Xuất khẩu nông lâm thủy sản gia tăng các sản phẩm chất lượng cao

author 08:42 06/10/2021

(VietQ.vn) - Các chuyên gia nhận định, trong 5 năm qua, thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản được mở rộng cả trong nước và quốc tế, chuyển mạnh sang thương mại chính ngạch, tăng nhanh tỷ trọng sản phẩm chất lượng cao.

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), bất chấp khó khăn bủa vây từ dịch bệnh, 9 tháng đầu năm 2021, ngành nông nghiệp vẫn đạt những kết quả tăng trưởng đáng ghi nhận, đóng vai trò quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng của cả nước.

Nhiều chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong bối cảnh dịch Covid-19, vẫn bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Các mặt hàng nông lâm thủy sản tăng cả về số lượng và giá trị xuất khẩu.

Về nhập khẩu, nguyên liệu phục vụ sản xuất cũng tăng mạnh, ước đạt 32,2 tỷ USD, tăng 41,6%. Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là 4 thị trường xuất khẩu chính của nông, lâm, thủy sản Việt Nam trong 9 tháng đầu năm.

Thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản của Việt Nam ngày càng mở rộng cả trong nước và quốc tế, chuyển mạnh sang thương mại chính ngạch. Ảnh minh họa.

Các chuyên gia nhận định, nhìn chung trong 5 năm qua, ghi nhận thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản được mở rộng cả trong nước và quốc tế, chuyển mạnh sang thương mại chính ngạch, tăng nhanh tỷ trọng sản phẩm chất lượng cao. Xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á, thứ 15 thế giới và hiện có mặt trên 196 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo Bộ NN&PTNT, giai đoạn 2021 - 2025, ngành nông nghiệp hướng đến mục tiêu: Phát triển nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong đó, đến năm 2025, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt từ 2,5 - 3,0%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt từ 48 - 50 tỷ USD;

Hướng tới các mục tiêu trên, Bộ NN&PTNT cho biết, thời gian tới, toàn ngành sẽ tập trung triển khai các giải pháp chủ lực để đạt được những kết quả cao hơn, cụ thể như: Thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại; phát triển thị trường tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng và uy tín thương mại nông, lâm, thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế;

Phát triển khoa học công nghệ, trong đó, ngành NN&PTNT sẽ tập trung tham mưu, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh tổ chức sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao;

Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp. Ưu tiên hình thành các doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng công nghệ quản trị tiên tiến, đủ sức tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Đi cùng với đó, phát triển các cụm công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh nông nghiệp;

Triển khai các nhiệm vụ thực hiện chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế của ngành. Trong đó, thực thi đầy đủ các cam kết, trách nhiệm với tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Nắm bắt, dự báo tình hình quốc tế để có chính sách phù hợp.

Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chấp hành kỳ luật, kỷ cương hành chính. Xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số. Thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Thanh Tùng 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang