Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Đón vận hội mới

author 08:31 19/02/2015

Trên thềm xuân Ất Mùi, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chia sẻ với Tiền Phong: Đất nước đang bước sang một mùa xuân mới với nhiều vận hội mới, hội nhập sâu rộng với thế giới. Bạn đã mở cửa, chúng ta cũng tích cực mở cửa đón luồng gió mới vào nhà mình.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chia sẻ:

Mặc dù năm 2014 đất nước có nhiều khó khăn, nhưng với sự quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, chúng ta vẫn vượt qua. Trong bối cảnh khu vực, thế giới có những diễn biến phức tạp, chúng ta phải đối mặt với nhiều thử thách mới, nhưng lòng dân vẫn vững tin vào Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ của bè bạn quốc tế đối với chúng ta tiếp tục được củng cố. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thật sự nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, yếu kém, sớm khắc phục để đưa đất nước phát triển mạnh mẽ hơn trong năm mới.

Tiền Phong: Thưa Chủ tịch, năm qua chúng ta đã phải đấu tranh rất kiên quyết, khôn khéo để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng, nhất là thời điểm Trung Quốc đưa trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế nước ta. Chủ tịch có nhận xét gì về sự ủng hộ to lớn của bạn bè quốc tế đối với nhân dân ta?

Chủ tịch Trương Tấn Sang: Dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình, muốn hòa hiếu với tất cả các nước, trước hết là các nước láng giềng để cùng sống trong môi trường hòa bình, hữu nghị. Chúng ta giương cao ngọn cờ hòa bình, độc lập dân tộc, hữu nghị, hợp tác với các nước trên thế giới trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, đôi bên cùng có lợi, nên bạn bè quốc tế hết lòng ủng hộ và hợp tác với ta.

Nhớ lại các cuộc kháng chiến trước đây, Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ to lớn của bạn bè thế giới, với biết bao hình ảnh đẹp, sự hy sinh cao cả vì Việt Nam, trong đó có những người tự thiêu, phản đối cuộc chiến phi nghĩa do chính phủ nước họ gây ra để ủng hộ Việt Nam.

Tôi nghĩ rằng, phong trào ủng hộ các dân tộc bị áp bức là lương tri của thời đại. Ngày nay, khi thế giới có dân tộc nào bị áp bức, nhất định nhân loại tiến bộ sẽ lên tiếng ủng hộ. Bạn bè không chỉ ủng hộ mà còn đánh giá cao hành động ứng xử của chúng ta. Đây là một trong những cơ sở quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để chúng ta giữ vững quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao uy tín của nước ta trên thế giới.

Tiền Phong: Thưa Chủ tịch, sự kiện này cũng đã làm dấy lên làn sóng yêu nước mạnh mẽ của đồng bào ta ở trong và ngoài nước?

Chủ tịch Trương Tấn Sang: Lòng yêu nước chính là một biểu hiện sâu sắc nhất của lòng dân, thời nào cũng vậy. Độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là thiêng liêng, bất khả xâm phạm.

Thế hệ trẻ phải rèn đức, rèn tài, nâng cao tính cộng đồng, bởi một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao. Tôi tin thế hệ trẻ có nhiều người tài, có thể đóng góp sức mình nhiều hơn để giúp dân, giúp nước, xây dựng đất nước phồn vinh. 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

Dân tộc ta muốn được sống trong hòa bình, nhưng khi Tổ quốc lâm nguy, nhân dân ta phải đoàn kết một lòng, bảo vệ chủ quyền đất nước mình. Đó là truyền thống Việt Nam. Trải mấy nghìn năm lịch sử, từ thuở các Vua Hùng dựng nước đến các triều đại Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần đã thể hiện điều đó. Lòng yêu nước của nhân dân ta không ngừng được hun đúc, trở thành một truyền thống cực kỳ quý báu.

Để giữ vững độc lập, chủ quyền đất nước, chúng ta phải có đường lối đối nội, đối ngoại đúng đắn, xây dựng đất nước ta giàu mạnh, phát huy đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững chắc.

Tiền Phong: Thưa Chủ tịch, mùa xuân này đất nước đã trải qua gần 30 năm đổi mới với nhiều thành tựu đáng tự hào, nhìn lại chặng đường đã qua, Chủ tịch có đánh giá gì?

Chủ tịch Trương Tấn Sang: Phải khẳng định sau gần 30 năm đổi mới kể từ Đại hội Đảng VI năm 1986, đất nước đã có những bước phát triển vượt bậc. Từ một nước nghèo, một bộ phận nhân dân bị thiếu đói, chúng ta đã vươn lên thoát nghèo, đi vào giai đoạn đầu của nước có mức thu nhập trung bình. Đời sống nhân dân có bước cải thiện rõ rệt, vị trí nước ta được nâng cao trên trường quốc tế.

Để tiếp tục đạt được những thành tựu mới, chúng ta phải tiếp tục đổi mới, đổi mới toàn diện. Đồng thời phải thường xuyên và kiên quyết sửa chữa khuyết điểm, không chủ quan, thỏa mãn.

Bác Hồ căn dặn, điều gì có lợi cho dân, cho nước thì phải hết sức làm, điều gì có hại cho dân, cho nước thì phải hết sức tránh. Phải tạo điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp làm ăn, nếu còn gì cản trở, phải tiếp tục khơi thông, để nội lực phải được phát huy mạnh mẽ có ý nghĩa quyết định, tranh thủ ngoại lực là rất quan trọng. Mục tiêu là Việt Nam giàu mạnh, là nước công nghiệp, thực hiện thành công công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trước hết là theo kịp các nước tiên tiến trong ASEAN.

Hội nhập sâu rộng với thế giới, bạn đã và đang mở cửa, chúng ta cũng mở cửa, tích cực chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để chủ động đón luồng gió mới vào nhà mình một cách thắng lợi. Phải chống lại sự tụt hậu kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Tiền Phong: Thưa Chủ tịch, năm nay chúng ta kỷ niệm 85 năm thành lập Đảng, 70 năm thành lập nước, 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà và tiến hành Đại hội Đảng các cấp. Theo Chủ tịch, phải làm gì để Đại hội Đảng các cấp, những ngày kỷ niệm có ý nghĩa?

Chủ tịch Trương Tấn Sang: Tôi nhớ hồi đầu đổi mới, dù đất nước còn nghèo, nhân dân ta còn rất khó khăn, nhiều nơi thiếu đói, nhưng lúc ấy không khí đổi mới hừng hực, nhân dân phấn khởi, hồ hởi tin tưởng, dốc sức dốc lòng vào sự nghiệp đổi mới. Lúc ấy tiêu cực, tham nhũng rất ít. Còn bây giờ thì tình hình kinh tế đã khá lên rất nhiều so với lúc trước, nhưng lại có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái, là lỗi của chúng ta, khiến lòng dân có nhiều trăn trở, lo lắng, không yên.

Phải dồn sức và cố gắng để kinh tế, đất nước phát triển mạnh mẽ hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn, vững chắc hơn, giành thắng lợi trong hội nhập; đời sống nhân dân được cải thiện hơn nữa; giữ vững quốc phòng, an ninh; giữ vững chủ quyền đất nước; tình hình tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải giảm hẳn đi; không còn “một bộ phận không nhỏ suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống”; xây dựng thế trận lòng dân vững chắc. Đó là một trong những công việc quan trọng phải làm để kỷ niệm có ý nghĩa các ngày lễ trọng đại của đất nước và tiến tới Đại hội Đảng các cấp.

Tiền Phong: Thưa Chủ tịch, người xưa nói hiền tài là nguyên khí quốc gia. Vậy cần làm gì để trọng dụng được hiền tài, trong đó có người trẻ?

Chủ tịch Trương Tấn Sang: Thời nào cũng vậy, những nhân tố nổi trội, tài năng trước sau gì cũng đều được trọng dụng. Tôi không nghĩ bây giờ người thực tài không có chỗ đứng. Có thể còn có thiếu sót ở cơ quan này, cơ quan kia, nhưng cũng chỉ là cá biệt. Nhưng điều tôi cần phải nói, là cái tâm, cái đức con người. Cái tâm, cái đức của cán bộ khi rơi vào vị kỷ, vô cảm, thì thật là đáng sợ. Có người nói: một người Việt Nam thì rất giỏi nhưng vài người họp lại thì rất kém, tại sao vậy? Trên sân bóng, biết mình sút bóng sẽ không vào, nhưng không chịu phối hợp đồng đội, vì sợ mất thành tích, cứ sút thì sẽ bại mà vẫn làm. Chả lẽ không khắc phục được hay sao?

Thế hệ trẻ phải rèn đức, rèn tài, nâng cao tính cộng đồng, bởi một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao. Tôi tin thế hệ trẻ sẽ có nhiều người tài, có thể đóng góp sức mình nhiều hơn để giúp dân, giúp nước, xây dựng đất nước phồn vinh.

Tiền Phong: Thưa Chủ tịch,  nhân dịp đất nước bước sang năm mới, Chủ tịch có điều gì nhắn gửi gửi tới đồng bào, đồng chí và kiều bào ta?

Chủ tịch Trương Tấn Sang: Mỗi lần nhìn dòng người vào Lăng viếng Bác, chúng ta biết rằng lòng dân không suy giảm mà vẫn vẹn lòng tin yêu Đảng. Dân tin và kỳ vọng lớn vào Đảng, vào Nhà nước. Vậy thì Đảng và Nhà nước phải làm gì đền đáp, không phụ lòng dân. Bác Hồ của chúng ta, cả một đời chỉ có một ham muốn tột bậc, đó là “làm sao nước nhà được hoàn toàn độc lập”, “dân ta được hoàn toàn tự do”, “đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Bác nói, nước độc lập, dân phải được tự do, hạnh phúc, nếu không thì độc lập ấy cũng không có ý nghĩa gì. Tôi mong đồng bào, đồng chí, kiều bào ta ở nước ngoài, mỗi người hãy nguyện cố gắng làm nhiều điều ích nước, lợi nhà như Bác Hồ căn dặn. Cán bộ, đảng viên phải đoàn kết, trên dưới một lòng, nêu cao trách nhiệm, hết lòng hết sức góp phần xây dựng đất nước sánh vai với bạn bè thế giới như ước nguyện của Bác Hồ kính yêu.

Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch nước!

Theo Tiền phong


 

 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang