Cạm bẫy sinh viên sau những cuộc chơi hào nhoáng

author 06:47 10/11/2014

(VietQ.vn) - Xuất hiện loại 'cò' hành nghề chăn dắt, dụ dỗ sinh viên là cạm bẫy sinh viên rình rập các bạn trẻ hiện nay. Dưới đây là câu chuyện cho các sinh viên và phụ huynh cần quan tâm, nhất là đối với sinh viên đua đòi lêu lổng.

Vượt ngưỡng thoải mái, tự tin

Trong những buổi trò chuyện về giáo dục giới tính cho giới trẻ, chuyên gia tâm lý Nguyễn Lan Hải bày tỏ lo ngại về cái nhìn nhận sai lệch về cái đẹp, giá trị của giới trẻ thông qua cách ăn mặc. Theo bà Hải, nhiều giá trị trong cuộc sống đang bị lung lay, đảo lộn qua cách ăn mặc của giới trẻ, của những hình ảnh, phong cách bên ngoài ồ ạt tràn vào trong khi giới trẻ không được xác lập một bản sắc đủ vững vàng để có những tiếp nhận phù hợp.

Đó có thể sự ưa chuộng những phong cách lòe loẹt, diêm dúa kết hợp những vật dụng một cách lỗ chỗ, hỗn loạn. Đi cùng đó là tâm lý chuộng sự cầu kỳ một cách vô nghĩ và có thiên hướng hướng ngoại, sùng bái vật chất, xa lạ với nghệ thuật, với thẩm mỹ nhưng lại rất thích thể hiện mình. 

Sinh viên ăn mặc  hở hang đua đòi là một trong những con mồi của các 'thợ săn'

 Sinh viên ăn mặc hở hang, đua đòi là một trong những con mồi của các 'thợ săn' . Ảnh minh họa

Vòng xoáy khó thoát

Với tâm lý đua đòi lêu lổng các bạn trẻ này dễ rơi vào cạm bẫy sinh viên của của “thợ săn” mai phục, đón lõng với những chiêu trò ma mãnh. Dù cái trò chăn dắt sinh viên nhà có điều kiện nhưng đua đòi, sĩ diện là mấy vở diễn “xưa như quả đất” vậy nhưng vẫn nhiều người sập bẫy. Để chiếm được lòng tin cũng như sự ngưỡng mộ của đám sinh viên gia đình có điều kiện, các ông trùm núp trong bóng tối, sẵn sàng chi tiền để “thợ săn” đưa các cô cậu đi sàn, đi bar, mua đồ hiệu…, đưa rước bằng ô tô.

cạm bẫy sinh viên rình rập nhất là đối với các bạn trẻ đua đòi, lêu lổng

Cạm bẫy sinh viên rình rập nhất là đối với các bạn trẻ đua đòi, lêu lổng. Ảnh minh họa

Mấy cô cậu sinh viên được thân quen với những “thợ săn” lấy đó làm hãnh diện, lên mặt với bạn bè, nâng tầm quan hệ! Cuộc sống “xa hoa” ấy chính bẫy ngọt ngào mà những “thợ săn” cứ dần dần thít chặt khiến “con mồi” chết mà không biết. Các thợ săn giở tiếp chiêu chơi đẹp để chính thức bắt sống “con mồi”.

Đó là “hết tiền thì anh cho mượn”, “chơi thì anh cho vay”… “Con mồi” cứ thế sa lầy và rất khó thoát. Khi đã quen ăn, quen chơi mà tiền thì có hạn, nhà chu cấp cả tháng chẳng đủ cho một lần lên sàn. Thế là các cậu ấm cô chiêu bắt đầu lần mò đến con đường cá độ bóng đá, chơi lô đề, thậm chí ngồi chiếu bạc.

Từ đây cuộc sống của những sinh viên “thời thượng” này bắt đầu rơi vào cảnh túng thiếu. Cứ thế, bao nhiêu đồ đạc, hàng hiệu đội nón ra đi. Xoay xở hết cách, họ bắt đầu tìm đến “thợ săn”.

Chúng cứu các em và dẫn cậu ấm cô chiêu đến gặp trùm cho vay nặng lãi. Những ông chủ tiệm cầm đồ ẩn mình trong vỏ bọc hỗ trợ tín chấp cho sinh viên sẵn sàng giúp đỡ để “các em không dang dở chuyện học hành”. Khi đó, các cậu ấm cô chiêu ký xoành xạch vào giấy vay nợ không phải thế chấp mà chẳng mảy may suy nghĩ.

Như kẻ chết đuối vớ được cọc, có tiền cậu ấm cô chiêu lại lao vào cuộc chơi như thiêu thân. Cuộc sa lầy cứ thế không có điểm dừng! Thua bạc lao vào gỡ lại càng thua, khoản nợ thì lãi mẹ đẻ lãi con.

Khi con mồi sa lưới “các thợ săn” trở về đúng nguyên hình là những tay đòi nợ thuê. Cái đích mà các tay đòi nợ nhắm tới là bố mẹ của các cậu ấm cô chiêu, họ là quan chức, doanh nhân, những người lắm của nhiều tiền!

Kỹ nghệ săn mồi

Hào “bệu”, một trùm ở Bắc Ninh đã rửa tay gác kiếm tình cờ chia sẻ trong một cuộc nói chuyện bên lề với phóng viên qua mối quen biết: Thời buổi làm ăn khó khăn không ít kẻ dùng kế chăn dắt sinh viên con nhà giàu để kiếm lợi. Đây là cách làm ăn rủi ro ít, thu vốn nhanh mà trúng mánh thì lãi to!

Khi đám “thợ săn” ngắm được “con mồi” ngon họ cất công đi xác minh được thân thế, gia đình, độ giàu có. Sau khi xác định được mức độ tài chính của gia đình “con mồi” sẽ có những kế hoạch cụ thể bao gồm chi phí cho cuộc săn đuổi và cách thức dẫn dụ vào bẫy. Trung bình mỗi cuộc đi săn, các ông trùm chi cho thợ săn từ 100 đến 200 triệu đồng, tùy mức độ tài chính của “con mồi”.

các sinh viên tụ tập, lê la ở các quán xá cổng trường dễ rơi vào cạm bẫy sinh viên của các 'thợ săn'

Các sinh viên tụ tập, lê la ở các quán xá cổng trường dễ rơi vào cạm bẫy sinh viên của các 'thợ săn'. Ảnh minh họa

Việc chi tiền cho mỗi cuộc đi săn đều có những tiêu chí riêng như: Nếu gia đình “con mồi” có tổng tài sản tiền tỷ trở lên, đang buôn bán hoặc là công chức cỡ bự có nhiều tài lộc thì sẵn sàng chi mạnh cho đám “thợ săn” chăn dắt nhiệt tình. Mỗi cuộc săn đuổi thiếu gia, ái nữ, tuy phải chi nhiều tiền nhưng việc thu hồi vốn, theo Hào “bệu” là dễ dàng. Trong từng cuộc săn đuổi, những “thợ săn” luôn là người chủ động, có sự toan tính và vạch sẵn những kế hoạch để đưa “con mồi” vào tròng. Vì thế, việc lấy lại vốn và thu lãi lớn đã nằm trong kế hoạch.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp hi hữu, gặp phải gia đình rắn thì những tay “thợ săn” lại có “chính sách riêng”, như lời Hào “bệu” thì “mềm nắn, rắn buông”, cùng lắm thì lấy lại gốc thôi, không lỗ”. Bởi vì những tên “thợ săn” đã nắm được điểm yếu những gia đình quan chức, giàu có thì cái sĩ diện rất lớn. Chẳng may quý tử lỡ gây ra cơ sự này thì cũng cố cắn răng mà chịu vì lo sợ ảnh hưởng danh dự, uy tín...
 

 

Thu Hoài (tổng hợp từ Dân trí, Tiền phong) 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang