Xúc tiến thương mại trực tuyến: Bước đi hiệu quả và thiết thực

author 16:34 09/10/2021

(VietQ.vn) - Việc kết hợp giữa thương mại truyền thống và hiện đại là bước đi hiệu quả, thiết thực vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa vừa phòng chống dịch Covid-19 trong hoạt động kết nối cung cầu, đảm bảo lưu thông hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thời gian qua, nhằm kích cầu tiêu thụ nông sản cho các địa phương trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp xúc tiến thương mại cũng như ứng dụng công nghệ số trên các sàn thương mại điện tử. Nhờ kết hợp giữa thương mại điện tử và thương mại truyền thống, việc ứng dụng công nghệ đã phát huy tối đa được lợi thế, tăng tính hiệu quả và tối ưu hóa các khâu trong lưu thông hàng hoá, kết nối cung cầu và với mục tiêu cao nhất là thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá và đảm bảo đời sống người dân vùng dịch.

Bưởi Phúc Trạch trên sàn thương mại điện tử Vỏ sò. Ảnh chụp màn hình. 

Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều quốc gia; trong đó có Việt Nam khiến nguồn cung đứt gãy, lưu thông hàng hoá gặp khó khăn. Chính vì vậy, hoạt động xúc tiến thương mại mặt hàng nông sản được triển khai tập trung vào việc chủ động cung cấp thông tin thị trường, nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hoá của các nước.

Cùng với đó, Cục Xúc tiến thương mại còn hỗ trợ kết nối trên môi trường số nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản cho các địa phương. Đặc biệt, việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên môi trường số và qua kênh thương mại điện tử cho các thương nhân đã có khoảng 5.200 lượt doanh nghiệp đa dạng các ngành hàng được tiếp xúc với các nhà nhập khẩu từ các thị trường thuộc 5 châu lục.

Đồng thời, Cục Xúc tiến thương mại còn kết nối đưa sản phẩm nông sản của các địa phương lên các sàn thương mại điện tử lớn như Lazada, Sendo, Shopee, Tiki, Sendo, Postmart. Mặt khác, Cục còn phối hợp với các địa phương tổ chức hàng trăm hội nghị kết nối tiêu thụ, hội chợ triển lãm trên môi trường số.

Chia sẻ thêm về việc thúc đẩy tiêu thụ trên môi trường số, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhấn mạnh: Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã chủ trì và phối hợp với nhiều đơn vị thuộc Bộ Công Thương như Vụ Thị trường trong nước, Cục Xúc tiến thương mại tổ chức các hoạt động nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, ứng dụng thương mại điện tử.

Việc kết hợp giữa thương mại truyền thống và hiện đại là bước đi hiệu quả và thiết thực vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa vừa phòng chống dịch Covid-19 trong hoạt động kết nối cung cầu, đảm bảo lưu thông hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Mặt khác, hàng trăm tấn nông sản, thực phẩm, nhu yếu phẩm được tiêu thụ mỗi ngày thông qua thương mại điện tử và chuyển phát thương mại điện tử đã góp phần “chia lửa” với các hệ thống siêu thị, hệ thống chợ bị phong tỏa mà người dân không tiếp cận được với phương thức mua sắm truyền thống.

Đặc biệt, với nhu cầu chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ, ứng dụng thương mại điện tử ngày càng hiệu quả. Do đó, hàng loạt các hệ thống siêu thị như BigC, Aeon, Vinmart, Saigon Coop, Lottte Mart (kết hợp với Tiki) đã nhanh chóng xây dựng và phát triển các nền tảng thương mại điện tử để vừa hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho địa phương vừa đẩy nhanh tiêu thụ hàng hoá theo phương thức hiện đại.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang