Xuất, nhập khẩu trực tuyến - đích đến doanh nghiệp cần nắm bắt kịp thời

author 20:25 19/11/2021

(VietQ.vn) - Chuỗi hoạt động tư vấn, xúc tiến thương mại do Bộ Công Thương tổ chức được đổi mới theo hướng ứng dụng, tạo cơ hội để các đơn vị chia sẻ thông tin, xác định được hướng đi và biện pháp thâm nhập, phát triển hiệu quả vào các thị trường mục tiêu, trong hoàn cảnh xuất - nhập khẩu trực tuyến đang trở thành thực tiễn.

Xúc tiến thị trường xuất - nhập khẩu

Lễ Khởi động chuỗi chương trình tư vấn, cung cấp thông tin cho địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam về thị trường xuất-nhập khẩu vừa được Bộ Công Thương tổ chức. 

Tại buổi Lễ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ triển khai chương trình này một cách thường xuyên và thường niên đối với các thị trường xuất nhập khẩu là đối tác thương mại của Việt Nam để chương trình đáp ứng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp.

 Cần đổi mới phương thức tiếp cận thị trường xuất - nhập khẩu theo hướng chuyên sâu 
 
Chuỗi chương trình tư vấn tập trung vào 3 nhóm nội dung chính sau:
 
Cung cấp cho các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp Việt Nam những thông tin cập nhật về các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất nhập khẩu của các nước trên thế giới, cam kết quốc tế về các sản phẩm xuất khẩu, nhập khẩu.
 
Tư vấn, giải đáp những vấn đề các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp quan tâm liên quan đến xuất, nhập khẩu hàng hóa với thị trường mục tiêu như yêu cầu đối với chất lượng và phẩm cấp hàng hóa, bao bì, nhãn mác, tập quán và thói quen tiêu dùng, phương thức thanh toán, cách thức vận chuyển, bảo hiểm hàng hóa xuất-nhập khẩu, giải quyết các vấn đề bất cập có thể phát sinh trong quá trình xuất-nhập khẩu...
 
Hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam phục hồi sản xuất, đẩy mạnh nhập khẩu mặt hàng là nguyên liệu quan trọng phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, xuất khẩu các mặt hàng mà thị trường nước ngoài có nhu cầu lớn, Việt Nam có tiềm năng.
 

Bộ trưởng giao các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục trao đổi, nắm bắt nhu cầu, cung cấp thông tin xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam; đẩy mạnh năng lực cung cấp thông tin và dự báo về thị trường cũng như xây dựng, triển khai các chương trình xúc tiến thương mại thiết thực hiệu quả nhằm hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp.

“Các thương vụ tại nước ngoài cần chủ động đánh giá thực tiễn và bám sát biến động của thị trường trong hoạt động thương mại quốc tế nói chung và thương mại với Việt Nam nói riêng, đặc biệt là những yếu tố mới phát sinh để đề xuất giải pháp ứng phó cho phù hợp”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lưu ý thêm.

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, năm 2021, chuỗi chương trình sẽ chính thức được triển khai từ ngày 19/11 và kéo dài trong khoảng 1 tháng với 20 phiên tư vấn theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, tập trung vào các thị trường xuất khẩu quan trọng và tiềm năng của Việt Nam, gồm: Ai Cập, Australia, Arập Xêút, Bắc Âu (Na Uy, Phần Lan, Thuỵ Điển), Bỉ, Bulgaria, Hungary, Indonesia, Israel, Lào, Mỹ, Myanmar, Nam Phi, New Zealand, Nga, Pháp, Singapore, Tây Ban Nha và Trung Quốc.

Điểm đặc biệt của chương trình là các đơn vị tham gia sẽ được tạo điều kiện tốt nhất để trao đổi chi tiết những vấn đề thuộc đặc thù riêng của đơn vị với các chuyên gia, đại diện tư vấn.

Dự kiến trên 2.000 lượt cơ quan, doanh nghiệp sẽ được phục vụ tư vấn. Ban tổ chức sẽ huy động đội ngũ chuyên gia tư vấn trong nước và quốc tế, đại diện các Thương vụ Việt Nam giàu kinh nghiệm thị trường thực hiện tư vấn chuyên sâu cho các đơn vị tham gia.

Ông Phú cho biết, chương trình là một trong các hoạt động xúc tiến thương mại được đổi mới theo hướng ứng dụng, tạo cơ hội giá trị để các địa phương, doanh nghiệp chia sẻ thông tin, xác định hướng đi và biện pháp thâm nhập, phát triển hiệu quả vào thị trường xuất-nhập khẩu mục tiêu. Từ đó, doanh nghiệp cải thiện nội lực, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thương trường quốc tế, vững vàng vượt qua khó khăn do COVID-19 và đóng góp vào sự phục hồi, phát triển kinh tế cũng như phát triển bền vững của nền ngoại thương Việt Nam.

Xuất khẩu trực tuyến đang là thực tiễn

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều quốc gia, thói quen tiêu dùng đang dần thay đổi nhanh chóng, với sự dịch chuyển từ phương thức mua sắm truyền thống sang trực tuyến. Đồng nghĩa với việc này là khả năng giao dịch và bán hàng toàn cầu cũng ngày một lan rộng.

Đứng trước nhu cầu, khó khăn của doanh nghiệp xuất, nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) triển khai chương trình đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thúc đẩy kinh doanh trực tuyến và thương mại điện tử xuyên biên giới, trong chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Chương trình được phối hợp thực hiện cùng Google và có sự tham gia đồng hành của các đối tác OSB, Alibaba.com, hội viên VECOM như Sapo và iViet.

 Một trong những phương thức nhập khẩu hàng hóa theo hình thức trực tuyến.

Đại diện Cục Xúc tiến thương mại cho biết: Xuất khẩu trực tuyến đang là đích đến của nhiều doanh nghiệp, bởi đây không còn là xu thế mà đã trở thành thực tế, đồng thời là giải pháp giúp doanh nghiệp có hướng đi mới phục hồi sau đại dịch. Ngoài ra, đây cũng là một phần trong hoạt động chuyển đổi số, tuy nhiên với quy mô doanh nghiệp nhỏ và vừa, khả năng tài chính, đặc biệt là nguồn nhân lực hạn chế, các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ nâng cao nhận thức và trang bị kiến thức để từng bước dịch chuyển kinh doanh sang môi trường trực tuyến được hiệu quả.

Những năm gần đây, thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng bình quân 30%/năm, đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế. Tuy nhiên, hầu hết hoạt động mới đang tập trung nhiều vào thị trường nội địa. Việc xúc tiến quảng bá thương hiệu hàng hóa ra thế giới là cách thức tìm kiếm bạn hàng, thực hiện giao dịch kinh doanh có tiềm năng lớn, đặc biệt khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

An Nguyên (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang