Xử lý nghiêm cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, nhất là các bếp ăn tập thể

author 15:01 23/05/2024

(VietQ.vn) - Thông tin từ Bộ Y tế, cho thấy từ đầu năm 2024 đến nay, một số địa phương đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm lớn, làm nhiều người mắc và phải nhập viện điều trị, gây hoang mang, lo lắng cho người dân và gây bức xúc cho xã hội.

Theo ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trung bình trong 5 năm gần đây, mỗi năm ghi nhận khoảng 100 vụ ngộ độc, 23 trường hợp tử vong. Riêng trong 5 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 36 vụ ngộ độc thực phẩm. Số vụ ngộ độc giảm so với cùng kỳ năm 2023 (5 tháng đầu năm 2023 xảy ra 40 vụ ngộ độc), nhưng số mắc lại tăng hơn 1.000 người. “Có những vụ ngộ độc với số mắc quy mô lớn, hàng trăm người mắc và nhập viện”, ông Long cho hay.

Đáng chú ý, có 3 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ở bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp, khu chế xuất làm 518 người mắc, tăng 457 trường hợp so với cùng kỳ 2023. Số vụ ngộ độc trong trường học và số mắc đều giảm so với cùng kỳ.

Về nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm, ông Long cho biết ghi nhận 11 vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến vi sinh vật khiến 1.241 người mắc, không ghi nhận trường hợp tử vong; chiếm 30,6% tổng số vụ, nhưng chiếm đến 58% số mắc. 2 vụ ngộ độc xảy ra do nguyên nhân hóa chất; 6 vụ do độc tố tự nhiên; 17 vụ ngộ độc không xác định nguyên nhân.

Để ngăn ngừa các vụ ngộ độc tập thể xảy ra, Bộ Y tế đã đề nghị Sở Y tế, cơ quan chức năng các tỉnh, thành phố tăng cường công tác liên ngành trong thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học...

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương cần kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; đồng thời công khai hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ảnh minh họa

Hiện nay, nhiều ý kiến từ chuyên gia cũng đánh giá các văn bản quy phạm pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm đã cơ bản đầy đủ. Tuy nhiên, việc kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực thi các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm tại nhiều nơi, nhiều lúc chưa chặt chẽ, nhất là tại tuyến cơ sở.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, cho rằng vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm rất quan trọng, bởi không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, mà cả đến an ninh trật tự, kinh tế xã hội, hay vấn đề an sinh. Chẳng hạn, vừa qua xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm tương đối lớn ở Khánh Hoà, Đồng Nai, Vĩnh Phúc..., đã ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động, người dân, sản xuất của doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, việc đảm bảo an toàn thực phẩm liên quan đến nhiệm vụ của các cấp, các ngành, từ trung ương đến địa phương và của toàn dân, chứ không chỉ của ngành Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hay Công Thương.

Trước vấn đề này, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới, Công điện số 44/CĐ-TTg ngày 03/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm, Công văn số 2487/BYT-ATTP ngày 11/5/2024 của Bộ Y tế về việc ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm. Thực hiện phân công trách nhiệm, chuẩn bị sẵn kế hoạch, phương án của Ban chỉ đạo về xử lý, điều tra, khắc phục ngộ độc thực phẩm. Người đứng đầu các cấp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn.

"Không để xảy ra tình trạng cơ sở lợi dụng có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm do ngành Nông nghiệp, Công Thương cấp theo quy định, nhưng lại thu gom các nguyên liệu trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ để cung cấp cho bếp ăn tập thể các công ty, khu công nghiệp, khu chế xuất", lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh.

Riêng đối với các Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu cần chỉ đạo các doanh nghiệp, nhà máy, phân xưởng kiên quyết không ký hợp đồng với các cơ sở không đủ điều kiện an toàn thực phẩm, không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn theo quy định cung cấp nguyên liệu, cung cấp suất ăn, dịch vụ ăn uống.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và nhà thầu cần phải tổ chức những cuộc kiểm tra đột xuất, định kỳ về truy xuất nguồn gốc của các đơn vị cung cấp thực phẩm cho bếp ăn tập thể. Mục tiêu đặt ra là không để xảy ra vụ ngộ độc lớn.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang