Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tiếp tục giữ đà tăng trưởng

author 14:08 31/03/2022

(VietQ.vn) - Tính đến hết quý 1/2022, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tăng 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, xuất khẩu nhiều mặt hàng như cà phê, hồ tiêu, cá tra, tôm tăng rất mạnh.

Cụ thể, theo Bộ NN&PTNT, xuất khẩu cà phê 3 tháng đầu năm đạt khoảng 1,2 tỷ USD (tăng 50,4%); cao su đạt khoảng 746 triệu USD (tăng 10,7%); gạo đạt 715 triệu USD (tăng 10,5%); hồ tiêu khoảng 252 triệu USD (tăng 40,8%); cá tra đạt 606 triệu USD (tăng 82%), tôm đạt 929 triệu USD (tăng 39,7%)…

Ngoài ra, xuất khẩu các mặt hàng đầu vào sản xuất đạt khoảng 603 triệu USD (tăng 72,5%), đặc biệt là phân bón với giá trị khoảng 291 triệu USD (tăng 2,8 lần). Tính chung quý 1, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam ước trên 12,8 tỷ USD (tăng 15,3%). Trong khi đó, nhập khẩu mặt hàng nông, lâm thủy sản ước gần 9,8 tỷ USD (giảm 3,5%), đưa giá trị xuất siêu đạt 3 tỷ USD (gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái).

Theo Bộ NN&PTNT, đến nay Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam với giá trị đạt gần 3,5 tỷ USD (chiếm 27,1% thị phần). Đứng thứ 2 là Trung Quốc với trên 2,1 tỷ USD (chiếm 16,6% thị phần), tiếp đến là Nhật Bản với giá trị đạt gần 872 triệu USD (chiếm 6,8%), Hàn Quốc với khoảng 562 triệu USD (chiếm 4,4%).

 Nông, lâm, thủy sản tăng trưởng đột biến. Ảnh minh họa

Để đạt mục tiêu xuất khẩu trên 50 tỷ USD trong năm nay, Bộ NN&PTNT cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ các giải pháp tháo gỡ ùn tắc hàng hóa nông sản tại cửa khẩu, đồng thời tập trung đàm phán để thúc đẩy xuất khẩu ớt, sầu riêng, sữa và sản phẩm sữa, bột cá và dầu cá, sản phẩm lông vũ sang Trung Quốc; nhãn sang Nhật Bản; bưởi, chanh ta sang Newzealand; bưởi sang Mỹ và Ấn Độ; sản phẩm động vật sang Hàn Quốc; mật ong sang EU…

Thời gian qua, các đơn vị của Bộ đã tập trung hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện quy định Lệnh 248, Lệnh 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp về các quy định của Trung Quốc liên quan đến hạt điều, đậu... Đến nay, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã cấp 1.920 mã sản phẩm cho các doanh nghiệp của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đã tổng hợp được 256 thông báo dự thảo về quy định về kiểm dịch động thực vật (SPS) của các nước thành viên thuộc tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) có thể ảnh hưởng tới mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Hiện các cơ quan liên quan đang xem xét góp ý. Trong quý I, Bộ cũng xử lý 12 cảnh báo của EU về sản phẩm nông sản, thực phẩm của Việt Nam.

An Nguyên (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang