Buôn bán khẩu trang y tế kém chất lượng: Xử nghiêm hành vi ‘thừa nước đục thả câu’

author 09:20 21/08/2020

(VietQ.vn) - Trong khi cả nước đang gồng mình chống dịch Covid-19, thì vẫn có rất nhiều cá nhân, cơ sở lợi dụng dịch bệnh để buôn bán khẩu trang y tế, găng tay… không đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, làm tăng nguy cơ lây nhiễm với người dùng và làm cho nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh của Nhà nước trở nên khó khăn hơn.

Lợi dụng dịch bệnh “thừa nước đục thả câu”

Thời gian gần đây, lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện các cơ sở có hành vi làm giả khẩu trang y tế. Việc lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 để sản xuất khẩu trang y tế giả trục lợi là một hành vi đáng bị lên án. Bởi, ngoài việc xâm phạm quyền và lợi ích của người tiêu dùng thì việc sản xuất khẩu trang y tế giả, không đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm đối với người dùng và làm cho nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh của Nhà nước trở lên khó khăn hơn.

Đơn cử, ngày 1/8, Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường (QLTT) và Cục QLTT tỉnh Hòa Bình phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an tổ chức kiểm tra, phát hiện hàng ngàn chiếc khẩu trang y tế không rõ nguồn gốc xuất xứ tại Công ty cổ phần Tư vấn và đầu tư xây dựng BM (gọi tắt là Công ty BM, do bà Nguyễn Thị Hoa làm giám đốc, địa chỉ tại Khu công nghiệp Lương Sơn, Hòa Bình). Đồng thời, cơ quan chức năng còn phát hiện hàng ngàn cái găng tay cao su đã qua sử dụng, Công ty BM chưa cung cấp được hóa đơn, chứng từ về số hàng này. Được biết, Công ty BM vừa mới thành lập, bắt đầu sản xuất từ tháng 4-2020, thời điểm dịch bệnh bắt đầu bùng phát mạnh mẽ.

Một trong số nhiều vụ vi phạm về khẩu trang y tế được lực lượng chức năng phát hiện và tạm giữ. 

Tiếp đó, ngày 3/8, Đội QLTT số 26, Cục QLTT Hà Nội đã triệt phá 1 cơ sở sản xuất khẩu trang không đạt tiêu chuẩn chất lượng tại 1 công ty may tại quận Hà Đông, Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng phát hiện 200 thùng khẩu trang không đạt tiêu chuẩn chất lượng, tương đương với 500.000 chiếc khẩu trang đang nằm trong kho chờ xuất ra thị trường. Theo lời khai của chủ hàng, xưởng này trước đây để sản xuất may mặc. Do tình hình dịch Covid-19 tăng cao, nên xưởng đã tạm quay sang sản xuất khẩu trang để tung ra thị trường bán kiếm lời. Công đoạn sản xuất tuy đủ 4 lớp nhưng lớp vải kháng khuẩn quan trọng nhất để ngăn ngừa vi khuẩn lại không có.

Hay ngày 17/8 vừa qua, Đội QLTT số 2, Cục QLTT TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với Cục Nghiệp vụ QLTT tiến hành kiểm tra tại 5 cơ sở sản xuất, kinh doanh và chứa trữ hàng hóa là khẩu trang, găng tay có nhiều dấu hiệu vi phạm. Cụ thể, lực lượng chức năng phát hiện 1.065.640 chiếc găng tay; 3.254.750 chiếc khẩu trang, 1.214 kg nẹp nhựa, dây thun, vải không dệt; 4.560 chiếc vỏ thùng carton, vỏ hộp có dấu hiệu vi phạm về nhãn hàng hóa, và chất lượng sản phẩm. Và còn nhiều vụ vi phạm liên quan đến khẩu trang y tế, găng tay, thiết bị bảo hộ y tế được lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện thời gian gần đây, gây bức xúc trong dư luận…

Xử lý thật mạnh tay

Trước tình hình trên, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý thông tin báo nêu việc sản xuất, vận chuyển khẩu trang, găng tay không bảo đảm chất lượng, nguồn gốc. Văn bản nêu rõ, trước phản ánh của một số cơ quan thông tấn báo chí nêu nhiều vụ việc sản xuất, tập kết, vận chuyển số lượng lớn găng tay, khẩu trang không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc đã bị các lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện, bắt giữ; nếu số khẩu trang, găng tay này được đưa ra thị trường tiêu thụ có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng và việc phòng chống dịch bệnh.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong tháng 9/2020.

Còn dưới góc độ pháp lý, Luật sư Phạm Thị Thu, Công ty Luật số 1 Hà Nội phân tích, theo Nghị định 36/2016/NĐ-CP của Chính Phủ, việc sản xuất, kinh doanh khẩu trang y tế (trong ngành y tế gọi là “khẩu trang phẫu thuật”) không tuân theo các điều kiện về sản xuất có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

Đối với hành vi này, tùy theo tính chất mức độ, động cơ và giá trị trục lợi có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP thì mức phạt tiền đối với hành vi sản xuất hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng. Ngoài ra, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như: Tịch thu tang vật vi phạm; Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc và vật khác được sử dụng để sản xuất hàng giả; Buộc tiêu hủy tang vật đối với hành vi vi phạm; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; Buộc thu hồi tiêu hủy hàng giả đang lưu thông trên thị trường.

Trong trường hợp cơ quan chức năng có thẩm quyền xác định có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì đề nghị khởi tố để điều tra xử lý hình sự theo quy định tại Điều 192 Bộ luật hình sự hiện hành về “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả” và người phạm tội phải đối diện với khung hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc  tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Luật sư Đỗ Minh Hiển, Đoàn luật sư Hà Nộị cho rằng, mặc dù phát hiện nhiều cơ sở sản xuất khẩu trang không đủ tiêu chuẩn với số lượng thu giữ lớn nhưng hầu hết các vụ việc mới chỉ bị xử phạt hành chính mà chưa bị khởi tố hình sự theo quy định tại Điều 192 BLHS năm 2015, sửa đổi 2017.

Khuyến cáo loại khẩu trang không nên dùng vì không ngăn được Covid-19(VietQ.vn) - PGS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết các bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã tóm tắt về khuyến cáo sử dụng khẩu trang, tấm chắn giọt bắn của CDC Hoa Kỳ.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang