Sơ cứu đúng cách khi bị chó cắn

author 15:52 04/10/2015

(VietQ.vn) - Người bị chó cắn có thể bị nhiễm virus dại. Virus này có thể khiến bệnh nhân lên cơn dại dẫn đến tử vong nếu không xử lý đúng cách và kịp thời. Dưới đây là cách sơ cứu nhanh chóng và an toàn khi bị chó cắn.

Sự kiện: Mẹo vặt gia đình

Bị chó cắn là một tai nạn khá phổ biến, rất nguy hiểm. Đã có rất nhiều trường hợp người bị chó cắn đã tử vong do không được sơ cứu và điều trị phù hợp. Chính vì vậy việc biết cách sơ cứu và chữa chó cắn đóng một vai trò rất quan trọng, giúp nạn nhân giữ được bình tĩnh và chủ động xử lý hiệu quả.

Để tiến hành sơ cứu cho nạn nhân bị chó cắn, cần cách ly nạn nhân với con chó đã cắn. Điều này sẽ tránh được trường hợp theo thói quen quán tính nó sẽ cắn tiếp đối với nạn nhân và người sơ cứu. Đồng thời hãy đợi khi con chó cắn nạn nhân đã bớt hung dữ, sau đó tìm cách bắt nó nhốt lại. Theo dõi bởi tình trạng sức khỏe của con chó đã cắn để có cách điều trị đúng cách và kịp thời.

Các bước sơ cứu vết thương khi bị chó cắn

Sơ cứu chó cắn

Bước đầu tiên để chữa chó cắn là phải làm sạch vết thương dưới vòi nước

Đầu tiên, người bệnh cần làm sạch vết thương. Đây là bước đầu tiên và quan trọng nhất khi sơ cứu cho người bị chó cắn. Khi sơ cứu, nên dùng bông tiệt trùng để rửa nhẹ nhàng vết thương dưới vòi nước chảy cùng với xà phòng diệt khuẩn nhằm loại bỏ tất cả mầm bệnh, tuyệt đối không chà xát mạnh làm tổn thương nghiêm trọng hơn.

Sau khi làm sạch vết thương, nạn nhân hãy dùng bông lau khô vết thương, dùng cồn, nước muối pha loãng hoặc oxy già để sát trùng vết thương, loại bỏ vi khuẩn. Chỉ dùng một lượng vừa đủ cho lên vết thương.

Để cầm máu cho vết thương, hãy tìm mọi cách nâng cao vùng bị thương nếu có thể để tránh cho vết thương bị chảy máu quá nhiều, sau đó dùng băng sạch băng vết thương để cầm máu. Vết thương do chó cắn (không phân biệt chó nhà hay chó dại) cần được theo dõi cẩn thận tại cơ sở y tế ít nhất là 48 giờ. Do đó, cần đưa bệnh nhân đến trung tâm y tế gần nhất để được điều trị nhanh chóng nhất. Đồng thời, nạn nhân bị chó cắn cần được tiêm phòng uốn ván và tiêm phòng dại để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm khác. 

Nhận biết chó dại

Sơ cứu khi bị chó dại cắn

Người bị chó cắn nên cẩn thận xác định xem con chó đó có bị bệnh hay không để có cách chữa trị phù hợp

Chó bị bệnh dại thường rất hung dữ, nước dãi chảy nhiều. Giọng sủa của chó dại rất khàn. Nhiều con thường bị liệt hàm dưới, hoặc có các triệu chứng khác như liệt chi, liệt toàn thân và chết.

Nếu trường hợp vết cắn nhẹ, xảy ra ở chân, xa thần kinh trung ương và tại thời điểm bị chó cắn, con vật vẫn bình thường thì không cần tiêm vắc xin mà chỉ cần theo dõi chó trong vòng 10-15 ngày. Trong thời gian theo dõi, nếu thấy chó bỏ ăn, chết, mất tích hoặc bị bán mổ thịt thì phải tiêm vắc xin dại ngay. Nếu theo dõi sau 15 ngày, chó vẫn sống bình thường thì không cần tiêm vắc xin.

Ly Ly (T/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang