Ý nghĩa của phòng vệ thương mại với ngành Nhôm Việt Nam

author 06:36 27/11/2022

(VietQ.vn) - Phòng vệ thương mại có ý nghĩa vô cùng lớn với các doanh nghiệp ngành Nhôm thời gian qua, giúp ngành này thoát được khủng hoảng, dần phục hồi, chiếm lĩnh lại thị trường trong nước, niềm tin của người tiêu dùng và đang tiến tới xuất khẩu.

Hiện nay, phòng vệ thương mại có ý nghĩa quan trọng với nền kinh tế cũng như doanh nghiệp khi Việt Nam đang mở cửa và phải cạnh tranh với rất nhiều sản phẩm đến từ các nước. Thậm chí phòng vệ thương mại đã trở thành xu hướng, chiến lược song hành với mở cửa hội nhập của mỗi quốc gia. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam phải coi phòng vệ thương mại là một điều tất yếu của quá trình hội nhập.

 Ông Dương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhôm thanh định hình Việt Nam. Ảnh: VTC.

Trong đó, riêng đối với ngành nhôm Việt Nam, phòng vệ thương mại có ý nghĩa vô cùng lớn với các doanh nghiệp ngành này thời gian qua. Cụ thể, ông Dương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhôm thanh định hình Việt Nam, cho biết, trước đây, ngành nhôm Việt Nam nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài. Từ những năm 2018 trở về trước, hiện tượng dư cung ở Trung Quốc đã đẩy một lượng lớn nhôm định hình nhập khẩu vào Việt Nam. Nhưng những năm gần đây, ngành nhôm đã bước đầu đã được doanh nghiệp sản xuất và làm chủ.

Tháng 9/2019, sau khi điều tra các bên liên quan thì Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định áp thuế chống bán phá giá với biên độ từ 2,49% đến 35,58%. Quyết định này đã giúp cho doanh nghiệp ngành Nhôm thoát được khủng hoảng, dần phục hồi, chiếm lĩnh lại thị trường trong nước, niềm tin của người tiêu dùng và đang tiến tới xuất khẩu.

“Đây chính là biện pháp phòng vệ rất chính đáng từ hoạt động phòng vệ thương mại mà Hiệp hội Nhôm là một đơn vị trẻ cũng đã làm được để hỗ trợ các thành viên của mình. Điều này đã tạo tiền đề để chúng tôi phát triển từ 12 thành viên ban đầu lên gần 50 thành viên”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cho biết thêm, chính những doanh nghiệp trong Hiệp hội Nhôm đã vực dậy được thị trường trong nước và bước đầu có những hoạt động xuất khẩu ra nước ngoài, mang ngoại tệ về cho đất nước.

Ngành Nhôm bước đầu có những hoạt động xuất khẩu ra nước ngoài, mang ngoại tệ về cho đất nước. Ảnh minh họa.

Liên quan đến câu hỏi vì sao hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam liên tiếp bị điều tra phòng vệ thương mại, ông Tuấn lý giải, Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng, phòng vệ thương mại là công cụ mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần quan tâm.

“Vai trò của Hiệp hội là đứng ra kết nối các doanh nghiệp vướng phải những vụ kiện về phá giá và phòng vệ thương mại. Chúng tôi sẽ tập hợp thông tin và tư vấn hướng dẫn. Đồng thời chúng tôi làm việc với các cơ quan chuyên môn và các đơn vị về luật nếu có, giúp cho các doanh nghiệp làm việc tập chung hơn, đúng quy trình, đúng chuẩn mực quốc tế về khởi kiện cũng như để phòng vệ chính đáng”, ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, các doanh nghiệp trong hiệp hội Nhôm không chỉ được hưởng lợi từ quyết định chống bán phá giá nhôm, mà liên tục phải đối mặt với các doanh nghiệp nước ngoài thường gặp phải đó là các tình huống liên quan đến trốn xuất xứ hoặc né tránh về nguồn gốc. Do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Mỹ đã đánh thuế rất cao các mặt hàng nhôm nhập từ Trung Quốc dẫn đến một số doanh nghiệp lợi dụng đưa hàng hóa sang dựa vào nguồn gốc xuất xứ Việt Nam để lẩn tránh. Điều này khiến doanh nghiệp trong nước bị "vạ lây".

“Trong vài năm qua, Hiệp hội Nhôm đã nhận được đơn khởi kiện từ Mỹ, Ai Cập và Australia... Chúng tôi đang phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong hiệp hội xử lý các vấn đề liên quan để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho xuất xứ và hàng hóa của chúng ta khi xuất khẩu đến các thị trường đó”, ông Tuấn cho biết.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang