Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thách thức các nền kinh tế

author 14:39 25/07/2017

(VietQ.vn) - Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng 4.0) tạo ra những thay đổi sâu sắc chưa từng có trong lịch sử nhân loại, đang đòi hỏi mỗi quốc gia phải tư duy lại con đường và động lực phát triển của mình.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với quản trị Nhà nước

Theo PGS.TS. Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia. Những tiến bộ công nghệ vượt bậc của cuộc cách mạng lần thứ tư này đã tạo ra những thay đổi sâu sắc chưa từng có trong lịch sử nhân loại, đang đòi hỏi mỗi quốc gia phải tư duy lại con đường và động lực phát triển của mình.

Trong bối cảnh đó, quản trị quốc gia cần phải thay đổi, thích ứng, dự đoán được thách thức để ứng phó, đồng thời, tích cực, chủ động đón nhận cơ hội, vận hội để cơ hội phát triển không bị bỏ qua và quốc gia không nằm ngoài hành trình phát triển.

"Quản trị quốc gia phải hướng đến mục tiêu xây dựng thành công Chính phủ kiến tạo, liêm chính, chuyên nghiệp, phát triển phục vụ nhân dân, doanh nghiệp. Trong đó nhiệm vụ chủ yếu là phải tạo lập được thể chế cho phát triển bền vững, cải thiện và nâng cao sức cạnh tranh, hấp dẫn của môi trường kinh doanh, khuyến khích sáng tạo, huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội và quốc gia đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao, phát huy tinh thần khởi nghiệp, tạo động lực mới và xung lực mới cho phát triển theo hướng phát bền vững nhằm đạt được mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh”" - PGS.TS. Triệu Văn Cường chia sẻ.

 Các chuyên gia cho rằng cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ thách thức các quốc gia trong quá trình phát triển

Việt Nam là một trong ít những quốc gia trên thế giới nhận thức sớm về những thách thức, cơ hội và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến con đường phát triển trong tương lai của quốc gia. Chính vì vậy, ngày 04/5/2017, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó khẳng định, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là xu hướng phát triển dựa trên nền tảng số hóa và kết nối, có quy mô tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, làm thay đổi phương thức và lực lượng sản xuất trong tương lai. Có thể mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đồng thời cũng đem đến thách thức đối với quá trình phát triển.

Để cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thực sự tạo ra động lực cho sự phát triển, quản trị nhà nước có vai trò đặc biệt quan trọng với vị trí trung tâm kết nối các nỗ lực đổi mới, sáng tạo và là chủ thể giải quyết những thách thức mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang đến.

Đối với quản trị nhà nước ở nước ta, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem đến những cơ hội và đặt ra những thách thức to lớn trong việc xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và phát triển phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp. Đó là cơ hội để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, minh bạch hóa, thông minh hơn, sáng tạo hơn, năng động hơn để thích ứng. Tuy nhiên, cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đặt ra những thách thức mà quản trị nhà nước cần phải đối mặt và vượt qua.

Chia sẻ về vấn đề này, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn – Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, quản trị là yếu tố quan trọng đối với sự phát triển của một quốc gia. Tuy vậy, các nỗ lực cải cách, thiết lập một nền quản trị tốt với các giá trị như: minh bạch, trách nhiệm giải trình, sự tham gia của người dân... luôn gặp nhiều trở ngại và tiến triển chậm, đặc biệt ở những nền kinh tế đi sau.

Những đột phá công nghệ gần đây, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), đang mở ra một con đường rút ngắn, vượt qua giới hạn của những sáng kiến phi công nghệ, để các nước đi sau nhanh chóng cải thiện nền quản trị quốc gia của mình với những mô hình mới như: quản trị điện tử, quản trị số và quản trị thông minh. Đây cũng là cơ hội cho Việt Nam từng bước kiến tạo một môi trường quản trị quốc gia phù hợp và hiện đại, giúp các nỗ lực cải cách thể chế kinh tế có thể tiến xa hơn, bắt kịp với chuẩn mực thế giới.

Xây dựng nền quản trị trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Theo GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã khiến cho công nghệ và quản trị có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và trở thành hai yếu tố quan trọng đối với sự phát triển của mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần chú ý đến hai nhóm giải pháp cơ bản như là nâng cấp nền tảng công nghệ quốc gia, đẩy mạnh nỗ lực thiết lập các mô hình quản trị hiện đại và xây dựng môi trường quản trị kiến tạo phát triển.

GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn – Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, quản trị là yếu tố quan trọng đối với sự phát triển của một quốc gia

Đồng quan điểm trên, PGS. TS. Lưu Kiếm Thanh, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng cần xây dựng Chính phủ hành động, kiến tạo. Chính phủ hành động là hình ảnh năng động của một chính phủ hiệu lực và hiệu quả, hành động vì mục tiêu phát triển, kiến tạo phát triển, tạo ra động lực, xung lực cho phát triển, phục vụ nhân dân, phục vụ cộng đồng doanh nghiệp.

Trong xu thế phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cần triển khai mạnh mẽ xây dựng cơ chế, chính sách mới để thúc đẩy ứng dụng Công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử phù hợp với xu thế cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

"Với yêu cầu nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của cơ quan nhà nước phải có tính chất cách mạng. Việc này đòi hỏi cơ quan nhà nước phải cung cấp những dịch vụ cá nhân hóa, không phụ thuộc thời gian, không gian và nguồn dữ liệu, có thể đáp ứng yêu cầu của công dân một cách tức thời; phải cung cấp các dịch vụ mới sử dụng dữ liệu theo thời gian thực, ví dụ như phòng chống thảm họa, y tế thông minh, giao thông thông minh… Đồng thời, cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn đòi hỏi cơ quan nhà nước phải cung cấp dịch vụ mới trên nền tảng mở, tích hợp, chia sẻ dữ liệu chung giữa nhà nước và khu vực tư" - PGS. TS. Lưu Kiếm Thanh, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia chia sẻ.

Cần có những bước đi tích cực thực hiện chính sách mà Bộ Thông tin và Truyền thông định hướng cho các doanh nghiệp viễn thông và công nghệ thông tin, để tiến tới dịch chuyển dần sang các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn; thúc đẩy sự phát triển của hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông băng rộng, đảm bảo chất lượng, an toàn, bảo mật, sẵn sàng cho việc kết nối các thiết bị IoT trong hoạt động sản xuất kinh doanh; phát triển một số sản phẩm trọng điểm về công nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông. Xây dựng nền tảng các trung tâm dữ liệu lớn, hạ tầng IP, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo… và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi mặt của đời sống.

Những nhiệm vụ được đặt ra có thể là: Xây dựng và thực hiện cơ chế công vụ mới; Nâng cao chất lượng và khả năng tiếp cận của dịch vụ công và định hướng xây dựng nền hành chính phục vụ (công dân là “khách hàng – thượng đế” của nền công vụ; Đảm bảo uy thế (Vị thế và uy tín) của nền công vụ; hình thành và thực hiện các giá trị nhân văn, đạo đức công vụ; Kết quả là phải xây dựng được nền công vụ hiện đại có tính chuyên nghiệp hoá cao định hướng cung cấp dịch vụ công hiệu quả và chất lượng đáp ứng những yêu cầu bức thiết của sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

"Nếu cơ quan Nhà nước chậm đổi mới, vẫn thủ tục lạc hậu, giấy tờ rườm rà, sách nhiễu, sẽ trở thành rào cản cho đầu tư và phát triển. Vì vậy cán bộ công chức, viên chức các cấp, nhất là những người đứng đầu ở các sở, ngành, địa phương, cũng như phải thay đổi nhận thức từ cơ chế nền hành chính “mệnh lệnh”, “xin-cho” sang nền hành chính “phục vụ”; coi người dân và doanh nghiệp thực sự là “đối tác”, “khách hàng” trong cung cấp dịch vụ công" - PGS. TS. Lưu Kiếm Thanh nhấn mạnh.

 Huy Hùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang