Quý II/2024 gian lận thương mại và hàng giả sẽ tiếp tục phức tạp, nhiều thủ đoạn mới
An Giang: Tạm giữ nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc, không có nhãn phụ tiếng Việt
Tiền Giang: Kiểm tra, xử lý 12 cơ sở kinh doanh vàng vi phạm về biển hiệu
Chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh có xu hướng cải thiện theo thời gian
Theo Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, quý I/2024, hoạt động mua bán, vận chuyển hàng cấm, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, gian thương mại và hàng giả qua các tuyến biên giới, cửa khẩu đất liền, đường mòn, lối mở biên giới, tuyến biên giới biển, cảng biển, vùng biển, địa bàn nội địa trọng điểm diễn biến không quá phức tạp, không phát sinh điểm nóng. Trong quý, nổi lên các hoạt động vận chuyển trái phép hàng cấm như ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu ngoại, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng như xăng, dầu, vàng, rượu, bia, đường cát, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, lương thực, thực phẩm, hàng đông lạnh, gia dụng, các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia nhận định, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, tỉnh, thành phố đã tích cực, chủ động kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền, lợi ích của doanh nghiệp, người tiêu dùng...
Tuy nhiên, theo Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia thì vẫn còn một số tồn tại như ở một số nơi, một số khâu, một số đơn vị chưa chú trọng quản lý, giáo dục tư tưởng, đạo đức cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ; một số đơn vị còn hiện tượng làm ngơ, bao che, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, mua bán, vận chuyển hàng cấm, kinh doanh, vận chuyển trái phép hàng nhập lậu, hàng giả...
Ngoài ra, đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, mua bán, vận chuyển hàng cấm, kinh doanh, vận chuyển trái phép hàng nhập lậu, hàng giả... hoạt động có tổ chức chặt chẽ, trên địa bàn rộng, liên khu vực, xuyên quốc gia. Cùng với đó, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây khó khăn trong việc phát hiện hành vi, hoạt động thương mại điện tử, mua bán qua trang mạng xã hội ngày càng phát triển, gây khó khăn cho điều tra, xác minh, đấu tranh, ngăn chặn. Tuy nhiên bằng biện pháp nghiệp vụ các tỉnh thành đã kiểm tra và phát hiện cũng như xử lý nhiều vụ việc vi phạm.
Điển hình, trong quý I/2024, Cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố Hà Nội đã kiểm tra, xử lý hơn 1.300 vụ việc; xử phạt hành chính gần 26 tỷ đồng; hàng hóa tịch thu và tiêu hủy tái chế gần 24 tỷ đồng.
Cục QLTT thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong quý 1/2024, các đơn vị QLTT trên địa bàn Thành phố đã kiểm tra và xử lý 1.019 vụ vi phạm; thu nộp vào ngân sách hơn 23,1 tỷ đồng; chuyển cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khởi tố vụ án hình sự 04 vụ, với trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 6,5 tỷ đồng.
Cục QLTT thành phố Đà Nẵng đã tổ chức kiểm tra hơn 400 vụ việc, xử lý hơn 370 vụ với các hành vi vi phạm về hàng cấm, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, an toàn thực phẩm, vi phạm về giá và các hành vi vi phạm khác theo quy định; thu nộp Ngân sách nhà nước hơn 1 tỷ đồng.
Tại tỉnh Quảng Ninh, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 745 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; trị giá hàng hóa vi phạm 10,4 tỷ đồng, trong đó 49 vụ vi phạm trong lĩnh vực thuế nội địa, phạt hành chính 47,08 tỷ đồng, truy thu thuế bổ sung 51,18 tỷ đồng; xử lý hình sự 16 vụ với 23 đối tượng.
Trong quý I, các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình đã chủ động, tích cực triển khai công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn. Tổng số vụ phát hiện, bắt giữ, xử lý 138 vụ. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 499 triệu đồng. Lực lượng QLTT phát hiện, xử lý 85 vụ, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và trị giá hàng hoá tịch thu 270,72 triệu đồng; trong đó số tiền thu phạt vi phạm hành chính 237,15 triệu đồng, trị giá hàng hoá tịch thu 33,57 triệu đồng.
Nhận định về tình hình gian lận thương mại, hàng giả, buôn lậu...thời gian tới, Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) cho biết, dự báo quý II/2024, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, mua bán, vận chuyển hàng cấm, kinh doanh, vận chuyển trái phép hàng nhập lậu, hàng giả... trên các tuyến biên giới, cửa khẩu, cảng biển, vùng biển và trên địa bàn nội địa sẽ phức tạp.
Bên cạnh đó, lợi dụng xu thế thương mại điện tử, mua bán qua các trang mạng xã hội, chuyển phát nhanh... ngày càng gia tăng, các đối tượng sẽ tăng cường các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với phương thức thủ đoạn mới, tinh vi, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng.
Do đó, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia sẽ xây dựng các chương trình, kế hoạch, giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phù hợp diễn biến tình hình địa bàn và yêu cầu nhiệm vụ; đặc biệt tập trung đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng, ngoại tệ.
Đồng thời, tăng cường giáo dục cán bộ, công chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhận thức, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, không tiếp tay, bảo kê, bao che cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu để khích lệ, động viên tinh thần, lan tỏa gương người tốt, việc tốt trong phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
An Dương (T/h)