Làng quê biến tướng!

author 07:41 19/03/2014

Làng quê Việt đang “vỡ” dần ra với cả mặt tốt lẫn mặt xấu. Ở thành thị có cái gì ở nông thôn cũng có cái đó. Cái xấu ở thành thị không còn đất sống thì về nông thôn lại thành mốt, thành trào lưu.

Hồn làng giờ ở đâu?

“Làng tôi có tập quán mời nhau uống nước chè xanh. Khoảng bảy đến mười gia đình ở gần nhau được lập thành một nhóm uống nước chè xanh. Đầu các buổi tối, nhà có nước chè xanh cho người đi một vòng, đến trước cổng mỗi nhà, mời thật to cho mọi người trong nhà cùng nghe...

Chủ nhà kê mấy chiếc ghế băng và một cái bàn ở ngoài sân. Trên mặt bàn đặt những chiếc bát sứ đã được cọ rửa sạch sẽ. Khi có người đến uống nước chè, chủ nhà lấy gáo dừa, múc nước chè xanh còn nóng trong nồi đồng điếu chuyên dùng để nấu nước chè ra bát, mời khách. Những người nghiện nước chè xanh thường đến sớm, uống đợt nước cốt đầu tiên.

Khi cầm trên tay bát nước chè còn nóng, họ ngửi hương thơm của chè rồi mới nhấm nháp từng ngụm nhỏ. Có chủ nhà ngoài nấu nước chè còn luộc khoai lang hay lạc mời khách. Tập quán uống nước chè xanh giúp người dân ngày nào cũng được cùng nhau giao lưu, tạo nên mối thâm giao tình làng, nghĩa xóm”.

Vợ chồng ông bà Mười

Ông Trần Quý Lộc hồi ức về một thời ở quê nhà. Đó không chỉ là cảnh của riêng quê ông mà của chung rất nhiều vùng quê, giờ nghe lại như chuyện cổ.

Làng quê Việt đang “vỡ” dần ra với cả mặt tốt lẫn mặt xấu. Ở thành thị có cái gì ở nông thôn cũng có cái đó. Cái xấu ở thành thị không còn đất sống thì về nông thôn lại thành mốt, thành trào lưu. Những tệ nạn như sóng thần, như triều cường tràn về nông thôn trong một xu thế không thể cưỡng lại được.

Mỹ Bổng (Việt Hùng, Vũ Thư, Thái Bình) cái tên làng đẹp gắn với một huyền tích. Xưa có một bầy tiên giáng trần tắm ở giếng làng, đám thanh niên tò mò ra nhòm trộm làm bầy tiên giật mình vụt bay.

Kể từ đó, được tắm bằng cái giếng tiên đám đàn bà con gái trong làng có làn da trắng, có mày ngài mắt phượng, dung mạo đẹp tựa người nhà trời. Giờ giếng làng xưa tiên tắm đã lấp, hồ phong thủy xưa đã bị lấn dần, lũy tre làng xưa cũng bị chặt trụi không ra hình thù. Cảnh vật khác, tình người nay cũng khác.

Khi vợ ông Trần Văn Mười sinh được mười đứa con, cả làng ai cũng bảo nhà ông sau này tha hồ hưởng hồng phúc, tuổi già của ông tha hồ vui vầy. Ông bà Mười giờ đã ngoại chín mươi, bà yếu chân phải đi lết còn ông sức khỏe cũng không khá hơn gì.

Bà Mười đang đắp chiếu

Một chiều mưa gió sụt sùi tôi đến thăm ông bà. Trời rét bà đắp cái chiếu cũ thay chăn, bên dưới lưng là cái giát giường được kê bằng vài viên gạch cũ. Giường kế bên của ông Mười lót bằng một mớ bao tải xi măng. Đồ đạc trong nhà chẳng có gì ngoài một tấm vải bạt cũ ngăn khu để đồ ăn và nơi ở.

Ông bảo: “Sáng tôi vừa nấu mì tôm cho bà ấy và tôi ăn xong, giờ chuẩn bị đi nấu cơm. Trưa nay có một lạng thịt làm thức ăn. Phải ba hay bốn hôm chúng tôi mới dám mua một lạng thịt, được cái tuổi già ăn uống có là mấy đâu”.

Lưng còng, tay run, ông lão lẩy bẩy đi nhóm bếp. Trời ẩm, củi ướt, khói bốc lên mịt mù khiến ông lão phải cúi gập người trong cơn ho co thắt nơi cuống họng. Tuổi già của ông bà hầu như chỉ còn trông chờ vào 360.000đ/tháng trợ cấp, không đủ cho ăn no chứ chưa nói gì đến thuốc men, quần áo, vật dụng.

Ở vào cái thời khủng hoảng niềm tin, con người rất dễ hoang mang, dao động. Họ bám vào các pháp thuật thần bí thậm chí mê tín dị đoan như người chết đuối vớ phải cọc.

Hỏi chuyện con cháu, ông thoáng chau mày, nhìn về cõi vô định. Lời nói như muốn bật ra khỏi cuống họng lại nuốt vào trong, mắt ông như có khói. Sau khi tôi ra khỏi cổng nhà một đoạn xa, người dẫn đường mới kéo tay áo khẽ bảo: “Ông bà Mười có bốn người con đang sinh sống cùng làng trong đó hai đứa ở sát vách!”.

Rời nhà ông Mười, tôi đến nhà Trần Văn Tuấn. Vốn là một thợ mộc tài hoa nhưng hay rượu, cơ đồ trong nhà anh dần đi theo hũ vơi, hũ đầy. Đã từ lâu, đục chàng vứt xó, máy bán, cưa bán, vật dụng trong nhà cũng đội nón lần lượt ra đi.

Quãng đời về chiều, người thợ mộc già lủi thủi một mình trong căn nhà trống huếch. Nhà anh, cái cửa xập xệ được buộc tạm bằng mấy sợi thép hoen rỉ trên đó ngoắc choằng một cái khóa cũng rỉ hoen. Gọi ồi ồi mà chẳng thấy tiếng người đáp lại chỉ thấy lù lù một gốc cây sù sì lấm đất bên trong. Người ta bảo đó là gốc cây mà anh định đẽo thành cái bàn ngồi uống nước. Vứt xó mấy năm trời cái gốc vẫn nguyên dạng như mới được trục từ dưới đất lên.

Đồng cô và bóng cậu

Mỹ Bổng có khoảng mươi người nghiện và nghi nghiện, dăm bảy đầu xanh đầu đỏ dạng “Tam Mao”, bốn đồng cô, bóng cậu mở điện. Làng trước kia vốn chỉ có một thầy phù thủy chuyên cúng bái, trấn yểm gia truyền nhưng mấy năm nay bỗng phát thêm ba đồng cô nữa.

Cậu Thà (đã đổi tên) mới chỉ ngoài hai mươi, bố mẹ đều là nông dân chính hiệu. Một buổi cậu trộm quả chuông ở miếu làng, bị người ta phát hiện phải chuộc về, phải đứng quỳ ở miếu tạ tội mấy giờ liền. Từ đó chẳng hiểu sao bỗng dưng tâm tính cậu thay đổi, bỗng nói giọng của… người nhà trời, bảo phải mở điện để cứu rỗi cho thiên hạ.

Cứu rỗi đâu chẳng biết, nhưng lượng khách đến điện nườm nượm, kinh tế gia đình lên như diều gặp gió. Đi đâu cậu Thà cũng có ô tô đưa ô tô đón, có hẳn một bà nạ dòng bám chằng chằng theo hầu hạ.

Những con ngựa giấy to như ngựa thật

Cậu Hùng (đã đổi tên) cũng còn rất trẻ. Một dịp cậu bỏ nhà đi, dân làng tưởng đã biệt tích bỗng lù lù trở về với cái đầu húi cua rất ngổ và đòi người nhà phải lập điện để thờ cúng. Cậu Sự (đã đổi tên) năm nay bốn mươi tuổi có dư, sở hữu chất giọng kim thổ lẫn lộn trai không ra trai, gái không ra gái. Một ngày cậu cũng phán mình được ăn lộc của thánh và mở điện.

Nào giải hạn, giải bùa, nào diệt ma, diệt trùng, nào cầu tài, cầu tình, cầu lộc… Cầu cái không thuộc về mình đã đành, nhiều kẻ ác tâm còn tìm đến để cầu hại kẻ thù của mình đến tán gia, bại sản, đến bệnh trọng, tai ương. Tiếng nhạc chầu ẻo ợt, bóng người cúng vái chập chờn lên lên xuống xuống như những cơn sóng.

Có những khóa lễ trên bờ đê người làng chứng kiến ô tô chở kìn kìn nhà lầu to như cái thuyền nan, ngựa giấy to như ngựa thật, hình nhân đẹp như người mẫu, bạch tượng to tựa con bò, con trâu về các điện. Khói đen ngùn ngụt bay, khói đen vắt ngang lưng trời như một vành khăn tang tóc. Một khóa lễ hoành tráng như thế hóa vàng của thiên hạ không dưới vài chục triệu đồng.

Cầu cho người, khấn cho đời, ân đức là thế nhưng một ngày thầy Trần Thờ (đã đổi tên) đang béo khỏe phây phây bỗng đổ bệnh trọng. Người nhà đưa thầy lên bệnh viện tỉnh, lên tận bệnh viện Trung ương vẫn không cứu nổi tính mạng.

Căn điện của thầy ngày nào giờ giao cho người con dâu quản lý, nó dần vắng tiếng chầu văn, nhạt lạnh khói hương trầm. Đó mới chỉ là những thầy ở làng Mỹ Bỗng, nếu tính lượng thầy của cả xã thì số ngón tay trên hai bàn tay sợ cũng chưa đủ để đếm.

Theo Báo nông nghiệp

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang