100.000 tỷ đồng di dời trường Đại học ra ngoại thành

author 17:14 07/06/2013

(VietQ.vn) – Bộ Tài chính cho biết, muốn di dời các trường Đại học ra ngoại thành phải tốn gần 100.000 tỷ đồng.

Chiều 7/6, Bộ Tài chính cho Chất lượng Việt Nam biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình lên Thủ tướng Chính phủ đề án “Di dời một số trường đại học, cao đẳng từ nội thành thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đến các khu quy hoạch”.

Là một trường bị nêu tên trong diện di dời nhưng ĐH Ngoại thương vẫn bám trụ ở nội đô Hà Nội.
Là một trường bị nêu tên trong diện di dời nhưng ĐH Ngoại thương vẫn bám trụ ở nội đô Hà Nội.

Đề án đã chỉ rõ tiêu chí các trường phải di dời: Ngành/nghề đào tạo thuộc lĩnh vực nghệ thuật, âm nhạc, mỹ thuật và bác sỹ đa khoa; Quy hoạch xây dựng trường, quyền sử dụng đất trong nội thành và điều kiện hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị nơi trường đang đặt địa điểm; Diện tích đất khuôn viên trong nội thành thuộc quyền sử dụng của trường bình quân 3 mét vuông trên 1 sinh viên đang đào tạo; Các yếu tố văn hóa và lịch sử.

Đề án cũng nêu kinh phí dự toán di dời tại Hà Nội và vùng Thủ đô Hà Nội cần khoảng từ 28.000 tỷ đồng (nếu lựa chọn số sinh viên di dời 200.000) đến 42.000 tỷ đồng (nếu lựa chọn số sinh viên di dời 300.000); tại TP.HCM và vùng TP.HCM cần khoảng 49.000 tỷ đồng, không bao gồm tiền giải phóng mặt bằng. Đồng thời Đề án cũng đã đề xuất các giải pháp để thu hút đầu tư và huy động vốn đầu tư.

Theo ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thì đây là một Đề án có ý nghĩa tích cực, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng và đề xuất được một số nội dung cần thiết, song điều kiện tài chính chưa khả thi.

Mục tiêu trước mắt của Đề án là làm giảm mật độ sinh viên tại một số khu vực của thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Mục tiêu lâu dài nhằm tạo điều kiện cho các trường đại học, cao đẳng có cơ sở vật chất - kỹ thuật đạt quy chuẩn, đáp ứng các yêu cầu phục vụ đào tạo và sinh hoạt của cán bộ và sinh viên nhà trường, hướng đến xây dựng nhà trường tiên tiến và nền giáo dục đại học Việt Nam hiện đại, chuẩn hóa, xã hội hóa, quốc tế hóa.

Để đáp ứng mục tiêu trước mắt, cần xác định cụ thể tiêu chí, điều kiện và giải pháp khả thi triển khai thực hiện trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2015. Đối với giai đoạn 2016- 2020: xác định rõ các nguyên tắc, giải pháp làm cơ sở cho các địa phương, các trường chuẩn bị trước. Đối với giai đoạn 2021- 2025: đề ra những định hướng, nguyên tắc chung làm cơ sở cho các trường, các địa phương xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng và định hướng đầu tư.

Ngọc Hà

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang