Xử lý nhiều vi phạm liên quan đến hàng hóa không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ

author 06:47 05/02/2023

(VietQ.vn) - Mặc dù các cơ quan chức năng đã quyết liệt vào cuộc, nhiều vi phạm được phơi bày nhưng hành vi vi phạm liên quan đến hàng hóa không nhãn mác, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ... vẫn diễn biến hết sức phức tạp.

Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập, ghi nhãn hàng hóa có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất, kinh doanh và cơ quan quản lý Nhà nước. Ghi nhãn hàng hóa là thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hóa lên nhãn hàng hóa để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng; để nhà sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng bá cho hàng hóa của mình và để cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát.

Tuy nhiên, bên cạnh những tổ chức, doanh nghiệp tuân thủ quy định pháp luật về nhãn hàng hóa vẫn còn nhiều tổ chức, doanh nghiệp vi phạm, hoặc không ghi nhãn, hoặc có nhãn hàng hóa nhưng ghi sai nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật... Mặc dù các cơ quan chức năng liên quan đã quyết liệt vào cuộc, nhiều vi phạm được phơi bày nhưng hành vi vi phạm vẫn diễn biến hết sức phức tạp.

Đơn cử như với mặt hàng phân bón, trong năm 2022, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2, Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp đã tiến hành kiểm tra cửa hàng vật tư nông nghiệp trên địa bàn xã Phương Trà, huyện Cao Lãnh phát hiện tại cửa hàng đang kinh doanh phân bón hỗn hợp NP 17-30 nhãn hiệu Yên Trang, do Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Trang sản xuất, trên nhãn hàng hóa có chữ viết và thông tin không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó. Số lượng tang vật gồm 80 bao phân bón (50kg/bao, tương đương 4 tấn), tổng trị giá hàng hóa vi phạm 76 triệu đồng.

Lực lượng QLTT phát hiện cửa hàng kinh doanh phân bón trên nhãn có chữ viết và thông tin không đúng bản chất hàng hóa. 

Đội QLTT số 2 đã chuyển hồ sơ vụ việc, trình Cục trưởng Cục QLTT Đồng Tháp xử phạt vi phạm hành chính số tiền 25 triệu đồng. Đồng thời, buộc thu hồi hàng hoá và loại bỏ chữ viết, thông tin không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hoá.

Đối với mặt hàng mỹ phẩm, các vi phạm về nhãn hàng hóa, không rõ nguồn gốc xuất xứ gây bức xúc trong dư luận. Cuối năm 2022, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu - Công an tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với lực lượng QLTT và các đơn vị liên quan kiểm tra cửa hàng Joli Store, số 109, khu phố 1, phường Tân Tiến, do bà Nguyễn Ngọc Tú làm chủ.

Qua kiểm tra, đoàn liên ngành phát hiện cửa hàng trên đang kinh doanh nhiều mặt hàng nước ngoài như nước hoa, nước tẩy trang, sữa rửa mặt, son phấn, thực phẩm chức năng nhưng không dán tem, không dán nhãn phụ tiếng Việt. Chủ cơ sở chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của số hàng hóa trên. Lực lượng chức năng kiểm tra thêm 2 cửa hàng ở TP.Biên Hòa do Nguyễn Ngọc Tú và Nguyễn Mạnh Tuấn (anh trai Tú) làm chủ, phát hiện nhiều mặt hàng mỹ phẩm không rõ xuất xứ.

 Tuyên Quang triệt phá tổng kho hàng không rõ nguồn gốc, hàng nhập lậu bán qua livestream. Ảnh: QLTT.

Cũng trong năm 2022, Cục Nghiệp vụ QLTT phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Công an tỉnh Tuyên Quang và Cục QLTT tỉnh Tuyên Quang đồng loạt kiểm tra ba tổng kho, cửa hàng kinh doanh lớn nhất trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.  

Tại đây, không khó để tìm thấy các sản phẩm mang thương hiệu lớn như Louis Vuitton, nước hoa Chanel, Dior, Gucci, giày dép, quần áo Hermes, Adidas hay sản phẩm bảo vệ sức khỏe như tỏi đen, sữa nghệ nano Curcumin. Đặc biệt rất nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu của trẻ em, nhất là trong giai đoạn cao điểm dịch bệnh như: khẩu trang, thực phẩm bổ sung, sữa... được vứt ngổn ngang trong nhiều ngóc ngách của kho.

Được biết, trung bình mỗi ngày công nhân thực hiện đóng gói trên dưới 1.000 đơn sau đó giao cho đơn vị chuyển phát. Cuối mỗi buổi chiều, đơn vị vận chuyển (VNPost) sẽ đến nhận và giao hàng theo hình thức COD. Lực lượng chức năng phải mất ba ngày để kiểm đếm và phân loại sản phẩm có dấu hiệu vi phạm.

Nói như vậy để thấy các vi phạm liên quan đến nhãn hàng hóa, hàng kém chất lượng, hàng không nguồn gốc xuất xứ không những gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng mà rộng hơn còn ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh.

Bà Cao Thị Bích Hà - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý Chất lượng Sản phẩm hàng hóa - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nhận định, để giải quyết nạn hàng hóa nhập lậu, không nhãn mác, hàng giả, hàng kém chất lượng đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều cơ quan, đoàn thể, hiệp hội, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, người tiêu dùng. Đồng thời, cần tuyên truyền để không những cơ quan chức năng mà người tiêu dùng, doanh nghiệp biết được vai trò của mình ở đâu, cần phải làm gì, từ đó mới ngăn chặn, đẩy lùi, dần xóa bỏ các hành vi kinh doanh hàng giả, buôn lậu, hàng kém chất lượng...

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang