Xử lý nhiều vụ buôn bán hàng lậu, hàng giả tại nhiều tỉnh thành

author 06:04 21/07/2022

(VietQ.vn) - Trong 6 tháng đầu năm tình hình buôn bán hàng lậu, hàng cấm, hàng giả vẫn diễn biến phức tạp tại một số tỉnh thành.

Vĩnh Phúc xử lý 27 vụ vi phạm về buôn lậu, hàng giả

Ban chỉ đạo 389 tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình gian lận thương mại chủ yếu là hàng hóa không thực hiện việc ghi nhãn hàng hóa theo quy định, thực hiện việc ghi nhãn hàng hóa gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.

Theo đánh giá tình hình vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2022, nhìn chung vẫn diễn ra nhưng mức độ, quy mô nhỏ lẻ, không lớn. Hàng hóa nhập lậu lưu thông trên địa bàn tỉnh chủ yếu là quần áo, giày dép, mỹ phẩm, đồ gia dụng… hàng hóa nhập lậu thường được mua ở Hà Nội, Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn đem về bán cho người tiêu dùng trong tỉnh hoặc các đối tượng vận chuyển các mặt hàng trên đi qua địa bàn tỉnh.

Tình hình buôn lậu, hàng cấm, hàng giả vẫn diễn biến phức tạp. Ảnh: Nguyễn Xuân 

Tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, do các đối tượng lợi dụng hình thức thương mại điện tử, giao dịch trực tuyến phát triển nhanh để kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng không đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng việc ... Phổ biến là các mặt hàng: Mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, túi xách, giầy dép, đồ điện tử... được giao bán trên các trang mạng xã hội, thiết bị di động sau đó gửi các tổ chức bưu chính chuyển tới tay người tiêu dùng, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc phát hiện nơi kinh doanh, kho cất giấu hàng hoá của các đối tượng để xử lý.

Cùng với đó, hoạt động gian lận thương mại chủ yếu là hàng hóa không thực hiện việc ghi nhãn hàng hóa theo quy định, thực hiện việc ghi nhãn hàng hóa gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ và sự kết hợp giữa các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2022 đã thu được kết quả cụ thể: Khởi tố hình sự 27 vụ/30 đối tượng về các hành vi buôn bán hàng cấm, sản xuất buôn bán hàng giả; xử phạt vi phạm hành chính 648 vụ/669 đối tượng; tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 45 tỷ đồng.

Bắc Ninh phát hiện, bắt giữ, xử lý 819 vụ

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Bắc Ninh, trong 6 tháng đầu năm, các sở, ngành thành viên BCĐ 389 tỉnh đã phối hợp hiệu quả trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thương mại cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thực hiện hiệu quả công tác phối hợp điều tra, trinh sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm. Qua đó phát hiện, bắt giữ, xử lý 819 vụ, thu và nộp ngân sách nhà nước hơn 113 tỷ đồng; Trị giá hàng tịch thu hơn 2 tỷ đồng; Trị giá hàng tiêu hủy gần 1,6 tỷ đồng.

Phát huy những kết quả đạt được, 06 tháng cuối năm 2022 Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Bắc Ninh tỉnh tiếp tục chủ động kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vụ buôn lậu, gian lận thương mại hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng nhằm nâng cao khả năng nắm bắt địa bàn, dự báo tình hình thị trường, thủ đoạn buôn lậu…

Hà Nội kiểm soát tốt tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, các lực lượng chức năng trên địa bàn TP. Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra 10.556 vụ; thu nộp NSNN 1.145 tỷ 642 triệu đồng.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội về tình hình buôn lậu, hàng cấm, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn thành phố Hà Nội trên các tuyến, địa bàn, cụ thể:

Trên tuyến hàng không và chuyển phát nhanh quốc tế trong những tháng đầu năm 2022, các đối tượng buôn lậu thường tập trung vào các loại hàng hóa có giá trị cao, dễ cất giấu như: Sản phẩm từ động vật hoang dã, ngoại tệ, mỹ phẩm, tân dược, thực phẩm chức năng, ma túy, xì gà, điện thoại di động... Nổi lên, mặt hàng ma túy được giấu trong hàng hóa gửi về Hà Nội, Việt Nam bằng đường hàng không qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, các ICD Mỹ Đình, Gia Lâm...

Tại thị trường nội địa, tình trạng kinh doanh hàng hoá nhập lậu không có hoá đơn chứng từ vẫn còn diễn biến phức tạp. Hàng hóa nhập lậu chủ yếu là các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu thụ cao như: rượu, bia, thuốc lá, quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, đồ điện tử, điện lạnh, điện thoại di động, thực phẩm, xăng dầu...

Cùng với đó, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tập trung ở một số chủng loại, mẫu mã, sử dụng nhãn mác, bao bì của các doanh nghiệp có uy tín; giả mạo các nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam như mắt kính, túi xách, giày dép (Nike, Gucci, Addidas, Lacoste...); đồng hồ (Rolex, Longines...), phụ tùng xe máy, hoá mỹ phẩm, phụ kiện điện thoại, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...

Đáng chú ý, hoạt động buôn bán hàng hoá qua mạng Internet diễn ra phổ biến nhưng chưa được kiểm soát hiệu quả, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bị trà trộn, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Có rất nhiều thông tin sai sự thật về công dụng của hàng hoá, nhất là các mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; các sản phẩm hỗ trợ phòng, điều trị Covid -19… điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến uy tín của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính.

Tuy nhiên, trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo 389/TP đã đề ra các giải pháp đồng bộ nhằm triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhờ vậy đã góp phần giữ vững tình hình kinh tế, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố.

Ban Chỉ đạo 389 TP đánh giá tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả những tháng tiếp theo có nhiều diễn biến phức tạp, do đó, Ban Chỉ đạo 389 TP cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các Chỉ thị, Nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các Kế hoạch, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, UBND Thành phố về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả: Kế hoạch số 399/KH-BCĐ389, ngày 09/10/2020 về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử; các văn bản chỉ đạo về chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với các lĩnh vực, ngành hàng trọng điểm như: nhóm hàng phòng chống dịch Covid - 19; mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; thuốc lá điếu, đường cát, xăng dầu, khoáng sản, thuốc thú y; đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử....

An Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang