Xử phạt 160 triệu đồng một doanh nghiệp sản xuất phân bón giả

author 14:27 23/07/2021

(VietQ.vn) - UBND tỉnh An Giang đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Thiên Phú với số tiền 160 triệu đồng vì hành vi sản xuất phân bón giả.

Từ thông tin của Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), đoàn kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp (VTNN) thuộc Thanh tra Sở NN&PTNT An Giang đã kiểm tra chi nhánh Công ty TNHH Thiên Phú, địa chỉ ấp Bình Hòa (thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú), lấy 3 mẫu phân bón để kiểm tra chất lượng.

Kết quả thử nghiệm chất lượng cho thấy, 2 sản phẩm phân bón lá NPK có chất điều hòa sinh trưởng “TP05” (sản xuất ngày 1-3-2021) và phân bón vi lượng “TP-ComBi”, cùng do Công ty TNHH Thiên Phú sản xuất ngày 1-3-2021 là hàng giả giá trị sử dụng, công dụng.

Cụ thể, phân bón lá NPK có chất điều hòa sinh trưởng “TP05” có hàm lượng đạm tổng số (Nts) đăng ký là 7%, kết quả thử nghiệm 3,14%, tỷ lệ đạt 45%; hàm lượng Kali hữu hiệu (K20hh) đăng ký là 10%, kết quả thử nghiệm 5,93%, tỷ lệ đạt 59,3%; hàm lượng canxi (Ca) đăng ký là 3,5%, kết quả thử nghiệm 1,44%, tỷ lệ đạt 41%. Đối với phân bón vi lượng “TP-ComBi”, hàm lượng kẽm đăng ký là 15.000ppm, kết quả thử nghiệm 9,37x103ppm, tỷ lệ đạt 62%.

Với hành vi sản xuất phân bón giả giá trị sử dụng, công dụng, UBND tỉnh An Giang đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Thiên Phú với số tiền 160 triệu đồng; tịch thu công cụ, máy móc được sử dụng để sản xuất hàng giả và buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm.

Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, khi phát hiện sản phẩm VTNN có dấu hiệu nghi ngờ, nông dân, cơ quan chức năng cần kịp thời thông tin, phản ánh cho Thanh tra Sở NN&PTNT để tiếp nhận, xử lý.

Sản phẩm phân bón giả của Công ty TNHH Thiên Phú. Ảnh: báo An Giang 

Liên quan tới vấn đề phân bón giả, theo thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, tình trạng sản xuất, kinh doanh mặt hàng phân bón giả, kém chất lượng vẫn đang diễn ra phức tạp với phương thức, thủ đoạn của các đối tượng vi phạm rất tinh vi, có tính chất chuyên nghiệp.

Các đối tượng vi phạm thường tổ chức sản xuất, san chiết, đóng gói, dán nhãn mác phân bón tại các địa điểm vùng sâu, vùng xa, nơi hẻo lánh hoặc bên cạnh các khu công nghiệp, xa dân cư, khó kiểm soát và liên tục thay đổi địa điểm, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Ngoài ra, đối tượng vi phạm thường hạ phẩm cấp, giảm chất lượng bằng cách pha trộn thêm gạch non, bột đá, đất sét, xỉ than, cát, muối và phẩm mầu nghiền nhỏ.

Đồng thời, đặt tên phân bón không rõ ràng về thành phần gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu uy tín, công bố công nghệ với thông tin không đầy đủ, gây nhầm lẫn về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng; đăng ký tên nhiều loại phân bón khác nhau khi bị người tiêu dùng phát hiện loại phân kém chất lượng. Nếu các cơ quan chức năng tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ để xử lý thì các đối tượng này sẽ thay bằng loại khác, mang tên khác, có khi mỗi vụ sản xuất một loại.

Có đối tượng sản xuất thuê nhà để đăng ký thành lập doanh nghiệp, xin thủ tục cấp phép sản xuất, công bố chất lượng, nhưng thực tế không có cơ sở sản xuất; đặt in bao bì là địa chỉ văn phòng, thuê cơ sở khác để sản xuất phân bón giả, không bảo đảm chất lượng. Khi kiểm tra lấy mẫu gửi thử nghiệm phát hiện có vi phạm thì đối tượng bỏ trốn khỏi nơi đăng ký kinh doanh, gây khó khăn cho việc đấu tranh, ngăn chặn, xử phạt.

Có trường hợp các đối tượng vi phạm đóng bao giả nhãn hiệu, bao bì của các cơ sở sản xuất có uy tín, được ưa chuộng; sản xuất một nơi nhưng xuất hóa đơn một nẻo; trộn hàng giả với hàng thật, hàng không bảo đảm chất lượng với hàng bảo đảm chất lượng, áp dụng hình thức khuyến mãi hấp dẫn, bán trả tiền sau cho các cửa hàng nhỏ lẻ ở vùng nông thôn.

Lợi dụng lòng tin, nhận thức của nông dân còn hạn chế, một số đối tượng sản xuất, kinh doanh phân bón còn tổ chức hội nghị giới thiệu và khẳng định phân bón bảo đảm chất lượng. Hơn nữa, trên bao bì sản phẩm, hàng hóa, các đối tượng vi phạm thường không ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng; không có thông tin cảnh báo an toàn và hướng dẫn sử dụng, bảo quản.

Theo thống kê từ Bộ NN&PTNT, Việt Nam có 10,2 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp, hàng năm sử dụng 11,26 triệu tấn phân bón các loại trong đó chủ yếu là phân vô cơ.

Cũng theo đánh giá từ Bộ này, hiệu quả sử dụng phân bón hiện nay chưa cao. Việt Nam đang mất cân đối nghiêm trọng về sử dụng phân bón và nông dân đang lạm dụng phân bón vô cơ trong sản xuất. Nhiều nơi, nông dân quá lạm dụng phân bón để thâm canh cây trồng. Một lượng lớn phân bón trong đất nhưng chưa được cây trồng sử dụng, một phần trong đó bị rửa trôi gây ô nhiễm nguồn nước, làm giảm độ phì nhiêu đất.

Một vấn đề khác gây bức xúc lớn trong dư luận những năm gần đây là vấn nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng, nhái nhãn hiệu nổi tiếng diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước. Mỗi năm phân bón giả gây thiệt hại cho nền kinh tế nước ta hàng tỷ USD.

Lý giải về tình trạng này, theo ông Thào Xuân Sùng – Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, công tác quản lý nhà nước về phân bón ở nhiều nơi còn lỏng lẻo, bất cập từ khâu sản xuất, kinh doanh đến sử dụng phân bón dẫn đến việc sản xuất và nhập khẩu phân bón dư thừa quá lớn.

Việc cung ứng phân bón qua nhiều khâu trung gian dẫn đến chi phí tăng cao khi đến tay người tiêu dùng; lạm dụng phân bón vô cơ và hiệu suất sử dụng phân bón rất thấp gây ô nhiễm nguồn nước, làm giảm độ phì nhiêu đất đai, làm tích lũy dư lượng chất độc hại trong nông sản.

"Tình trạng phân bón giả, kém chất lượng vẫn còn tràn lan trên thị trường với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn; gây hệ luỵ nặng nề đối với sản xuất nông nghiệp gây thiệt hại từ 2-2,2 tỷ USD mỗi năm" - ông Sùng cho biết thêm.

Bên cạnh đó, theo cơ quan chức năng, sở dĩ nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng gây nhức nhối là do lợi nhuận từ hàng giả, hàng nhái rất lớn nên một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, lợi dụng sự kém hiểu biết và tâm lý ham giá rẻ của người dân để quảng cáo, khuyến mãi thậm chí tung ra nhiều chiêu trò lừa bịp người tiêu dùng. Ngoài ra, còn có lỗ hổng trong cấp phép, việc các quy chuẩn do nhiều cơ quan quản lý nhưng không ai chịu trách nhiệm chính; nhiều bộ, ngành, địa phương tham gia nhưng công tác phối hợp thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ...

Bảo An (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang