Xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ tháng 11 đạt mức cao nhất trong năm

author 06:01 12/12/2023

(VietQ.vn) - Xuất khẩu sản phẩm gốm sứ mỹ nghệ của Việt Nam đã đạt mức cao nhất trong vòng 1 năm với số lượng 18,0 triệu USD, tăng 30,9% so với tháng 10/2023, nhưng giảm 3,0% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo số liệu ước tính của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu các sản phẩm gốm, sứ, mỹ nghệ trong tháng 11 đã đạt mức cao nhất trong 1 năm qua, thu về 18 triệu USD, nhưng vẫn giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung lũy kế 11 tháng năm 2023, xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ đạt 131,85 triệu USD, giảm 37,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Mỹ, EU vẫn là thị trường nhập khẩu gốm sứ lớn mỹ nghệ của Việt Nam, tuy nhiên kể từ đầu năm 2023 đến nay, xuất khẩu gốm sứ của Việt Nam đến các thị trường này đều có xu hướng giảm.

Xuất khẩu sản phẩm gốm sứ mỹ nghệ sang thị trường EU cùng thời điểm tháng 10/2023 đạt 5,04 triệu USD, tăng 53,8% so với tháng 9/2023, giảm 21,0% so với tháng 10/2022. Tính chung 10 tháng tổng kim ngạch giảm 39,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Đan Mạch vẫn là khách hàng lớn nhất của Việt Nam tại khu vực này.

Đáng chú ý, xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ sang thị trường Hoa Kỳ 2 tháng vừa qua đã có sự tăng trưởng trở lại, sau mức giảm sâu xuống thấp nhất trong vòng 8 năm vào tháng 7.

Xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ tháng 11 đạt mức cao nhất trong năm

Trong tháng 10/2023 đạt 5,81 triệu USD, tăng 47,1% so với tháng 9/2023, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung trong 10 tháng năm 2023, xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ sang Hoa Kỳ đạt 37,40 triệu USD, tuy nhiên vẫn giảm mạnh 48,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Hiện Việt Nam đứng thứ 5 sau các thị trường Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Mexico, Italia và Thái Lan trong xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ tại thị trường Hoa Kỳ. Sự khó khăn của thị trường nhìn chung vẫn bắt nguồn từ sự suy thoái kinh tế. Các sản phẩm gốm sứ không phải mặt hàng tiêu dùng thiết yếu nên sẽ rất khó tiêu thụ trong bối cảnh người dân các nước thắt chặt chi tiêu. Bên cạnh đó, việc xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam đang phải chịu áp lực cạnh tranh từ các thị trường lân cận như Trung Quốc, Thái Lan...

Dự báo, xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ của Việt Nam trong những tháng tới tiếp tục gặp nhiều khó khăn và giảm so với cùng kỳ năm 2022, song đây vẫn là mặt hàng tiềm năng và có xu hướng phục hồi, tiếp tục phát triển khi đóng góp trung bình 3 tỷ USD/năm cho GDP Việt Nam.

Xuất khẩu sang EU dù khó khăn ở thời điểm hiện tại nhưng vẫn được cho là rộng cửa khi các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được thực thi giúp mở ra rất nhiều cơ hội xuất khẩu cho các sản phẩm thủ công nói chung và gốm sứ mỹ nghệ nói riêng sang thị trường này.

Tổng Cục hải quan và các chuyên gia khuyến nghị, các doanh nghiệp gốm sứ mỹ nghệ nên đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Ngoài các thị trường xuất khẩu truyền thống, doanh nghiệp cũng nên tập trung khai thác thị trường khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Brazil…

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, với năng lực sản suất và trình độ công nghệ như hiện nay, Việt Nam là một trong 10 quốc gia sản xuất gốm sứ xây dựng lớn nhất thế giới và cũng là quốc gia có sản lượng gạch ốp lát đứng thứ 4 thế giới.

Gốm sứ là một trong các loại vật liệu xây dựng có vai trò quan trọng trong mỗi công trình xây dựng, đóng góp vào sự phát triển của ngành xây dựng nói riêng và nền kinh tế nói chung. Trung bình hàng năm, công nghiệp sản xuất gốm sứ đã đóng góp hơn 3 tỷ USD/năm cho GDP của Việt Nam.

Ngoài việc cung cấp đủ nhu cầu thị trường trong nước, sản phẩm gốm sứ xây dựng của Việt Nam đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như khu vực ASEAN, Đông Bắc Á, Mỹ, châu Âu; trong đó, doanh thu xuất khẩu năm 2022 đạt hơn 220 triệu USD.

Theo thông tin báo chí đăng tải, những năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, đề án, chiến lược như Luật Xây dựng, Nghị định về quản lý phát triển vật liệu xây dựng cùng các Thông tư hướng dẫn, Chiến lược Phát triển Vật liệu Xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050… Cùng đó, nhiều chỉ đạo điều hành tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển vật liệu xây dựng; trong đó có vật liệu gốm sứ xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho hay.

Đồng thời, các địa phương cũng tích cực kêu gọi thu hút đầu tư, đẩy nhanh thủ tục thẩm định, phê duyệt dự án. Các doanh nghiệp cũng tích cực đầu tư, triển khai đưa vào vận hành nhiều dự án sản xuất gạch ốp lát, sứ vệ sinh, cung cấp ra thị trường những sản phẩm chất lượng, đảm bảo nhu cầu xây dựng trong nước và xuất khẩu.

Các chuyên gia đánh giá, trong khoảng 20 năm gần đây, ngành công nghiệp gốm sứ xây dựng Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất.

An Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang