20 năm nữa, người lao động không còn lương hưu?

author 20:29 28/05/2014

(VietQ.vn) - Nhà quản lý cũng không phủ nhận nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm khi mỗi năm, con số thất thu lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng.

Thông tin trên được đặc biệt chú ý tại buổi Tọa đàm: Bảo hiểm xã hội (BHXH ) an toàn quỹ với người lao động, diễn ra sáng 28/5

Mỗi năm quỹ BHXH mất 56.000 tỷ đồng

Ông Trần Đình Liệu, Trưởng ban Thu BHXH (Tổng  công ty BHXH VN) cho biết tình trạng thu nộp BHXH hiện đang khá phức tạp. Theo Luật, cả nước đang có trên 300.000 DN đăng ký hoạt động,  có mã số thuế, tuy nhiên chỉ có 50% DN tham gia đóng BHXH. Hơn nữa,  chủ sử dụng lao động còn đang cố tình chọn mức lương thấp nhất để đóng BHXH cho người lao động.

Ông Liệu lý giải: Chủ sử dụng lao động tính đóng BHXH bằng tiền lương cơ bản chứ không phải lương thực tế. Độ chênh này trung bình  khoảng 1 triệu đồng/người/tháng, nên mỗi năm, BHXH mất 24 ngàn tỷ.

“ Với số tiền DN trốn đóng BHXH với số tiền đóng không đúng mức lương thực tế của người lao động được chi trả hàng tháng, mỗi  năm quỹ BHXH mất đi khoảng 56 ngàn tỷ đồng”, ông Liệu thống kê.

Theo ông Điều Bá Được, Trưởng Ban Thực hiện chính sách (BHXH VN),  để dẫn tới thực trạng trên, không thể kể tới những  điều bất cập khi thực hiện  chính sách BHXH. Cụ thể, dù Luật BHXH đã mở rộng đối tượng tham gia nhưng thực tế số lao động trong độ tuổi lao động tham gia BHXH, hiện nay mới chỉ khoảng 20%.

Theo ông Được, một số quy định BHXH nếu không được sửa đổi, sẽ khó khuyến khích người lao đông tham gia.

Ngoài ra còn nhiều bất cập khác như: tình trạng nợ, trốn đóng khá phức tạp, trong khi chế tài xử phạt lại chưa nghiêm; đầu tư hoạt động tăng trưởng từ quỹ BHXH chưa hiệu quả, tiền lãi thu được cho người lao động chưa cao; thời gian đóng ngắn mà hưởng lại nhiều; luật BHXH chưa bao phủ hết trách nhiệm của các bộ, ngành.

Trước thực trạng trên, nhiều nhận định cho rằng tới 2021 quỹ BHXH sẽ mất cân bằng thu chi và tới 2034 sẽ không còn được nhận lương hưu.

Không phủ nhận, Bà Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Tài Chính kiêm Tổng giám đốc BHXH VN, cho biết: “ Đánh giá trên hoàn toàn trùng khớp với tính toán của chuyên gia. Nếu cứ thực hiện chính sách hiện hành thì sẽ xảy ra tình trạng quỹ BHXH tới 2021 sẽ mất cân bằng thu chi, từ 2034 sẽ  bị thâm hụt, vỡ quỹ”.

Cần tăng quyền cho BHXH

Bà Nguyễn Thị Huyền, giám đốc BHXH tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết Việc nợ, trốn đóng BHXH phổ biến nhất tại  DN ngoài quốc doanh và DN có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, ngành BHXH ko thể chủ động vì không có chức năng thanh tra. Muốn đòi được nợ BHXH phải phối hợp với công an khởi kiện  DN ra tòa. Chính vì thế hiệu quả chưa cao.

“ Luật phải thêm quyền cho BHXH như: quyền phát mại tài sản khi DN phá sản hoặc trốn; thanh tra ngành để có quyền xử phạt hành vi vi phạm; tăng mức phạt nếu DN chậm đóng so với lãi suất cho vay của ngân hàng”.

Thực tế cho thấy, lãi suất doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội phải trả thấp nên ngày càng nhiều doanh nghiệp chậm, nợ bảo hiểm xã hội để lấy vốn kinh doanh, khiến người lao động không được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội đầy đủ.

“ Để hạn chế thì cần sửa đổi mức lãi suất chậm đóng phải cao hơn lãi suất tiền vay ngân hàng. Rõ ràng DN đều nhận thức thủ tục khi vay ngân hàng khá  phức tạp, phải thế chấp, mà mức lãi suất chậm nộp hiện nay lại thấp hơn nên họ sẵn sàng nợ BHXH”, bà Huyền nói.

Ngoài ra, nhiều DN cũng đang viện cớ kinh tế khó khăn nên xin hoãn đóng BHXH. Ông Trần Đình Liệu phân tích:“Có đóng thì có hưởng, quỹ BHXH là quỹ an sinh quốc gia, Luật phải bảo vệ quyền lợi người lao động. Khi chủ sử dụng lao động  đã trích lương của người lao động rồi thì phải đóng về quỹ. Nếu DN thực sự khó khăn thì đã có quy định được dừng đóng từ 6 tháng tới 1 năm, nhưng quỹ thai sản và bảo hiểm y tế thì vẫn phải đóng thường xuyên”.

Về hiệu quả hoạt động đầu tư tăng trưởng quỹ BHXH, bà Nguyễn Thị Minh thừa nhận chưa đạt được hiệu quả cao.“Hiệu qủa cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn là tính an toàn của quỹ”, bà Minh nói.

Hạ Lan

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang