Xử lý nghiêm tình trạng buôn bán, vận chuyển lợn lậu qua biên giới Tây Nam

author 20:39 19/09/2024

(VietQ.vn) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa đề nghị xử lý nghiêm buôn bán, vận chuyển lợn lậu qua biên giới Tây Nam, đặc biệt là tỉnh Tây Ninh.

Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới Tây Nam, đặc biệt là biên giới với Campuchia vào Việt Nam diễn ra phức tạp, làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm.

Trong đó tỉnh Tây Ninh là tỉnh có đường biên giới dài trên 230km với nhiều đường mòn, lối mở. Vì vậy, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới luôn diễn biến phức tạp, khó lường.

Thời gian qua, lực lượng chức năng địa phương liên tục phát hiện các vụ buôn lậu, tuy nhiên mang tính chất nhỏ lẻ, chủ yếu là hàng tiêu dùng do các cư dân biên giới chẻ nhỏ vận chuyển từ Campuchia vào Việt Nam qua các đường mòn, lối mở và hai bên cánh gà cửa khẩu. Đối tượng chủ yếu là cư dân các xã biên giới thuộc huyện Tân Biên, Tân Châu, Châu Thành, Bến Cầu, Trảng Bàng chuyên vận chuyển thuê hoặc trực tiếp mua bán vận chuyển hàng lậu từ Campuchia về Việt Nam.

Hầu hết, lợn nhập lậu không rõ nguồn gốc, có thể được cho ăn thức ăn có chứa các sản phẩm cấm dùng trong chăn nuôi, không đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, có nguy cơ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi trong nước, sức khỏe người dân.

Tình trạng nhập lậu lợn tại các tỉnh Tây Nam phức tạp. Ảnh: Báo Nông nghiệp

Để chấm dứt tình trạng này, Bộ NN&PTNT gửi công văn khẩn đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh chỉ đạo tổ chức ngăn chặn, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không để xảy ra tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép lợn vào Việt Nam.

UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, tỉnh đã yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 tỉnh phối hợp, tăng cường các biện pháp kiểm soát, xử lý nhằm ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh do heo lậu từ biên giới nhập vào địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh yêu cầu Bộ đội Biên phòng tăng cường kiểm soát tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới; tập trung xử lý các trường hợp động vật nghi ngờ nhập lậu từ Campuchia. Đồng thời, các địa phương có chung biên giới với Campuchia phải thống kê số liệu, kiểm soát đàn vật nuôi để kịp thời phát hiện biến động, tăng số lượng đột biến do có sự câu kết, hợp thức hoá nguồn gốc đàn vật nuôi được vận chuyển, nhập lậu.

UBND tỉnh Tây Ninh cũng yêu cầu Sở NN&PTNT tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ tại các cơ sở thu gom, giết mổ gia súc, gia cầm, nhất là các địa điểm tiếp giáp biên giới; tăng cường công tác kiểm tra và truy xuất nguồn gốc đối với việc vận chuyển trâu, bò, heo, gia cầm tiêu thụ trên địa bàn tỉnh.

Riêng các địa phương, UBND tỉnh Tây Ninh đề nghị thống kê số liệu, kiểm soát đàn vật nuôi của địa phương, đặc biệt các xã có chung biên giới với Campuchia để kịp thời phát hiện sự biến động, tăng số lượng đột biến do có sự câu kết, hợp thức hoá nguồn gốc đàn vật nuôi được vận chuyển, nhập lậu. Đồng thời chú ý các trường hợp hợp thức hoá, làm giả, làm trái quy định các loại giấy tờ kiểm dịch nhập khẩu, kiểm dịch vận chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh.

Liên quan tới tình trạng vận chuyển lợn lậu, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ nói thẳng, các nước người ta rất gắt trong kiểm soát thịt nhập vào nhưng ngược lại Việt Nam đang buông lỏng. Nhiều quốc gia đâu có cho nhập khẩu nội tạng động vật để bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước, còn Việt Nam thì cho nhập thoải mái. Nội tạng, thịt hết hạn giá rẻ tràn ngập thị trường, khai là nhập về làm thức ăn chăn nuôi hay phân bón nhưng lại đưa ra cho người ăn.

Mỗi năm nhập hàng trăm ngàn tấn chứ không phải ít nhưng hầu như không có biện pháp kiểm soát, xử lý. Bữa ăn trở nên bất ổn với miếng thịt không được kiểm soát. Dịch bệnh từ đó mà ra, bệnh tật cũng từ đó mà ra. Kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2007 đến nay cũng là giai đoạn mà thịt nhập khẩu về Việt Nam ngày càng nhiều.

Dù rằng hội nhập là phải cạnh tranh, nhưng người nông dân và doanh nghiệp chăn nuôi cũng cần có một chính sách công bằng và rõ ràng từ các cơ quan chức năng, ngăn chặn những mối nguy cơ dịch bệnh từ bên ngoài, kiểm soát chặt chất lượng hàng nhập khẩu để đảm bảo cạnh tranh sòng phẳng. Và người tiêu dùng cũng có quyền đòi hỏi cơ quan chức năng kiểm soát các nguồn thực phẩm nhập khẩu đảm bảo an toàn cho bữa ăn hằng ngày và sức khỏe của họ.

Muốn như vậy, việc kiểm soát nhập lậu phải được siết chặt, trách nhiệm của các địa phương là điểm nóng trong buôn lậu heo phải được đưa ra. Không thể để chuyện con heo chui lọt qua lỗ kim mãi mà không biết.

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13562-4:2022 lợn giống bản địa - Phần 4: Lợn Vân Pa

Bộ Khoa học và Công nghệ công bố đưa ra yêu cầu kỹ thuật đối với lợn Vân Pa nuôi để làm giống. Theo đó yêu cầu về các đặc điểm về ngoại hình phải đáp ứng các yêu cầu: Thân hình cân đối, nhanh nhẹn; đầu nhỏ, mõm dài, mặt thẳng; cổ ngắn, vai hẹp; tai nhỏ, dày và chĩa thẳng ra hai bên. 

Lưng thẳng; bụng không chạm đất; mông, vai nhỏi; đuôi dài, gốc đuôi nhỏ. Chân nhỏ, thon và cao; móng chân tròn, khít; đi bằng ngón. Toàn thân có lông và da màu đen tuyền; lông gáy dày, chắc khỏe, lông mọc đều và thưa; da dày và xù xì. 

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang