Chọn nhà thầu Trung Quốc xây sân bay Long Thành: Nên hay không nên?

author 19:41 29/08/2017

(VietQ.vn) - Dù rất lâu nữa mới đến thời gian thi công sân bay Long Thành nhưng Geleximco đề xuất hợp tác với một doanh nghiệp Trung Quốc cùng xây dựng công trình này đang gây nhiều ý kiến trái chiều.

Theo thông tin trên báo Tri thức trực tuyếnTập đoàn Geleximco đã có kiến nghị Thủ tướng, Bộ GTVT về việc hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng sân bay Long Thành trong 3 đến 5 năm theo hình thức đối tác công tư.

Chiều 25/8, trao đổi với Tri thức trực tuyến, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Geleximco cho biết đã gửi văn bản kiến nghị lên Thủ tướng và Bộ GTVT từ năm 2016. Đến ngày 31/5 vừa qua, doanh nghiệp này một lần nữa gửi lại kiến nghị .

"Tôi được biết hiện tại bản kiến nghị đã được Bộ GTVT nghiên cứu, xem xét. Sân bay Long Thành là dự án rất nhiều nhà đầu tư muốn thực hiện. Chúng tôi đang chờ thông tin từ Bộ GTVT", ông Tiền nói.

Theo lãnh đạo tập đoàn, Geleximco có mối quan hệ đối tác với nhiều doanh nghiệp lớn của Trung Quốc. Điển hình là Tập đoàn năng lượng KAIDI Dương Quang (Trung Quốc). KAIDI Dương Quang là tập đoàn có kinh nghiệm trong việc đầu tư xây dựng các dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.

Phương án xây dựng sân bay Long Thành. Ảnh: Tiến Tuấn/Tri thức trực tuyến

 Phương án xây dựng sân bay Long Thành. Ảnh: Tiến Tuấn/Tri thức trực tuyến

Báo Thanh niên đưa tin, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho hay hiện dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành mới ở giai đoạn chọn tư vấn lập F/S, chưa đến giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư. Nhà đầu tư nào quan tâm tham gia đầu tư xây dựng sân bay Long Thành đều có thể gửi đề xuất, nhưng chỉ sau khi báo cáo F/S được thông qua, khi đó dự án mới có những yếu tố cụ thể về nguồn vốn cũng như xem xét lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP.

Hiện còn quá sớm để nói về việc lựa chọn liên danh giữa doanh nghiệp trong nước và Trung Quốc tham gia xây dựng sân bay Long Thành, tất cả mới chỉ là đề xuất của phía doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại và cho rằng cần thận trọng khi lựa chọn nhà đầu tư xây dựng sân bay Long Thành.

Một trong những dự án tai tiếng nhất liên quan đến nhà đầu tư Trung Quốc là đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông do Công ty hữu hạn Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc làm tổng thầu EPC. Được khởi công tháng 10/2011, dự định hoàn thành vào tháng 11/2013, nhưng dự án đã phải nhiều lần giãn tiến độ, dự kiến quý 2/2018 mới có thể khai thác thương mại. Tới thời điểm này, dự án vẫn rất ì ạch bởi sau gần 1 năm vẫn chưa thể giải ngân thêm nguồn vốn vay bổ sung, dù đã đội vốn từ 552,86 triệu USD ban đầu lên 868,04 triệu USD.

Theo thông tin trên báo Lao Động, vào năm 2001, dù mức kinh phí được khống chế là 67 triệu USD nhưng chúng ta đã bỏ qua những nhà thầu từng xây SVĐ State de Fcance với giá bỏ thầu cũng chỉ 57 triệu USD (Philipp Holzmann) để chọn nhà thầu Trung Quốc HISG, vốn chưa từng có kinh nghiệm xây dựng các công trình lớn.

Nguyên do chỉ vì HISG bỏ thầu 53 triệu USD - giá thấp nhất trong số các tập đoàn tham gia đấu thầu. Và SVĐ Mỹ Đình sau đó hằng năm phải chi phí hàng tỉ đồng để sửa chữa. Đến độ hồi sửa đường chạy phục vụ SEA Games, Giám đốc sân cho biết, phải cần 40 tỉ đồng để cải tạo toàn bộ đường chạy theo tiêu chuẩn Việt Nam, còn nếu muốn đạt chuẩn quốc tế, phải chi tới 70 tỉ đồng.

Tiền nợ xấu 600 nghìn tỷ có thể xây được 3 sân bay Long Thành(VietQ.vn) - Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Văn Thắng cho biết, con số nợ xấu lên tới 600 nghìn tỷ đồng có thể xây 3 sân bay Long Thành.

Ham rẻ, cho nên các thiết bị bị đánh tráo trắng trợn. Kết luận thanh tra thời điểm tháng 3.2004 cho thấy: 94% các thiết bị sử dụng xây SVĐ (tức là 17/18 triệu USD tiền thiết bị) không đúng với hợp đồng”!

Năm ngoái, khi kể lại chuyện SVĐ Mỹ Đình, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban TDTT Hà Quang Dự vẫn tiếc nuối: “Nếu chúng ta chọn nhà thầu Âu - Mỹ, chắc chắn chất lượng SVĐ Mỹ Đình sẽ tốt hơn thế này, thiết kế cũng đẹp hơn. Hằng năm không phải bỏ ra hàng tỉ đồng để sửa sân như suốt những năm qua”!

Chúng ta không đánh đồng các nhà thầu Trung Quốc, nhưng cũng không thể bàng quan với những cái bẫy giá rẻ bởi nhìn lại bài học SVĐ Mỹ Đình và  Cát Linh - Hà Đông vẫn còn đó. Mức đầu tư đã đội vốn 100% rồi. Hãy nhìn sang đường ống nước Sông Đà, cách đây 2 tháng lại vừa gặp sự cố, số lần vỡ, gặp sự cố mà nói ra chắc không ai tin nổi - 21 lần cả thảy.

Ánh Nguyệt (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang