4C - Bí quyết thành công của “vua hồ tiêu”

author 20:11 29/08/2012

Doanh nhân đứng đầu thị phần xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đúc kết bí quyết thành công của mình bằng 4 chữ C: Chào hàng + Chất lượng + Công cụ + Chăm chỉ.

Phan Minh Thông là CEO của Công ty cổ phần (CTCP) Phúc Sinh - một doanh nghiệp tưởng chừng "bé hạt tiêu", nhưng liên tục đứng đầu thị phần xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam trong 5 năm gần nhất; và hiện chiếm 6% thị phần xuất khẩu hồ tiêu thế giới, đồng thời chiếm 15 - 17% thị phần xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam ra toàn thế giới. Điều gì đã khiến Phúc Sinh đạt được thành tựu đó? Phan Minh Thông chia sẻ:

Tôi bắt đầu khởi nghiệp Phúc Sinh ban đầu là Cty TNHH từ năm 2001. Trong khoảng 5 năm kể từ khi thành lập, Phúc Sinh chuyên về xuất khẩu hạt tiêu. 5 năm đó, chúng tôi học hỏi được nhiều điều để 6 năm sau, "leo" lên vị trí thứ 1 trên thị trường xuất khẩu tiêu của Việt Nam. Điều làm chúng tôi tự hào là Phúc Sinh rất bé, vốn điều lệ thuở ban đầu chỉ vỏn vẹn 800 triệu đồng, sau tăng lên 26 tỉ đồng và hiện là 45 tỉ đồng. Nhưng như vậy vẫn là quá bé so với những doanh nghiệp (DN) trong cùng ngành hàng, những DN quốc doanh có vốn liếng và hạn mức tín dụng lên tới hàng nghìn tỉ đồng, hay một loạt công ty nước ngoài đang tham gia lĩnh vực này ở Việt Nam.

CEO Phan Minh Thông
CEO Phan Minh Thông

Vậy điều anh học được để Phúc Sinh tiến lên vị trí số 1 là gì?

Chúng tôi học được nhiều thứ, đặc biệt là làm thế nào để bán được hàng. Theo tôi, bí quyết chính nằm ở khâu marketing - chào hàng. Cần hiểu marketing không phải là cứ đi một đoàn người, liên tục quảng bá về sản phẩm của mình. Tôi nhận thấy rằng muốn ra thị trường nước ngoài, người bán hàng phải hiểu văn hóa của người mua, nhu cầu của họ. Ngoài ra, chúng tôi còn có sự đầu tư rất nghiêm túc để nâng cao chất lượng sản phẩm. Điều này hỗ trợ lớn cho việc quảng bá và bán buôn sản phẩm tới tay khách hàng.

Ai cũng nói về việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Cụ thể thì việc nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản được Phúc Sinh thực thi ra sao?

Tại Phúc Sinh, chúng tôi đầu tư 4 nhà máy, chăm chút, tuyển chọn hàng hóa đầu vào đến từng công đoạn để cho ra sản phẩm, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu khách hàng với chất lượng tốt nhất. Tùy thuộc vào ý muốn khách hàng mà Phúc Sinh giao hàng theo chất lượng, giá cả.

Hiện tại, Phúc Sinh cũng là một trong bốn công ty tại Việt Nam đang có nhà máy tiêu tiệt trùng. Hai trong số đó là nhà máy của DN Hà Lan và Mỹ, nhà máy còn lại của Tập đoàn Singapore. Trong quá trình các tập đoàn thế giới đến kiểm soát, đánh giá, chúng tôi luôn đảm bảo đạt điểm tối đa.

Tại sao đang rất vững chân ở hồ tiêu, Phúc Sinh lại "lấn" qua cà phê?

Khi đã nắm bắt, làm chủ công thức kinh doanh của mình một cách hữu dụng, chúng tôi muốn làm thêm các mặt hàng khác. Cà phê là một thị trường lớn và sản lượng xuất khẩu hàng năm lên đến hàng triệu tấn. Tại Việt Nam, các văn phòng đại diện quốc tế hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu cà phê cũng đông hơn. Mặt khác, Việt Nam có sản lượng cà phê Robusta lại lớn nhất thế giới nên nếu bỏ qua lĩnh vực cà phê thì đó sẽ là thiệt thòi không nhỏ cho bất kỳ DN kinh doanh nông sản nào ở Việt Nam.

Vì sao việc xuất khẩu cà phê của Phúc Sinh lại thuận lợi, ngay cả trong bối cảnh kinh tế toàn cầu trở nên xấu hơn, và các DN cà phê đầu ngành của Việt Nam thua lỗ nặng nề?

Hai năm gần đây chúng tôi xuất khẩu cà phê trên 20.000 tấn/năm. Và chúng tôi sử dụng các công cụ để hỗ trợ và bảo đảm/thắng giá. Đương nhiên, cũng phải kết hợp các công cụ khác như vốn, kiến thức trong giao dịch hàng hóa thật và hàng hóa qua sàn quốc tế. Thường thì các công cụ này không có tổ chức nào dạy chi tiết cho mình, mà DN phải tự tìm kiếm, trải nghiệm, tự rút ra các cách sử dụng cho riêng mình. Tôi đã chăm chỉ học hỏi, "mài mòn quần" ở hàng chục quán cà phê, quán nước, quán nhậu với các đối tác, khách hàng là những tổ chức bậc thầy về việc dẫn giá trên thị trường quốc tế, để học các chiêu của họ.

Nói như vậy, có thể đúc kết công thức kinh doanh của anh?

Đơn giản thôi: Chào hàng + Chất lượng + Công cụ + Chăm chỉ!

Đi và "chơi" cùng đối tác vừa và nhỏ!

Phúc Sinh phải trả giá nào khi bước vào làm cà phê nhân xuất khẩu?

Năm đầu chúng tôi lỗ 500.000 USD, tương đương 10 tỉ. Nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm làm. Cứ làm thì nó vỡ ra. Vấn đề là trong quá trình làm mình không ngừng học hỏi. Đồng thời không được ỷ lại vào công cụ quản lý rủi ro, đặc biệt trong vấn đề điều hành, điều phối việc buôn bán cà phê. Không nên xem đó là công cụ thần tiên.

Dù thế nào thì dường như thị trường hồ tiêu vẫn có sự cạnh tranh so với thị trường cà phê?

Hoàn toàn đúng. Nhưng chính xác hơn là trước đó đã có sự cạnh tranh tới mức hàng loạt văn phòng đại diện nước ngoài về hồ tiêu tại Việt Nam phải phá sản. Một năm, cà phê biến động 400 - 500 USD/ tấn thì năm ngoái, hàng hồ tiêu có mức biến động đến 3.800 USD/ tấn. Nếu tính toán sai thì độ thua lỗ sẽ thế nào? Nhưng phải nói rằng dù bản chất thị trường là cạnh tranh khốc liệt, trong mọi giai đoạn Phúc Sinh đều không ngại cạnh tranh, cũng không xem các DN khác là đối thủ. Phương châm của chúng tôi là luôn liên kết với DN Việt Nam, cùng tiến!

Vậy anh tìm kiếm khách hàng là những doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) khắp nơi trên thế giới như thế nào?

Tôi thường xuyên đăng ký các hội chợ chuyên ngành. Có hàng chục hội chợ như thế diễn ra trên toàn thế giới trong mỗi năm. Mỗi hội chợ đều tụ họp rất đông đảo các DNVVN. Chi phí tham dự hội chợ thường khá đắt. Trước đây, nhiều DN Việt do không biết thông tin nên không đăng ký tham dự. Vả lại cũng không có nhiều DN muốn đầu tư. Bắt đầu từ năm ngoái, thông qua Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, tôi đã chia sẻ tất cả những thông tin mình có về các hội chợ chuyên ngành trên thế giới.

Mỗi năm, chi phí để tham dự các hội chợ thương mại của Phúc Sinh ước tính khoảng 200.000 USD và hiện nay vẫn không ngừng tăng theo doanh số xuất khẩu. Có lẽ nhờ vậy mà năm 2010, Phúc Sinh đã trở thành DN đầu tiên của Việt Nam được Hiệp hội Xuất khẩu hồ tiêu thế giới bình chọn là Nhà xuất khẩu xuất sắc về hồ tiêu và các sản phẩm hồ tiêu có giá trị gia tăng.

Đích đến, cũng như điều mà anh mong đợi nhất khi tham gia thị trường cà phê?

Với hồ tiêu, chúng tôi đặt mục tiêu tiếp tục nắm giữ vị trí số 1 đã được khẳng định trong suốt 5 năm qua. Với cà phê, năm tới, mục tiêu của Phúc Sinh là tăng số lượng hàng xuất khẩu lên khoảng 40.000 tấn/năm. Bên cạnh đó, chúng tôi luôn mong muốn Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam sẽ có sự chủ động, đấu tranh bằng mọi phương thức sao cho các Trung tâm giao dịch cà phê lớn nhất của thế giới phải tính đến chuyện đặt kho hàng cà phê Robusta tại Việt Nam. Khi các kho hàng không đặt tại Việt Nam, DN Việt mất đi rất nhiều lợi thế.

Ngoài ra, tôi cũng nghĩ, và nhắm tới việc làm thế nào để mở ra, nhân rộng một trường đào tạo chuyên về giao dịch hàng hóa nông sản, căn cứ trên thực tiễn giao dịch chứ không phải trên sách vở như một số đơn vị giao dịch hàng hóa đã làm. Thật vô lý khi chúng ta có sản lượng Robusta lớn nhất thế giới, có khối lượng hàng xuất năm rất lớn ra thị trường quốc tế, mà những điều cơ bản đó chúng ta lại chưa xây dựng được.

Xin cảm ơn ông!

Theo DĐDN

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang