"Ai là thầy, ai là trò" ?

author 09:27 18/12/2013

“Nhìn vào đề án đó tưởng chừng như việc xây dựng xã hội học tập chỉ có thực hiện nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều vấn đề đặt ra. Ai cũng nhiệt tình trong xây dựng xã hội học tập nhưng hỏi rằng phải làm những việc gì cụ thể thì các cán bộ và cả người dân còn rất mơ hồ. Vẫn còn rất nhiều câu hỏi như trách nhiệm của từng tổ chức, từng cấp, từng ngành đến đâu, ai là thầy, ai là trò?” Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam...

Đề án xây dựng xã hội học tập đến 2020 đã được Chính phủ phê duyệt, nhưng việc triển khai thực hiện vẫn còn nhiều lúng túng với hàng loạt câu hỏi chưa được giải đáp đích xác như xã hội học tập có đặc trưng gì, chỉ tiêu nào để đánh giá, như thế nào là học tập suốt đời?...

Thầy trò

Trong xã hội học tập, ai là thầy, ai là trò?

“Nhìn vào đề án đó tưởng chừng như việc xây dựng xã hội học tập chỉ có thực hiện nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều vấn đề đặt ra. Ai cũng nhiệt tình trong xây dựng xã hội học tập nhưng hỏi rằng phải làm những việc gì cụ thể thì các cán bộ và cả người dân còn rất mơ hồ. Vẫn còn rất nhiều câu hỏi như trách nhiệm của từng tổ chức, từng cấp, từng ngành đến đâu, ai là thầy, ai là trò?” Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đặt ra những vấn đề cần làm rõ trong đề án tại  Hội thảo Xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam: Từ tầm nhìn đến hành động, diễn ra sáng 17/12.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, với sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học và các cơ quan chuyên môn, đề án xây dựng xã hội học tập đã tương đối cụ thể với các quan điểm, mục tiêu, giải pháp. Trong đó, có sự phân công trách nhiệm rất rõ giữa tất cả các cấp, các ngành.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc xây dựng xã hội học tập cần đặt trong hoàn cảnh hội nhập quốc tế, tận dụng sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ và phải phù hợp với từng đối tượng.

Cùng vấn đề này, bà Katherine Muller-Marin, Trưởng đại diện văn phòng UNESSCO tại Việt Nam cho rằng để xây dựng xã hội học tập, Việt Nam trước hết phải xác định tầm nhìn, xác định đích đến và xây dựng lộ trình thực hiện.

Cần xây dựng “Kịch bản mong muốn của xã hội học tập và công dân học tập là gì? Hiện trạng của xã hội học tập và công dân học tập như thế nào? Từ đó có kế hoạch hành động để đi từ hiện trạng đến kịch bản mong muốn,” bà Katherine Muller-Marin nói.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng thảo luận về tác động toàn cầu và khu vực đối với công dân học tập và xã hội học tập, kinh nghiệm của các quốc gia, tầm nhìn và các đặc điểm mong muốn đối với công dân học tập, xã hội học tập và những giải pháp để hiện thực hóa tầm nhìn.

Trên cơ sở đó, các đại biểu sẽ cùng xây dựng dự thảo ban đầu về các đặc trưng mong muốn đối với công dân học tập và xã hội học tập của Việt Nam, các kế hoạch hành động để thự hiện đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020.

Hội thảo Xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam: Từ tầm nhìn đến hành động do Ban chỉ đạo quốc gia xây dựng xã hội học tập, Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, Liên hợp quốc tại Việt Nam, Viện học tập suốt đời UNESSCO cùng phối hợp tổ chức trong hai ngày 17 và 18/12.

Đây là hội thảo lần đầu tiên được tổ chức bằng phương pháp tiếp cận liên ngành. Hội thảo có sự tham dự của hơn 120 đại biểu đại diện cho 23 cơ quan của Ban Tuyên giáo trung ương, các bộ, ngành liên quan, chính quyền đại diện cho các địa phương Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Hải Dương, Thừa Thiên Huế, các cơ quan của Liên Hợp Quốc, Ban Thư ký ASEAN, các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế...

Theo TTXVN

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang