Yêu cầu thiết kế đường đô thị theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13592:2022

(VietQ.vn) - Khi thiết kế, thi công, sửa chữa đường đô thị nên tuân theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13592:2022 để đáp ứng các yêu cầu theo quy định góp phần đảm bảo mạng lưới đường đô thị phù hợp với quy hoạch đô thị.
Sự kiện: Tiêu chuẩn Chất lượng
Tiêu chuẩn TCVN 11041-9:2023 đối với sản phẩm mật ong hữu cơ
Kết hợp ISO 20022 và AI góp phần định hình lại thanh toán xuyên biên giới
Thái Lan thông báo dự thảo tiêu chuẩn đối với sản phẩm thảo dược
Theo đó đô thị là nơi tập trung dân cư sinh sống có mật độ cao và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp; là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa hoặc chuyên ngành. Vai trò của đô thị thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ.
Và một trong những yếu tố giúp đô thị phát triển không thể không nhắc tới hệ thống đường đô thị. Đây là loại đường bộ nằm trong phạm vi địa giới hành chính nội thành, nội thị xã và thị trấn. Đường đô thị được phân loại theo các cách khác nhau tùy thuộc mục đích sử dụng. Khi phân loại đường theo chức năng, đường đô thị được chia làm 3 nhóm: Hệ thống đường chính đô thị, hệ thống đường phố gom, hệ thống đường phố nội bộ. Hệ thống đường chính đô thị bao gồm hệ thống đường cao tốc đô thị và hệ thống đường phố chính.
Nhiều chuyên gia cho rằng, hệ thống giao thông đô thị là hệ thống quan trọng nhất trong các loại hạ tầng kỹ thuật đô thị, nó đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa từ nơi này đến nơi khác trong đô thị hoặc vận chuyển hành khách và hàng hóa từ đô thị này đi đến các nơi khác. Hệ thống giao thông có vai trò quan trọng trong việc hình thành bộ khung cấu trúc đô thị và có vai trò định hướng cho các hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác. Tuy nhiên, giao thông trong đô thị cũng là một thách thức đối với các thành phố lớn. Ùn tắc giao thông, ô nhiễm không khí và cơ sở hạ tầng quy hoạch lỗi khiến cho việc di chuyển trong các thành phố trở thành một vấn đề nan giải, khó xử lý.
Do đó khi thiết kế đường đô thị nên tuân theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13592:2022 về đường đô thị- yêu cầu thiết kế do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. Tiêu chuẩn này đưa ra các yêu cầu về thiết kế áp dụng cho xây dựng mới, cải tạo nâng cấp công trình đường đô thị và quy hoạch, thiết kế đô thị.

Đường đô thị nên thiết kế theo tiêu chuẩn để đảm bảo vững chắc, phù hợp với quy hoạch đô thị. Ảnh minh họa
Về yêu cầu chung, tiêu chuẩn này nêu rõ, mạng lưới đường đô thị phải phù hợp với quy hoạch đô thị được duyệt và phải phối hợp đồng bộ, tích hợp các công trình hạ tầng với nhau, tích hợp ưu tiên hệ thống giao thông công cộng để tránh lãng phí trong xây dựng, chồng chéo trong quản lý và phát huy tối đa hiệu quả khai thác các công trình, bảo đảm lợi ích tổng thể đô thị. Các tuyến đường nằm ngoài phạm vi nội thành, nội thị hiện hữu nhưng thuộc quy hoạch đô thị cần được xem xét thiết kế theo phương án đường đô thị hoặc phù hợp nâng cấp thành đường đô thị trong tương lai.
Thiết kế đường đô thị cần phải đặt trong tổng thể không gian đô thị bao gồm khu trung tâm (nội thành, nội thị) và vùng phụ cận (ngoại thành, ngoại thị, các đô thị vệ tinh...); đồng thời phải bảo đảm quy hoạch thiết kế đường phố theo đúng chức năng hoặc yêu cầu đặc thù.
Khi thiết kế đường đô thị nên xét tới phương án phân kỳ trên cơ sở phương án hoàn chỉnh tương lai. Có thể phân kỳ đầu tư nền, mặt đường, thoát nước, nút giao và các công trình khác trên nguyên tắc không giảm thấp cấp kỹ thuật của tuyến hoàn chỉnh, tận dụng tối đa các công trình đã làm ở giai đoạn trước. Nên ưu tiên giải phóng mặt bằng hoặc có giải pháp quản lý chặt chẽ phạm vi đất dành cho đường đô thị ngay từ giai đoạn đầu tiên để thuận lợi triển khai, tiết kiệm chi phí cho các giai đoạn sau.
Nên quan tâm áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thiết kế, xây dựng, quản lý đường đô thị, từng bước hiện đại hóa theo định hướng giao thông thông minh, chuyển đổi số, phát triển bền vững, giao thông xanh, ưu tiên phát triển giao thông công cộng, giao thông xe đạp, đi bộ và đảm bảo cho người khuyết tật tiếp cận sử dụng. Chú trọng tới các yêu cầu về mỹ học công trình, bảo đảm các yêu cầu về kiến trúc cảnh quan, môi trường trong đô thị.
Thiết kế các tuyến đường giao thông đô thị, ngoài việc tuân thủ theo đúng các quy định trong tiêu chuẩn có thể tham khảo tiêu chuẩn đường ô tô TCVN 4054, đường cao tốc TCVN 5729 và các tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật hiện hành khác.
Yêu cầu xe thiết kế phải là loại xe phổ biến trong dòng xe để tính toán các yếu tố của đường. Việc lựa chọn loại xe thiết kế tùy thuộc vào loại đường, nhu cầu lưu hành, phương án tổ chức giao thông trên đường và khả năng đáp ứng về mặt kinh tế, kĩ thuật. Thiết kế hình học đường đô thị thường sử dụng xe con làm xe thiết kế. Các đường, phần đường, làn đường chuyên dụng dành riêng cho xe tải, xe buýt, xe đạp, ... nên được thiết kế theo loại xe chuyên dụng chính. Tham khảo Bảng 1, Bảng 2 để lựa chọn loại xe thiết kế phù hợp và các thông số kỹ thuật tương ứng.
Việc thiết kế, thi công, nghiệm thu và khai thác nền đường đô thị ngoài việc áp dụng các quy định trong tiêu chuẩn này còn phải tuân thủ tiêu chuẩn TCVN 9436 và các tiêu chuẩn chuyên ngành tương ứng.
Đối với phần nền đường trong vùng đất yếu, nền đường trong vùng có địa chất phức tạp, nền đường trong vùng có động đất, ... cần tuân thủ các quy định chuyên ngành hiện hành. Phải có biện pháp xử lý nền đường đắp trên đất yếu phù hợp để đạt được yêu cầu về độ lún cố kết cho phép còn lại theo quy định tương ứng tại các tiêu chuẩn khảo sát, thiết kế nền đường ô tô đắp trên đất yếu, tiêu chuẩn về các yêu cầu và chỉ dẫn thiết kế áo đường mềm (đối với trường hợp sử dụng mặt đường mềm) hoặc tiêu chuẩn thiết kế mặt đường bê tông xi măng (đối với trường hợp sử dụng mặt đường cứng) và các tiêu chuẩn khác có liên quan.
Trong một số trường hợp cụ thể, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể quyết định độ lún cố kết còn lại để đảm bảo các yêu cầu về kinh tế, kỹ thuật và tầm quan trọng của tuyến đường (như đã quy định trong tiêu chuẩn hiện hành về thiết kế nền đường ô tô đắp trên đất yếu và các tiêu chuẩn khác có liên quan).
An Dương