Xuất khẩu hàng hóa trực tuyến đem đến nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp

author 06:58 24/09/2020

(VietQ.vn) - Xuất khẩu hàng hóa qua môi trường thương mại điện tử là xu thế tất yếu và cũng là phương thức nhanh nhất giúp doanh nghiệp có được đơn hàng một cách nhanh chóng.

Theo thông tin từ Bộ Công thương, thực hiện giao dịch thông qua thương mại điện tử sẽ mang lại hiệu quả lớn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Cụ thể, doanh nghiệp tiết kiệm được 15 - 30%, thậm chí lên tới 90% thời gian so với cách làm truyền thống; đồng thời tiết kiệm về nhân lực, giảm sai sót, minh bạch về thủ tục hành chính và tăng khả năng số hóa.

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) - dự báo, thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ tăng lên mức 3,3 nghìn tỷ USD trong 2 năm tới. Do đó xuất khẩu qua môi trường thương mại điện tử là xu thế tất yếu và cũng là phương thức nhanh nhất giúp doanh nghiệp có được đơn hàng một cách nhanh chóng.

Theo ông Trần Đình Toản, Chủ tịch Liên minh hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam (VESA), thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi tích cực hoạt động thương mại điện tử, đã ký được những hợp đồng với giá trị lớn. Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 lan rộng, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã biết tận dụng tốt thương mại điện tử để giành lấy những cơ hội xuất nhập khẩu trực tuyến.

Xuất khẩu hàng hóa trực tuyến đem đến nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp. Ảnh minh họa. 

Tuy nhiên, ông Toản cũng chỉ ra, một trong những rào cản của doanh nghiệp khi tham gia môi trường trực tuyến hiện nay là nhiều doanh nghiệp năng lực cạnh tranh còn yếu. Có nhiều doanh nghiệp hoạt động rất tích cực nhưng sản phẩm thực sự thiếu năng lực cạnh tranh hoặc giá thành cao hơn các nước láng giềng khác…

Do đó, để giúp các doanh nghiệp có thể làm tốt việc xuất khẩu hàng hóa thông qua thương mại điện tử, ông Toản cho rằng cần 5 yếu tố: Thứ nhất là doanh nghiệp phải có những điều kiện đủ để xuất khẩu được. Trong đó có hai yếu tố rất quan trọng là sản phẩm của doanh nghiệp phải có khả năng, tiềm năng xuất khẩu và giá thành phải cạnh tranh; Thứ hai, doanh nghiệp phải có nhân sự và nhân sự chuyên trách càng tốt;

Thứ ba, doanh nghiệp phải có gian hàng chuyên nghiệp và đăng nhiều sản phẩm. Có thống kê là số lượng sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam trên Alibaba.com chỉ bằng 50% so với số lượng trung bình của các nhà bán hàng toàn cầu khác. Tuy nhiên, lượng hỏi hàng trên tỷ lệ “click” của doanh nghiệp Việt Nam lại ở “top” đầu. Điều này thể hiện hai yếu tố, một là sản phẩm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh; hai là dư địa để doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh, tăng xuất khẩu thông qua kênh trực tuyến như Alibaba rất cao;

Thứ tư, doanh nghiệp cần hoạt động tích cực. Điều này giúp cho doanh nghiệp nâng cao thứ hạng gian hàng, tăng khả năng quảng bá sản phẩm, đặc biệt là tiếp cận nhà nhập khẩu một cách toàn diện nhất;

Yếu tố cuối cùng là chuyển đổi số, nghĩa là doanh nghiệp cần số hóa tất cả điểm tiếp xúc mà doanh nghiệp sử dụng để tương tác với người mua hàng, qua đó hỗ trợ cho công tác bán hàng tốt nhất từ khâu marketting, bán hàng, cho tới chăm sóc khách hàng... “Chúng tôi coi những doanh nghiệp được chuyển đổi số giống như trên bệ phóng. Nếu bệ phóng tốt sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu trực tuyến có kết quả cao, nhanh và thậm chí là tối ưu hiệu quả”, ông Toản nhấn mạnh.

"Trong xuất khẩu trực tuyến, doanh nghiệp phải biết quản trị rủi ro để tránh bị thiệt hại. Những vấn đề doanh nghiệp cần lưu ý là đầu tư kiểm soát nội dung chi tiết trong hợp đồng để có thể bảo vệ người bán cũng như người mua ngay từ đầu. Cụ thể là ghi rõ ràng các sản phẩm liên quan đến hóa đơn hợp đồng/proforma cũng như tất cả các thông số kỹ thuật liên quan đến các sản phẩm… Ngoài ra, doanh nghiệp cần chú ý phân tích sản phẩm và đích đến của lô hàng để lựa chọn công ty vận chuyển phù hợp, đồng thời mua bảo hiểm xuất khẩu để đề phòng rủi ro xảy ra", ông Phạm Tấn Đạt - CEO FADO (một đối tác của Alibaba.com) cho hay.

Thúc đẩy xuất khẩu nông sản thực phẩm qua Hội nghị giao thương trực tuyến(VietQ.vn) - Trên 150 doanh nghiệp, nhà nhập khẩu nước ngoài đã được kết nối giao dịch trực tuyến với hơn 30 doanh nghiệp sản xuất, cung cấp nông sản, thực phẩm của Việt Nam tại Hội nghị giao thương trực tuyến quốc tế nông sản, thực phẩm Việt Nam 2020” từ ngày 22 đến 25/9/2020.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang