Xu hướng xanh hóa bao bì sản xuất trong ngành thực phẩm

author 20:30 08/05/2024

(VietQ.vn) - Hiện nay, tăng trưởng xanh đang trở thành mục tiêu được nhiều quốc gia hướng tới. Trong đó, sản xuất bao bì xanh được ưu tiên trong nền kinh tế tuần hoàn, bao gồm bao bì sử dụng cho chế biến thực phẩm, đồ uống, sản xuất nhựa và hóa chất.

Hiện nay, tăng trưởng xanh là xu hướng tiếp cận mới trong phát triển kinh tế của các quốc gia trên thế giới. Trong đó, bao bì là một trong những lĩnh vực ưu tiên áp dụng kinh tế tuần hoàn, bao gồm bao bì sử dụng cho chế biến thực phẩm, đồ uống, sản xuất nhựa và hóa chất. Đặc biệt, tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững đảm bảo phát triển kinh tế hiệu quả và bền vững, đồng thời góp phần quan trọng vào thực hiện chống biến đổi khí hậu.

Do đó, xanh hóa bao bì đang trở thành một trong những ưu tiên của chính phủ và các bên hữu quan, trở thành mắt xích quan trọng trong nền kinh tế tuần hoàn. Dự thảo Kế hoạch Hành động Quốc gia thực hiện Kinh tế Tuần hoàn (NAPCE) đang được chính phủ Việt Nam xây dựng cũng xác định bao bì là một trong những lĩnh vực ưu tiên áp dụng kinh tế tuần hoàn, bao gồm bao bì sử dụng cho chế biến thực phẩm, đồ uống, sản xuất nhựa và hóa chất.

Theo bà Hồ Thị Quyên - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) - cho biết, xanh hóa bao bì không chỉ đơn thuần là theo xu hướng mà phần quyết định nằm ở nỗ lực của các doanh nghiệp. Việc lựa chọn vật liệu bao bì cho sản phẩm đồ uống đã được các doanh nghiệp đặt lên bàn cân tính toán, làm sao đảm bảo được chất lượng sản phẩm, thân thiện với môi trường và có khả năng tái chế cao nhất. Theo đó, doanh nghiệp cần đầu tư mạnh mẽ cho nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ sản xuất, sử dụng nguyên liệu xanh, nguyên liệu tái tạo và áp dụng nhiều giải pháp khác nhau trong sản xuất bao bì. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư vốn, thời gian, công sức và nâng cao trình độ nhân lực.

EU - một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam đã thông qua dự luật bao bì mới nhằm giảm lượng rác thải bao bì. Theo dự luật này, đến năm 2026 EU sẽ hạn chế đưa ra thị trường bao bì có chứa hoá chất vĩnh cửu PFAS, đến năm 2029 thu gom rác thải chai nhựa và lon hộp tối thiểu đạt 90% và từ năm 2030, EU cấm bao bì nhựa sử dụng một lần trong ngành ăn uống. Theo lộ trình này, doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng thực phẩm vào EU chỉ còn 5 năm để chuyển đổi sang loại bao bì khác thân thiện và bền vững hơn.

Ảnh minh họa

Các chuyên gia cho rằng, không chỉ EU mà ngày càng có nhiều quốc gia yêu cầu cao hơn về tiêu chuẩn hàng tiêu dùng, đặc biệt là nhóm thực phẩm. Các vấn đề về sản xuất xanh, thân thiện với môi trường không chỉ áp dụng cho phần lõi sản phẩm mà bao gồm toàn bộ các nguyên vật liệu, bao bì và quy trình sản xuất - vận chuyển – tiêu thụ. Tiến sĩ Devender Singh đến từ Tập đoàn Eurofins tại Đức cho biết, tăng trưởng xanh đang dần trở thành tiêu chuẩn mới trong việc phát triển kinh tế trên toàn cầu, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu.

Theo đó, việc xanh hóa bao bì thực phẩm không chỉ là một xu hướng mà còn là sự chuyển đổi chiến lược của các doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu về phát triển bền vững. Bởi vậy, doanh nghiệp cần tập trung vào việc sử dụng vật liệu bao bì thân thiện với môi trường, dễ tái chế nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm. Để thực hiện điều này, doanh nghiệp cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ, sử dụng nguyên liệu xanh và áp dụng phương pháp sản xuất bền vững.

“Các loại bao bì tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm có nguy cơ nhiễm hóa chất độc hại như bisphenol A, phthalate, kim loại nặng và formaldehyde… đều là mối nguy tiềm ẩn với sức khỏe con người. Do đó, kiểm nghiệm bao bì thực phẩm là một bước quan trọng để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và tuân thủ các quy định pháp lý. Ngoài ra, mỗi thị trường có thể có những quy định cụ thể về tiêu chuẩn, chất lượng hay vật liệu bao bì khác nhau, doanh nghiệp xuất khẩu cần tìm hiểu trước thông tin để thâm nhập hiệu quả và tránh các rủi ro.”, Tiến sĩ Devender Singh khuyến nghị.

Đến thời điểm hiện tại, các tiêu chuẩn và quy định quan trọng trong kiểm nghiệm bao bì thực phẩm bao gồm: QCVN 12-4:2015/BYT cho bao bì thủy tinh và gốm sứ; QCVN 12-1:2011/BYT, QCVN 12-2:2011/BYT, QCVN 12-3:2011/BYT cho bao bì nhựa, kim loại, cao su; và TCVN 12723:2019 cho giấy và các tông; hoặc các quy định quốc tế như Quy định (EU) 10/2011 về vật liệu nhựa, FDA 21 CFR 177.1520 của Mỹ cùng các quy định khác.

Bà Liêu Ngọc Minh Tuyến, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất dịch vụ Minh Phát cho rằng, việc đầu tư sản xuất bao bì thực phẩm thân thiện với môi trường còn gặp nhiều khó khăn. Một trong những khó khăn lớn là thay đổi thói quen của người dân từ việc sử dụng bao bì thông thường sang bao bì dễ phân hủy, thân thiện môi trường và vấn đề giá thành bao bì sinh học thân thiện với môi trường cao, nên doanh nghiệp làm ra sản phẩm không tiêu thụ được. Bên cạnh đó, để xuất khẩu, doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn, chứng nhận kiểm nghiệm của các nước sở tại vô cùng khắt khe. Trong khi nguồn vốn để đầu tư sản xuất, xanh hóa bao bì thực phẩm rất hạn chế, nhất là với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Do đó, theo bà Tuyến, xanh hóa bao bì sản phẩm thực phẩm không chỉ là câu chuyện của doanh nghiệp, mà cần sự hỗ trợ từ các sở, ban ngành, địa phương. Chẳng hạn như hỗ trợ tiếp cận vốn ưu đãi, trợ giá sản phẩm…

 Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang