Ăn nấm độc: 80 - 90% là tử vong

author 17:41 25/03/2014

Chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày qua, 3 tốp bệnh nhân với 14 người ngộ độc nấm liên tục nhập viện tại Trung tâm chống độc Bạch Mai.

Rạng sáng 19.3, chị Lý Thị Thơm (35 tuổi, ở xóm Vang, xã Liên Minh, Võ Nhai, Thái Nguyên) đã là người thứ 4 trong nhóm 5 người đầu tiên nhập viện tối 9.3 tử vong.

Thoát chết vì ăn quá ít

Hiện nay, tại Trung tâm còn 9 người vẫn hôn mê, suy gan, đe dọa tử vong và nguy cơ tử vong cao. Đó là 5 người ở Thái Nguyên và 4 người ở Tuyên Quang nhập viện sau đó. Dù dốc lực cứu chữa nhưng các BS vẫn tiên lượng diễn biến của các bệnh nhân đều rất xấu. Ngộ độc nấm đã không phải là chuyện mới, mà từ nhiều năm nay, nhiều như “nấm mọc sau mưa”. Cứ mùa xuân, thực phẩm này lại là nguyên nhân của hàng chục ca bệnh nhập viện.

Nấm ô tán trắng phiến xanh, phân bổ ở hầu hết các tỉnh phía Bắc, gây rối loạn tiêu hóa nặng. Trên 60% vụ ngộ độc nấm ở Việt Nam do loại nấm này gây nên. (Ảnh do Bộ môn độc học – Học viện 103 cung cấp)

Nấm ô tán trắng phiến xanh, phân bổ ở hầu hết các tỉnh phía Bắc, gây rối loạn tiêu hóa nặng. Trên 60% vụ ngộ độc nấm ở Việt Nam do loại nấm này gây nên. (Ảnh do Bộ môn độc học – Học viện 103 cung cấp)

4/5 người tử vong, chỉ có 1 người thoát chết vẫn chưa phải là những con số đáng sợ nhất từ việc ăn nấm độc. Trong số 55 bệnh nhân tử vong ghi nhận được trong 8 năm qua ở Trung tâm chống độc Bạch Mai, ở Hà Giang có gia đình người Mông 9 người, ở Cao Bằng có gia đình 7 người, Bắc Cạn 6 người tử vong. PGS. TS Phạm Duệ - GĐ Trung tâm chống độc Bạch Mai nhận định: Ngộ độc nấm là loại ngộ độc nặng, nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời, tỉ lệ tử vong lên tới 90 - 100%. Với các trường hợp đến được BV, tùy vào thể trạng, mức độ ngộ độc, nhưng tỉ lệ được cứu sống khoảng 50 - 60%.

Vợ con, người bạn của anh Triệu Văn Say (Bắc Cạn) đều tử vong cách đây 5 năm do ăn nấm. Riêng anh thoát chết được cũng chỉ vì anh ăn rất ít, nhường thức ăn cho vợ con và khách. Khi đó, cả nhà anh đã phải bán cả đàn bò, đồng thời vay mượn hơn 200 triệu đồng, nhưng vẫn không cứu được người.

Ngộ độc nấm không phải là chuyện mới, nhưng cho đến nay vẫn còn rất ít người quan tâm đến lĩnh vực này. Ở phía Bắc mới chỉ có Trung tâm chống độc Bạch Mai và Bộ môn độc học - Học viện Quân y 103 kết hợp thực hiện một số đề tài nghiên cứu về nấm độc. Sau đó, hai cơ quan này đã phối hợp tập huấn được cho 12 tỉnh miền núi phía Bắc về cách nhận biết nấm độc, cách xử trí khi có người bị ngộ độc nấm. Nhưng theo PGS. Phạm Duệ phản hồi lại, tại một số nơi, các thông tin về ngộ độc nấm này bị chính quan chức, cán bộ địa phương tẩy chay, vì họ cho rằng: Nấm là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, không nên bỏ phí!

Chống nấm độc bằng… tay không

Phần lớn bệnh nhân bị ngộ độc nấm là đồng bào dân tộc nghèo, ít được tiếp cận thông tin nên quan niệm sai về nấm độc. PGS. TS Hoàng Công Minh, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn độc học, Học viện Quân y 103 cho biết: “Các tài liệu truyền thông về nấm độc được in bằng tiếng Việt nên đồng bào dân tộc không hiểu”. Vì thế, đã có trường hợp chính cán bộ y tế bị ngộ độc như trường hợp chị cán bộ xã ở huyện Võ Nhai đang thập tử nhất sinh, sau bữa nấm mà chị đã đem lên hỏi già làng và được trả lời là nấm ăn được.

Than hoạt dạng nhũ hay dạng bột đều là loại thuốc không thể thiếu để cho nạn nhân ngộ độc gây nôn. Nếu được uống than hoạt kịp thời, sẽ giảm nguy cơ độc chất ngấm vào gan gây hoại tử gan. Nhưng hầu như chẳng có trạm y tế, BV huyện hay Trung tâm y tế huyện nào dự trữ loại thuốc được khuyến cáo thuộc danh mục thuốc thiết yếu tại y tế cơ sở này. Giá thành của mỗi hộp than hoạt dạng nhũ chỉ 70 - 90 nghìn đồng, dạng bột còn rẻ hơn. Thế nhưng sau khi đề tài nghiên cứu chuyển giao công nghệ cho Công ty dược Bình Định sản xuất thì công ty này chỉ sản xuất được một vài lô rồi thôi. Lý do là không có ai mua.

Năm trường hợp ngộ độc nấm đầu tiên trong năm nay ở xóm Vang, xã Liên Minh, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên. Theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, khi họ được đưa đến cơ sở y tế tuyến huyện, PGS. Hoàng Công Minh, Nguyên chủ nhiệm Bộ môn độc học, Học viện 103 đã khuyến cáo cho họ uống ngay than hoạt, nhưng ở đó không lấy đâu ra. Và ngay tại đó, cán bộ y tế còn khá lúng túng khi xử trí bệnh nhân ngộ độc.

Còn 4 người ở xã Trung Minh, Yên Sơn, Tuyên Quang ăn nấm từ tối 13.3, khi phát hiện triệu chứng ngộ độc, họ cũng chỉ được truyền nước để đưa lần lượt từ BV khu vực ATK, qua BV đa khoa tỉnh rồi mới xuống Trung tâm chống độc Bạch Mai. Đến BV sau khi ăn nấm 58 giờ đồng hồ, họ còn được coi là có tiên lượng xấu hơn cả những trường hợp trước.

Mỗi ca ngộ độc nấm khi nhập viện đều phải truyền dịch và huyết tương, lọc máu cùng các biện pháp hồi sức khác. Chi phí đều rất tốn kém 100 - 200 triệu/ca nhưng hiệu quả đem lại không cao. Vì thế, phòng ngộ độc nấm vẫn là biện pháp ưu tiên và cần được chú trọng.

PGS. Phạm Duệ, sau những ngày liên tục trực để xử trí cấp cứu nạn nhân ngộ độc, thần sắc đã mệt mỏi, nhưng ông vẫn tranh thủ dành những thời gian làm việc cung cấp thông tin tới các cơ quan thông tin đại chúng để cảnh báo với người dân. Ông cho biết mong muốn tìm được những người hỗ trợ việc in ấn tài liệu truyền thông, cả bằng tiếng Việt và tiếng dân tộc. Sau đó sẽ có lực lượng tình nguyện viên, thanh niên chuyển đến bà con.

Cứ ăn Tết xong, PGS.TS Hoàng Công Minh lại giở danh sách các bệnh nhân bị ngộ độc nấm ở các tỉnh, thành phố ghi nhận được, trong đó có cả địa chỉ, số điện thoại của người thân họ và cán bộ y tế xã ở đó, gọi điện lên nhờ xem có nấm mọc chưa. Khi có, ông gấp rút đến tận nơi để quay phim, chụp ảnh cây nấm, sau đó lấy cả cụm cây và đất mang về Hà Nội một cách cẩn thận để chiết xuất độc chất hoặc ngâm bảo quản làm tài liệu nghiên cứu, vì nấm mọc nhanh và héo chỉ trong vòng một tuần.

Những tư liệu ghi được, ông đều chuyển cho Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) và Trung tâm chống độc Bạch Mai để có cơ sở cho truyền thông và điều trị. Để hạn chế những hiểu lầm của bà con về nấm độc, khi in tài liệu truyền thông, PGS. Minh cũng đích thân ra xưởng in để chỉnh màu tài liệu in hình nấm cho chính xác. PGS. Minh vẫn làm như thế nhiều năm nay, và theo ông, sẽ còn cần phải làm rất nhiều việc, may ra mới ngăn được những cái chết được báo trước vì nấm độc này.

Hái phải nấm độc, có bị ngộ độc?

 Việc hái nấm độc không gây ngộ độc, độc tố nấm không ngấm qua da tay, bởi phân tử nấm thuộc dạng to, không dễ dàng thấm qua niêm mạc. Chính vì thế, các trường hợp ngộ độc nấm chết người thường có biểu hiện nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy từ 10 - 12h, thậm chí 24h sau, khi độc chất nấm bắt đầu thấm vào niêm mạc ruột (PGS. Hoàng Công Minh). 

Theo Lao động


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang