Chương trình giáo dục phổ thông mới thiếu vắng Khoa học về Kinh tế

author 06:07 06/08/2015

(VietQ.vn) - Chuyên gia nhận xét, chương trình giáo dục phổ thông mới công bố còn thiếu vắng khoa học kinh tế.

Theo PGS.TS Vũ Quang, nguyên Viện trưởng viện Khoa học Giáo dục, Bộ GD-ĐT, giáo dục phổ thông của các nước tiên tiến trên thế giới có 3 phần chính: Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và Khoa học kinh tế.

Nội dung chương trình mà Bộ GD-ĐT đưa ra thiếu vắng khoa học về kinh tế.

Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ áp dụng từ 2018
Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ áp dụng từ 2018

Theo thiết kế chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo dục phổ thông 12 năm, gồm hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm tiểu học 5 năm và cấp THCS 4 năm) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT 3 năm).

Các môn học ở cả 3 cấp học được chia thành môn học bắt buộc và môn học tự chọn. Các môn học tự chọn gồm 3 loại: Tự chọn tùy ý (học sinh có thể chọn hoặc không chọn – TC1); tự chọn trong nhóm môn học (học sinh buộc phải chọn một hoặc một số môn học trong nhóm môn học theo quy định trong Chương trình – TC2); tự chọn trong môn học (học sinh buộc phải chọn một số nọi dung trong một môn học – TC3).

Tỷ lệ môn học tự chọn hoặc nội dung học tự chọn tăng dần từ lớp dưới lên lớp trên.

Cụ thể, ở tiểu học, các môn bắt buộc gồm: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Thể dục, Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta (lớp 1, 2, 3), Tìm hiểu tự nhiên (lớp 4, 5), Tìm hiểu xã hội (lớp 4, 5).

Ngoài các môn bắt buộc, học sinh được tự chọn tùy ý: Ngoại ngữ 2, Tiếng dân tộc; tự chọn trong môn học gồm: Kỹ thuật – Tin học, Thể thao, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Ở THCS, học sinh phải học bắt buộc các môn: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Thể dục, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội.

Ngoài ra, học sinh được tự chọn tùy ý: Ngoại ngữ 2, Tiếng dân tộc, Nghiên cứu khoa học kĩ thuật (lớp 8, 9); tự chọn trong môn học, gồm: Công nghệ, Tin học, Thể thao, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Giai đoạn định hướng nghề nghiệp (cấp THPT) có 4 môn bắt buộc: Ngữ văn 1, Toán 1, Công dân với Tổ quốc, Ngoại ngữ 1. Đồng thời, được tự chọn các môn học (từ lớp 10) và chuyên đề học tập (từ lớp 11), trong đó có những chuyên đề riêng về hướng nghiệp. Cụ thể như sau:

Tự chọn tùy ý, gồm: Nghiên cứu khoa học kỹ thuật, Ngoại ngữ 2; Tự chọn trong nhóm môn học gồm 4 môn (lớp 10, 11) và 3 môn (lớp 12) trong các môn: Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn 2, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ, Toán 2, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội.

Nếu chọn môn Khoa học xã hội thì không chọn các môn: Lịch sử, Địa lý. Nếu chọn Khoa học tự nhiên thì không chọn các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học. Các môn Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên chỉ học ở lớp 10 và lớp 11.

Tự chọn trong môn học (TC3): Thể thao, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo (lớp 10, 11, 12) và Chuyên đề học tập (lớp 11, 12).

Bộ GD&ĐT cho biết: Trong cả cấp học THPT, học sinh có thể thay đổi môn học tự chọn và chuyên đề học tập tự chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp cá nhân, nhưng bắt buộc phải hoàn thành số lượng các môn học, chuyên đề học tập tối thiểu theo quy định trong Chương trình giáo dục. Chương trình dành một thời lượng nhất định để tạo điều kiện cho học sinh có thể thực hiện sự thay đổi này.

Nhà trường có thể mời giáo viên thỉnh giảng, gửi học sinh sang học ở trường lân cận, linh hoạt bố trí nhóm/lớp học sinh... để tăng khả năng đáp ứng nhu cầu học tự chọn cho học sinh.

Do đó, việc này có thể khác nhau giữa các trường, các địa phương. Đối với từng trường thì năm sau có thể khác năm trước vì nhà trường ngày càng phát triển thì càng tăng khả năng đáp ứng nhu cầu học tự chọn của học sinh.

Thanh Hải

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang