Xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc mang đến lợi thế cho doanh nghiệp

author 19:05 08/02/2023

(VietQ.vn) - Xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc mang đến nhiều lợi thế như giao kết hợp đồng thường được thực hiện theo thông lệ quốc tế với các quy định rõ ràng về mặt hàng, đơn giá, chất lượng, phương thức vận tải, phương thức thanh toán, giải quyết tranh chấp; hàng hóa có nguồn gốc, chứng từ rõ ràng, được kiểm nghiệm an toàn thực phẩm và bảo đảm truy xuất nguồn gốc do đó thông quan nhanh...

Hiện nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ hai của Việt Nam sau Hoa Kỳ với những mặt hàng có tiềm năng về xuất khẩu như: rau quả, thủy sản, hạt điều, gạo, chè, cà phê... Đây là thị trường với 1,4 tỉ dân, chiếm 19,2% trong cơ cấu thị trường xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam nên còn nhiều tiềm năng, dư địa.

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, năm 2022, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn do thị trường Trung Quốc siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang thị trường này vẫn đạt khoảng 10 tỷ USD.

 Tổ yến chính thức xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Ảnh minh họa.

Nửa cuối năm 2022, Việt Nam và Trung Quốc đã lần lượt ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng, chuối, khoai lang, tổ yến sang thị trường Trung Quốc. Trước đó, nhiều loại quả đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, bao gồm: thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, măng cụt, vải.

Với quả chanh leo, phía Trung Quốc đã đồng ý cho xuất khẩu thử nghiệm và chỉ đi qua cửa khẩu Quảng Tây của Trung Quốc. Sau khoai lang và tổ yến, Cục Bảo vệ thực vật cho biết sẽ tiếp tục các thủ tục để xuất khẩu quả bưởi và quả dừa tươi vào thị trường Trung Quốc.

Điều này mở ra cơ hội mới cho các mặt hàng thâm nhập sâu vào thị trường rộng lớn này. Trước hết là vì hàng xuất khẩu chính ngạch có thể vào Trung Quốc qua tất cả cảng biển, cảng hàng không quốc tế, các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính trên biên giới đất liền mà không phải ùn ứ chờ đợi ở một vài cửa khẩu phụ, lối mở dành cho trao đổi cư dân như xuất khẩu tiểu ngạch.

Bên cạnh đó, với việc xuất khẩu chính ngạch, giao kết hợp đồng thường được thực hiện theo thông lệ quốc tế với quy định rõ ràng về mặt hàng, đơn giá, quy cách, chất lượng hàng hóa, đóng gói, phương thức vận tải, phương thức giao hàng, phương thức thanh toán, giải quyết tranh chấp; hàng hóa có nguồn gốc, chứng từ rõ ràng, được kiểm nghiệm an toàn thực phẩm và bảo đảm truy xuất nguồn gốc do đó thông quan nhanh.

Tuy nhiên, về mặt chất lượng Trung Quốc đã có những yêu cầu với tiêu chuẩn khắt khe hơn. Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất phải không ngừng nâng cao tiêu chí về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, mẫu mã bao bì truy xuất nguồn gốc. Những nông sản đã được xuất khẩu chính ngạch sẽ được kiểm tra, đánh giá đột xuất để đảm bảo các mã số vùng trồng cơ sở đóng gói tuân thủ thực tế theo đúng trên hồ sơ đăng ký. Đây là cơ sở để tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu tại thị trường Trung Quốc tăng trở lại sau dịch bệnh.

“Các cơ quan chuyên môn ở địa phương và doanh nghiệp nghiên cứu, thực hiện đúng các hướng dẫn của Bộ, Cục liên quan tới các tiêu chuẩn về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và tuân thủ nghiêm túc để khi hồ sơ gửi về Cục Bảo vệ thực vật và gửi sang Tổng cục Hải quan Trung Quốc phải được kiểm tra và phê chuẩn, tránh để xảy ra việc khắc phục hoặc không được chấp thuận”, ông Hoàng Trung thông tin.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang