"Bật mí" lý do Thủ tướng Nhật Bản ghé thăm Việt Nam

author 13:53 16/01/2013

Thủ tướng Shinzo Abe nói rằng sau hai năm mới trở lại thăm Việt Nam, ông mong chờ chuyến đi này, diễn ra từ ngày 16 đến 17-1, để trực tiếp cảm nhận được sức sống, bầu nhiệt huyết và tận mắt chứng kiến sự thay đổi của Việt Nam

 Hôm nay (16/1), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chính thức thăm VN. VN cũng là quốc gia đầu tiên Thủ tướng Abe thăm chính thức kể từ khi nhậm chức vào cuối tháng 12- 2012. Dịp này Thủ tướng Abe đã dành cho báo giới cuộc trả lời phỏng vấn.

* Vì sao ngài lại lựa chọn ba nước Đông Nam Á trong chuyến công du đầu tiên?

- Hiện nay tình hình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang có những thay đổi lớn. Chúng ta cần nỗ lực nhiều hơn nữa để đảm bảo được sự hòa bình và phồn vinh của khu vực. Trong bối cảnh như vậy, các nước ASEAN đã đề ra mục tiêu đến năm 2015 xây dựng cộng đồng ASEAN và phát triển khu vực hơn nữa như một “liên minh kinh tế”. Cho đến nay và trong tương lai, Nhật Bản luôn coi trọng và đồng hành cùng các nước ASEAN. Đặc biệt, việc tôi quyết định thăm ba nước VN, Thái Lan và Indonesia, những nước đóng vai trò quan trọng là “trung tâm phát triển” của thế kỷ 21, nhằm tăng cường quan hệ với ba nước này để góp phần vào sự phát triển và ổn định của khu vực.
Thủ tướng Nhật Bản cùng phu nhân lên máy bang sang thăm Việt Nam (Ảnh: AFP)
 
Hơn nữa, năm nay là năm kỷ niệm 40 năm hợp tác hữu nghị Nhật - ASEAN. Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Nhật - ASEAN dự kiến được tổ chức tại Nhật Bản vào tháng 12-2013. Tôi mong rằng qua chuyến đi lần này, không chỉ quan hệ giữa Nhật Bản và ba nước Đông Nam Á, mà quan hệ hợp tác mang tính chiến lược với ASEAN cũng sẽ được nâng lên.
 
* Ngài có thể nói rõ hơn mục đích cũng như ý nghĩa của chuyến thăm VN lần này?
 
- VN là nước đầu tiên tôi đến thăm kể từ khi nhậm chức thủ tướng. Nhật Bản và VN có những mối quan tâm chung trong vấn đề của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cùng hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực kinh tế, đồng thời VN là một trong những nước có quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản.
 
Năm 2013 là “Năm hữu nghị Nhật - Việt” kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và VN. Thông qua chuyến thăm lần này, tôi tin rằng quan hệ hữu nghị giữa hai nước sẽ được tái khẳng định. Đặc biệt, đây là cơ hội để tạo ra một bước nhảy vọt trong quan hệ hợp tác giữa hai nước, đã và đang được phát triển toàn diện trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế đến văn hóa và giao lưu con người.
 
Tôi rất mong đợi cuộc gặp với những lãnh đạo cấp cao của VN như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - một người bạn cũ của tôi, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng bí thư Đảng Cộng sản VN Nguyễn Phú Trọng.
 
* Tháng 10-2006, ngài với tư cách là đương kim thủ tướng Nhật Bản cùng với Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng đã công bố Tuyên bố chung về việc xây dựng quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước Nhật Bản và VN. Ngài đánh giá thế nào về quan hệ giữa hai nước trên các lĩnh vực trong sáu năm qua?
 
- Quan hệ đối tác chiến lược Nhật - Việt đã phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực trong sáu năm qua. Sau khi đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang thăm Nhật Bản vào tháng 10-2006, tháng 11 năm đó tôi cũng đã sang thăm VN. Sau đó các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên được diễn ra.
 
Trên lĩnh vực kinh tế, mục tiêu “đến năm 2010 nâng tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước lên 15 tỉ USD” mà hai nước nhất trí đã đạt được sớm hơn hai năm so với dự kiến. Năm 2012, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng lên gần 25 tỉ USD. Đầu tư của Nhật Bản vào VN cũng tăng lên nhanh chóng. Năm 2012 Nhật Bản trở thành nước đầu tư lớn nhất vào VN.
công trình đại lộ Võ Văn Kiệt, TP.HCM được xây dựng từ nguồn vốn ODA của Nhật...
Công trình đại lộ Võ Văn Kiệt, TP.HCM được xây dựng từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản
 
Từ năm 2006 đến nay, Nhật Bản luôn là nước tài trợ lớn nhất cho VN. Bên cạnh những dự án lớn được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị như Khu công nghệ cao Láng - Hòa Lạc, đường cao tốc Bắc - Nam thì Nhật Bản cũng đã và đang tiến hành hợp tác kinh tế đối với nhiều dự án của VN trên nhiều lĩnh vực trong sáu năm qua.
 
Trên lĩnh vực văn hóa, sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước đang ngày càng sâu sắc hơn. Năm nay với tên gọi “Năm hữu nghị Nhật - Việt” dự kiến sẽ có nhiều chương trình giới thiệu về văn hóa của Nhật Bản và VN được tiến hành tại hai nước. Thông qua những cơ hội như thế này, tôi hi vọng sự giao lưu giữa nhân dân hai nước sẽ được thúc đẩy hơn nữa.
 
* Trong chuyến thăm VN lần này, ngài có muốn gửi thông điệp gì đến người dân VN?
 
- Đã hai năm trôi qua tôi mới lại sang thăm VN. VN với sức sống và bầu nhiệt huyết của mình đang có những bước phát triển to lớn so với thời điểm tôi sang thăm lần trước. Tôi rất mong chờ được sang VN để trực tiếp cảm nhận được bầu không khí và tận mắt chứng kiến sự biến đổi đó. Có thể nói Nhật Bản và VN bắt đầu gắn bó với nhau từ thế kỷ 16, 17. Hơn nữa, người Nhật Bản và người VN còn có nhiều điều tương đồng như văn hóa dùng đũa, gạo là lương thực chính và cùng theo đạo Phật. Sự hấp dẫn của VN đã làm mê hoặc rất nhiều du khách Nhật Bản. Gần đây giới doanh nghiệp Nhật Bản đang mở rộng một cách nhanh chóng đầu tư vào VN. Tôi được biết tại VN số lượng người đang học tiếng Nhật cũng như những người yêu thích phim hoạt hình Nhật Bản như phim Doraemon cũng đang tăng lên, đó thật sự là điều đáng mừng.
 
Trong bối cảnh như vậy, sự quan tâm lẫn nhau giữa hai nước Nhật Bản và VN đang ngày càng được nâng cao, quan hệ hữu nghị giữa hai nước đang ngày càng trở nên sâu sắc. Bản thân tôi cũng đã nhiều lần sang thăm VN và cảm thấy rất gần gũi với VN. Tôi thiết nghĩ cần mở rộng hơn nữa giao lưu giữa nhân dân hai nước và làm sôi động không khí của “Năm hữu nghị Nhật - Việt” trên nhiều cấp độ.
Ông Hồ Văn Niên (phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu):
 
“Sẵn sàng đón nhà đầu tư Nhật”
 
Việc tân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm VN là một tín hiệu rất vui, rất tốt cho VN nói chung và Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng. Bởi trước đây Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giao cho Bà Rịa - Vũng Tàu cùng với Hải Phòng xây dựng các trung tâm công nghiệp phụ trợ để thu hút các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản.
 
Trong hơn một năm qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức nhiều đợt xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản. Ngược lại cũng đã có 20 đoàn doanh nhân, doanh nghiệp Nhật Bản đến Bà Rịa - Vũng Tàu tìm hiểu môi trường đầu tư, bao gồm cả cơ sở hạ tầng và chính sách. Hiện Bà Rịa - Vũng Tàu đã và đang có cơ sở hạ tầng, chính sách, con người để phục vụ các nhà đầu tư Nhật Bản.
 
Cụ thể, tỉnh đã dành bốn khu công nghiệp (KCN) hiện có để đón các nhà đầu tư Nhật Bản gồm Phú Mỹ 3, Đại Dương, Tiến Hùng (huyện Tân Thành) và Đá Bạc (huyện Châu Đức). Ngoài bốn KCN trên, 14 KCN khác cũng sẵn sàng đón các nhà đầu tư Nhật Bản. Hơn nữa, nếu nhà đầu tư Nhật Bản chọn vị trí KCN đang quy hoạch thì tỉnh cũng sẵn sàng đáp ứng. Đáng chú ý, các KCN mới đầu tư tại Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ là mô hình “KCN đô thị”. Mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương cho phép bố trí khoảng 39ha trong tổng số 993ha của KCN Phú Mỹ 3 làm khu dịch vụ tiện ích như khu đô thị, khu nghiên cứu, khách sạn, bệnh viện, trường học, khu mua sắm, giải trí.
 
Ngoài việc đang ráo riết chuẩn bị hạ tầng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xúc tiến đào tạo giáo viên dạy tiếng Nhật, dạy công nhân tiếng Nhật và sẽ dạy ngoại ngữ là tiếng Nhật trong một số trường phổ thông. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang xây dựng quy trình cấp phép, cấp giấy chứng nhận đầu tư thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư Nhật Bản.
 
* Ông Masahiro Nishida (tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM):
 
Môi trường đầu tư đã cải thiện rất nhiều
 
Thời gian gần đây, ngày càng nhiều doanh nghiệp Nhật đến VN đầu tư, xây dựng nhà máy sản xuất... Đặc biệt, đầu tư của Nhật giờ đây không chỉ dừng ở lĩnh vực công nghiệp mà mở rộng sang lĩnh vực dịch vụ. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng cho thấy môi trường đầu tư của VN đang có những bước tiến bộ trên nhiều mặt.
 
Từ sự tăng trưởng nhanh của dòng vốn đầu tư Nhật vào VN, tôi cho rằng các doanh nghiệp VN nên tranh thủ cơ hội để tham gia chuỗi cung ứng của hàng hóa Nhật. Tuy nhiên, các doanh nghiệp VN cần nâng cao chất lượng hoạt động để có thể đáp ứng các kỹ năng tiêu chuẩn mà doanh nghiệp Nhật đòi hỏi.
 
Điều chúng tôi mong muốn thời gian tới đó là tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là vấn đề cúp điện, đường sá và cầu cảng.

Theo TTO

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang