Bán hàng qua mạng - ‘chiêu khuyến mãi, giảm giá sốc’, thực tế chỉ toàn hàng ‘rởm’

author 13:47 12/09/2019

(VietQ.vn) - Bán hàng qua mạng hiện trở thành hình thức kinh doanh phổ biến. Tuy nhiên theo các chuyên gia, người tiêu dùng cần phải ‘tỉnh táo’ trước những thông tin khuyến mại sốc.

Thận trọng với các chiêu khuyến mại khi mua hàng qua mạng

Càng về cuối năm, nhu cầu mua bán hàng hóa càng nhiều. Đặc biệt, giao dịch hàng hóa qua các trang mạng xã hội tăng đột biến. Tuy nhiên chất lượng các sản phẩm này vẫn còn là điều đáng bàn.

Thực tế, hiện nay các trang website, tài khoản facebook cá nhân đều có chiêu bài “khuyến mãi, giảm giá sốc”. Tuy nhiên đã có không ít các mặt hàng nhái, hàng kém chất lượng tung ra thị trường, đặc biệt là tình trạng nâng giá sau đó giảm giá để thu hút khách.

Song song với những mặt tích cực thì hiện tượng lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt cho người tiêu dùng cũng xảy ra ngày càng phổ biến.

Điển hình, hiện nay nhiều trang mạng xã hội facebook xuất hiện nhan nhản các livestream quảng cáo, bán hàng theo chiêu trò khuyến mại để câu khách như: Mua một chiếc ốp điện thoại nhưng được tặng kèm chiếc đồng hồ có giá trị cao hơn chiếc ốp này. Hay như mua miếng dán màn hình điện thoại lại được tặng tai nghe. Tuy nhiên hầu hết những mặt hàng này đều kém chất lượng. Khách mua hàng ham rẻ khi mua đều phải ngậm ngùi.

 Hình thức bán hàng qua mạng đang nở rộ nhưng người tiêu dùng nên tỉnh táo trước chiêu khuyến mại 

Anh Nguyễn Văn Dương (ở Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, cách đây không lâu khi thấy một quảng cáo về đấu giá để mua được sản phẩm giá rẻ trên mạng xã hội. Như nhiều người khác, anh click và tham gia chơi đấu giá. Cuối cùng anh đã có được chiếc đồng hồ Smart Watch (đồng hồ thông minh) với giá 500.000 đồng. Chiếc đồng hồ này được quảng cáo có giá nguyên gốc 1.000.000 đồng tuy nhiên, sau khi kiểm tra giá sự thật chỉ vài trăm nghìn và dùng được một thời gian ngắn thì hỏng.

Chia sẻ trên báo Lao Động, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết, có một chuyện đã trở nên phổ biến trong thời gian gần đây là việc các trang web bán hàng trực tuyến kê giá bán thật cao (cao hơn mức giá trung bình trên thị trường), sau đó tung ra chương trình khuyến mãi (giảm giá) lớn để lôi kéo, chiêu dụ khách hàng. Có những trang web công bố mức giảm giá lên tới 50%, mức thấp nhất thường là 10%.

Ngoài ra, cũng có trường hợp, doanh nghiệp công bố tỉ lệ giảm giá sản phẩm lớn để thu hút người tiêu dùng truy cập trang web bán hàng của mình, nhưng khi khách đặt hàng lại nhận được thông báo đã hết hàng. Có trường hợp doanh nghiệp áp dụng chính sách giảm giá cho một số lượng ít ỏi hàng hóa, và sau vài tiếng đồng hồ thông báo đã bán hết hàng. Trường hợp này thường rơi vào các sự kiện lớn dành cho khách hàng mua sắm trực tuyến, ví dụ như các đợt mua sắm đầu mùa, các ngày lễ, tết...

Liên quan tới vấn đề này, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương cho biết, khoảng 20% khiếu nại liên quan đến giao dịch mua bán hàng trực tuyến. Đa số khiếu nại tập trung vào các hành vi: Giao hàng muộn, không giao hàng, hủy đơn hàng không rõ lý do, hàng nhận không giống với quảng cáo, hàng kém chất lượng, không được người bán hàng hỗ trợ khi xảy ra tranh chấp… Đối với việc mua bán thông qua mạng xã hội (người bán là cá nhân trên Zalo hoặc Facebook), không có cơ sở giải quyết do không xác định được thông tin liên hệ (điện thoại, địa chỉ,…) của người bán.

Ham rẻ mua phải tai nghe 'nhái' Apple Airpods, mất tiền lại mua thêm bực (VietQ.vn) - Nhiều người hiện đang đổ xô đi mua tai nghe Airpods dù biết thừa chỉ là hàng nhái. Nhưng theo các chuyên gia công nghệ, người tiêu dùng nên cẩn thận khi mua

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, thời gian gần đây, tính chất phức tạp trong các tranh chấp mua bán hàng qua mạng ngày càng gia tăng. Do vậy, khi mua hàng, khách hàng nên sử dụng phương thức đồng kiểm. Phương thức này cho phép kiểm tra hàng trước khi nhận. Trường hợp hàng nhận được là hàng giả, kém chất lượng hoặc không giống với quảng cáo, người tiêu dùng có thể từ chối. Nếu không đồng kiểm thì người mua hàng nên quay, chụp lại hình ảnh sản phẩm để có căn cứ phản ánh, khiếu nại.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương) cho biết, những tháng đầu năm 2019, Bộ đã yêu cầu các sàn thương mại điện tử cả nước rà soát, gỡ bỏ hơn 3.750 sản phẩm vi phạm xuất xứ hàng hóa, hàng giả, hàng nhái của gần 600 gian hàng và website.

Còn theo Tổng cục Quản lý thị trường, các phương thức, thủ đoạn của đối tượng vi phạm kinh doanh thương mại điện tử ngày càng tinh vi, người mua khó phân định thật giả như: Không có kho hàng hay cửa hàng mà chỉ tiếp nhận đặt online; phân tán hàng hóa nhiều nơi, giao hàng với số lượng nhỏ lẻ; bán hàng qua cộng tác viên trung gian; hàng hóa không có hóa đơn chứng từ và yêu cầu khách đặt cọc, thanh toán qua trung gian, thậm chí khéo léo dụ dỗ khách thanh toán hết mới chuyển hàng... Các thủ đoạn này không mới nhưng vẫn dễ khiến khách hàng “sập bẫy” do mất cảnh giác.

Hành vi cố ý giới thiệu làm cho người mua hiểu sai lệch về hàng hóa bị phạt thế nào?

Đề cập vấn đề này, dưới góc độ pháp lý, luật sư Hoàng Kim Thoa, Công ty Luật TNHH MTV QTC cho biết trên báo Giao thông: Việc thành lập website bán hàng online sẽ thuộc hình thức tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ (Điều 2 của Thông tư 47/2014/TT-BTC khi thiết lập website thương mại điện tử để bán hàng).

Theo đó, thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập website thương mại điện tử bán hàng phải đăng ký tài khoản, cung cấp những thông tin như: Tên thương nhân, tổ chức, cá nhân; Số đăng ký kinh doanh của thương nhân hoặc số quyết định thành lập của tổ chức hoặc mã số thuế cá nhân của cá nhân; Lĩnh vực kinh doanh/hoạt động; Địa chỉ trụ sở của thương nhân, tổ chức hoặc địa chỉ thường trú của cá nhân; Các thông tin liên hệ…

Pháp luật dân sự hiện hành cũng đã có những quy định cụ thể về hành vi của người bán hàng, nếu người bán hàng có hành vi cố ý giới thiệu làm cho người mua hiểu sai lệch về hàng hóa, nhằm mục đích để người mua tin tưởng và chấp nhận mua hàng thì giao dịch dân sự giữa hai bên có thể bị vô hiệu theo quy định tại Điều 127 Bộ luật Dân sự 2015 về giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối. Theo quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015, khi giao dịch dân sự vô hiệu, các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Tùy tính chất, mức độ, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý hành chính theo Nghị định 167/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự. Theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Hình sự 2015 thì người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra. Trong trường hợp phạm tội gây thiệt hại về tinh thần, Tòa án buộc người phạm tội phải bồi thường về vật chất, công khai xin lỗi người bị hại.

Nghiêm trọng hơn nữa, nếu hành vi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có tính chất chuyên nghiệp, gây hậu quả lớn, có thể bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên, luật sư cũng cho rằng, việc xử phạt các hành vi vi phạm “trên không gian mạng” khó khăn hơn do nhiều tài khoản sử dụng tên, hình ảnh giả để giao dịch. Khi bị phát hiện, đối tượng lừa đảo có thể đóng tài khoản, gây khó khăn trong việc truy tìm dấu vết.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang