Chính phủ đồng ý với cơ chế đãi ngộ đặc biệt cho Viện V-KIST

author 16:57 28/08/2014

(VietQ.vn) - Thủ tướng đồng ý về chủ trương, giao Bộ KH&CN trình duyệt theo thẩm quyền, theo các quy định của pháp luật về cơ chế đặc biệt cho Viện V-KIST.

Trong ngày 27 và 28/8/2014, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2014.

Tin tức tại phiên họp, Chính phủ đã nghe, thảo luận về Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng, dự báo tình hình 9 tháng, cả năm 2014 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015.

Theo đó, Chính phủ thống nhất đánh giá trong những tháng đầu năm 2014, mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức nhưng với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp của nhân dân cả nước, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; nền tảng kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định vững chắc. Dựa trên tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng và dự báo thực hiện cả năm, trong 14 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra cho năm 2014, dự kiến có 12 chỉ tiêu đạt và vượt; trong đó tăng trưởng GDP  đạt 5,8%; chỉ số giá tiêu dùng khoảng 5%.

Tạo cơ chế đặc biệt cho Viện V-KIST để thúc đẩy KH&CN nước nhà phát triển

Tạo cơ chế đặc biệt cho Viện V-KIST để thúc đẩy KH&CN nước nhà phát triển

Cũng tại Phiên họp này, Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến về một số Đề án, Báo cáo quan trọng.

Về Dự thảo Đề án Thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2014-2017 đối với 4 trường Đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chính phủ nhất trí ban hành Nghị quyết về Đề án này, theo đó, ngoài chức năng, nhiệm vụ và các quyền tự chủ của nhà trường theo quy định của pháp luật hiện hành, nhà trường được mở rộng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về 3 lĩnh vực (thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học; tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính). Các trường khác đáp ứng đủ điều kiện, muốn thực hiện tự chủ thì cần có đề án phù hợp trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh chủ trương giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường Đại học đã được thể hiện trong các văn bản, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, trong Luật Giáo dục Đại học. Việc thực hiện thí điểm tự chủ với 4 trường Đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Đại học Ngoại Thương và Đại học Hà Nội)  thu được kết quả tốt, làm cơ sở để tăng thêm quyền tự chủ cho các trường.

Thủ tướng nhấn mạnh, “Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm không có nghĩa là không có quản lý nhà nước. Để được tự chủ thì phải có đề án trình cơ quan chức năng phê duyệt với các tiêu chí, điều kiện cụ thể, có sự kiểm tra, giám sát, thanh tra. Đây chính là khung quản lý đối với các trường”. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng cho biết Nhà nước có chính sách hỗ trợ học phí cho các đối tượng sinh viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách, vùng sâu, vùng xa, người nghèo, cận nghèo. Thủ tướng cũng lưu ý việc tổ chức hội đồng trường để tăng cường hiệu quả quản lý, chất lượng hoạt động các trường được giao tự chủ.

Về Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng, Chính phủ nhất trí thông qua, giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu các ý kiến thành viên Chính phủ để hoàn thiện Đề án, thừa uỷ quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý đề án phải làm rõ những điểm then chốt, nhất là những điểm mang tính nguyên tắc, những nội dung đổi mới, nhiệm vụ giải pháp, kinh phí.

Theo dự thảo đề án, hệ thống giáo dục phổ thông trước mắt vẫn giữ nguyên 12 năm đã nêu trong Nghị quyết 29/NQ-TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Dự thảo đưa ra 2 phương án về xây dựng sách giáo khoa, theo đó, phương án 1 là Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp biên soạn bộ sách giáo khoa mẫu, sau đó huy động các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn thêm nhiều bộ sách; phương án 2 là Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ thẩm định chất lượng các bộ sách giáo khoa được tổ chức, cá nhân biên soạn. Ý kiến các các thành viên Chính phủ nhất trí cao với phương án 1.

Về Báo cáo tóm tắt kết quả công tác ứng dụng công nghệ thông tin năm 2013 của các cơ quan Nhà nước do Bộ Thông tin và Truyền thông trình, Thủ tướng nhấn mạnh, công nghệ thông tin là phương tiện vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, vừa phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. “Mục đích báo cáo để các Bộ, ngành, địa phương biết mình đang đứng ở đâu để cố gắng hơn”, Thủ tướng nêu rõ và yêu cầu cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành.

Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông đã xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các Bộ, ngành, địa phương, theo đó, có 11 Bộ, ngành xếp mức khá, 8 trung bình; 3 địa phương xếp mức tốt, 8 địa phương khá và 51 địa phương xếp mức trung bình.

Về báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ về cơ chế, chính sách đặc biệt đối với Viện Khoa học công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (V-KIST), Thủ tướng đồng ý về chủ trương, giao Bộ Khoa học và Công nghệ trình duyệt theo thẩm quyền, theo các quy định của pháp luật.

Về đề xuất của Bộ Khoa học và Công nghiệp lùi hiệu lực Thông tư 20/2014/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng có hiệu lực từ ngày 1/9/2014 có nhiều quy định không khả thi, Thủ tướng Chính phủ nhất trí tạm dừng thực hiện Thông tư 20 để nghiên cứu, tiếp thu thêm các ý kiến. “Phải đặt mình vào vị trí người dân, doanh nghiệp, quy định phải phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi” - Thủ tướng lưu ý.

Mai Thi

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang