn hảo trong các bức ảnh tĩnh, song lại giả tạo trong từng chuyển động, phân cảnh của clip ngắn, video. Mà mạng xã hội bây giờ lại là sự lên ngôi của video.

Bác sĩ thẩm mỹ Jeffrey Lisiecki (Mỹ) cho biết, trên thực tế, hầu hết các cuộc phẫu thuật thẩm mỹ ngược đều là phẫu thuật mang tính chỉnh sửa hoặc tinh chỉnh để làm cho kết quả thẩm mỹ của bệnh nhân trở nên tốt hơn chứ không phải là sự đảo ngược hoàn toàn để trở lại hình dáng, cấu trúc như ban đầu. Các xu hướng phẫu thuật thẩm mỹ thay đổi liên tục khi những tiêu chuẩn và xu hướng làm đẹp phát triển. Những gì được coi là đáng mơ ước và thời thượng trong quá khứ có thể không còn phổ biến ở hiện tại.

Bác sĩ thẩm mỹ Umbareen Mahmood ở New York (Mỹ) cũng cảnh báo: “Can thiệp thẩm mỹ dù là phẫu thuật hay không xâm lấn luôn để lại dấu vết và việc “đảo ngược” không thể khiến nó trở lại như trạng thái ban đầu”.

Phẫu thuật thẩm mỹ đảo ngược giống như quá trình “hoàn tác” một quy trình nhằm khôi phục lại diện mạo trước khi phẫu thuật. Độ phức tạp của quá trình đảo ngược sẽ phụ thuộc nhiều vào quá trình ban đầu thực hiện. Cụ thể, nếu sử dụng filler để làm đầy môi thì chỉ cần tiêm chất làm tan filler là có tác dụng ngay lập tức. Nhưng đối với các loại thẩm mỹ khác như nâng ngực hay cấy mỡ mông BBL thì sẽ phức tạp hơn. Việc đảo ngược quá trình cũng cần cân nhắc kỹ như khi quyết định chỉnh sửa.

Độ phức tạp của quá trình đảo ngược ít hay nhiều dựa trên loại phẫu thuật thực hiện ban đầu. Ví dụ, với cấy ghép - chẳng hạn như nâng ngực, nâng mông và tạo hình lại cằm, má hoặc hàm - một yếu tố bên ngoài sẽ được đặt vào bên trong cơ thể để đạt được hình dạng hoặc kích thước mới. Nếu không hài lòng với vẻ ngoài sau vài năm, bác sĩ phẫu thuật có thể tìm cách loại bỏ túi độn và xử lý phần da thừa nếu cần.

Với các biện pháp thẩm mỹ loại bỏ như hút mỡ, tạo đường nét cơ thể, tạo hình thành bụng và thu nhỏ ngực, bác sĩ phải chiết xuất mỡ, da hoặc mô khỏi cơ thể rồi sắp xếp lại khu vực xung quanh để phù hợp diện mạo mới. Trong những trường hợp này, không đơn giản là lắp lại những gì đã bị loại bỏ trước đó.

Các quy trình đảo ngược phức tạp nhất là liên quan đến phương pháp định hình lại, chẳng hạn như căng da mặt, nâng lông mày, tạo hình má, phẫu thuật mí mắt, nâng mũi... Khi phẫu thuật khuôn mặt, chất béo, mô hoặc sụn sẽ được loại bỏ hoặc kéo ra để đạt được cấu trúc mới, do đó việc cố gắng trở lại như ban đầu có thể không thực hiện được hoặc có thể để lại những vết sẹo dễ nhận thấy.

Để có thể biết được kết quả sau khi đảo ngược, cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ có chuyên môn. Do đó, các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ hy vọng làn sóng đảo ngược này sẽ là một cảnh báo cho thế hệ sau. Các phương pháp điều trị không phẫu thuật như thuốc tiêm và chỉ có thể dễ dàng hoàn tác hơn so với phẫu thuật dựa trên dao mổ nhưng mọi quy trình thẩm mỹ đều có rủi ro. Vì vậy khi chọn chỉnh sửa ngoại hình, hãy tránh rơi vào bẫy của các xu hướng làm đẹp trên mạng xã hội: “Can thiệp thẩm mỹ dù là phẫu thuật hay không xâm lấn luôn để lại dấu vết và việc “đảo ngược” không thể khiến nó trở lại như trạng thái ban đầu”.

Hệ lụy từ phẫu thuật thẩm mỹ theo trào lưu 

Tại Việt Nam, theo thống kế, mỗi năm có khoảng 25.000-35.000 ca biến chứng thẩm mỹ, chiếm tỷ lệ 14%. Thẩm mỹ theo trào lưu đã kéo theo hàng loạt hệ lụy. Nâng mũi cao Tây gây thủng mũi. Cắt mí Ấn Độ khiến mắt trợn ngược giả trân. Hạ mí mắt giọt lệ Trung Hoa làm lật mí, không thể nhắm mắt… Đây đều là những tai biến thường gặp khi làm đẹp theo trào lưu, bởi lẽ thực chất đây chính là những chiêu trò quảng cáo của các cơ sở nhỏ lẻ, không chính thống.

Chia sẻ về thực trạng này, Tiến sĩ, bác sĩ Tú Dung, Tổng Giám đốc Bệnh viện JW thông tin cho biết: “Trong bất kỳ trường hợp làm đẹp nào mà không an toàn thì là làm đẹp thất bại. Xu hướng sẽ thay đổi liên tục. Nhưng quan trọng là làm đẹp phải an toàn. Ví dụ một số người muốn nâng mũi cao Tây, căng chỉ mắt cáo… nhưng nó lại không phù hợp với người Á Đông, nên trở thành không thực tế, một thời gian sau đó lại phải chỉnh sửa lại... Do đó cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với từng người. Chúng ta thay đổi để chúng ta đẹp hơn nhưng phải phù hợp với mình thì mới thực sự đẹp, mới an toàn”. Phẫu thuật thẩm mỹ là chìa khóa để cải thiện nhan sắc, để tự tin hơn với vẻ đẹp của chính mình chứ không phải là con đường để trở thành bản sao người khác.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang