Xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ Halal: Xu hướng chung trên toàn cầu

author 19:18 12/05/2025

(VietQ.vn) - Trước nhu cầu sử dụng, xuất khẩu các sản phẩm, dịch vụ Halal trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng ngày càng gia tăng, Bộ Khoa học và Công nghệ xác định sản phẩm, dịch vụ Halal đang là xu hướng phát triển chung và sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới do đảm bảo cung cấp được các sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe con người và cho xã hội.

Quy mô phát triển rất lớn

Hiện nay, thị trường sản phẩm và dịch vụ Halal toàn cầu đang phát triển mạnh mẽ với quy mô lớn. Báo cáo Global Islamic Economy 2023 chỉ ra, quy mô thị trường sản phẩm và dịch vụ Halal toàn cầu được dự báo đạt hơn 2,8 nghìn tỷ USD vào năm 2025 và tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, bao trùm nhiều lĩnh vực: thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, tài chính, du lịch và thời trang, với khoảng hơn 2 tỷ người Hồi giáo trên toàn thế giới chiếm 1/4 dân số thế giới.

Cùng với đó, du lịch thân thiện với người Hồi giáo cũng đang được thúc đẩy mạnh mẽ trên toàn cầu. Các quốc gia như Malaysia, Indonesia, UAE, Thổ Nhĩ Kỳ đã phát triển hệ sinh thái Halal bài bản, chuyên nghiệp và đang là những trung tâm Halal hàng đầu thế giới.

Người Hồi giáo rất thích đi du lịch và thuộc nhóm có chi tiêu cho du lịch ở mức cao trên thế giới. Theo báo cáo chỉ số Hồi giáo toàn cầu, những năm gần đây số người theo đạo Hồi đi du lịch trên thế giới tăng khá nhanh. Nếu năm 2013 khoảng 108 triệu lượt khách Hồi giáo đi du lịch thì đến năm 2019 đã đạt 160 triệu lượt.

Thị trường sản phẩm và dịch vụ Halal toàn cầu đang phát triển mạnh mẽ với quy mô lớn. (Ảnh minh họa)

Sau 2 năm đại dịch, từ năm 2021 tốc độ phục hồi thị trường khách Hồi giáo dần ổn định. Năm 2023, có khoảng 140 triệu lượt khách Hồi giáo đi du lịch khắp nơi trên thế giới. Đến năm 2028, ước khoảng 230 triệu lượt khách du lịch Hồi giáo sẽ đi du lịch ra nước ngoài, chi tiêu sẽ lên tới 225 tỉ USD.

Bà Ngô Thị Như Loan - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2 - Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia - Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, trước nhu cầu sử dụng, xuất khẩu các sản phẩm, dịch vụ Halal trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng ngày càng gia tăng, Bộ Khoa học và Công nghệ xác định sản phẩm, dịch vụ Halal đang là xu hướng phát triển chung và sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới do đảm bảo cung cấp được các sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe con người và cho xã hội.

Nhiều chính sách quan tâm phát triển thị trường Halal

Các cơ quan, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương đã và đang đẩy mạnh việc thực hiện hoạt động như ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác song phương với các tổ chức chứng nhận Halal uy tín từ Malaysia, Indonesia, UAE (Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất)… giúp hàng Việt Nam dễ dàng tiếp cận các thị trường Halal lớn; Phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về Halal, tiến tới thiết lập hành lang pháp lý minh bạch, đồng bộ tạo điều kiện cho xuất nhập khẩu thực phẩm Halal;

Thông tin, tuyên tuyền về chính sách thương mại, văn hóa, tập quán tiêu dùng của thị trường các nước Hồi giáo... đến doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, tiếp cận, tham gia hiệu quả thị trường sản phẩm Halal toàn cầu; phổ biến quy định về chứng nhận Halal của các nước và các khu vực tiềm năng tới các doanh nghiệp; thống nhất hệ thống quản lý và cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn Halal;...

Đồng thời, Chính phủ cũng ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”. Đây là hướng đi mới trong công tác ngoại giao kinh tế, nhằm khai mở thị trường Halal toàn cầu rất giàu tiềm năng.

Đề án này đã đặt ra mục tiêu là xây dựng, hoàn thiện cơ chế quản lý phù hợp, hướng tới hoàn thiện hành lang pháp lý trong chứng nhận, quản lý, phát triển tiêu chuẩn Halal, các sản phẩm, dịch vụ Halal và cơ quan cấp quốc gia, cấp vùng về chứng nhận, quản lý Halal; có chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài trong sản xuất, xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ Halal.

Cũng theo bà Ngô Thị Như Loan, ngày 19/11/2024, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có Tờ trình, trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định quản lý chất lượng sản phẩm, dịch vụ Halal. Ngày 07/01/2025, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn về việc “Đồng ý đề xuất của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc xây dựng dự thảo Nghị định quản lý chất lượng sản phẩm, dịch vụ Halal. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan, địa phương liên quan, tổ chức xây dựng dự thảo Nghị định theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và quy định pháp luật khác có liên quan, trình Chính phủ trong Quý IV năm 2025”.

Thực tế hiện nay tại một số điểm đến du lịch chính của Việt Nam như Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh, TP.Hồ Chí Minh và một số địa phương tập trung cộng đồng Hồi giáo đã có một số doanh nghiệp quan tâm và đầu tư cơ sở vật chất, dịch vụ phục vụ du khách theo đạo Hồi. Một số khách sạn đã bố trí các phòng cầu nguyện, thực đơn Halal cho du khách, tuy nhiên vẫn còn rất manh mún, chưa có sự phối hợp đồng bộ cũng như chưa có dịch vụ tổng hợp cho du khách Hồi giáo đến Việt Nam. Vì vậy, việc trước mắt cần làm chính là tập trung chính là khai thác tiềm năng thị trường Halal.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh tại Hội nghị “Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam” rằng: “Phát triển ngành Halal vừa là “cơ hội vàng”, vừa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc và “Việt Nam mong muốn phát triển ngành Halal thực sự trở thành một ngành thế mạnh, trở thành điểm đến không thể thiếu trong bản đồ Halal toàn cầu, mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ Halal trên thế giới”.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang