Chuyên gia nói về ‘điểm nghẽn’ trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

author 06:49 24/08/2019

(VietQ.vn) - Mặc dù cổ phần hóa DNNN là chủ trương đã xuyên suốt từ năm 1992 đến nay với những thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn không ít “điểm nghẽn” mà nếu không giải quyết triệt để, vấn đề này có lẽ còn “ùn tắc”…

Thời gian qua, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được xem là vấn đề ‘nóng’ của xã hội. Theo ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp (DN), mặc dù đã có nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để đẩy mạnh việc bán vốn nhà nước tại DN đã được trình lên Chính phủ. Tuy nhiên, việc thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn trong giai đoạn tới cần sự quyết liệt, tinh thần trách nhiệm cao của các cấp quản lý, tập đoàn, tổng công ty và địa phương. “Không chỉ lãnh đạo các DN và đại diện chủ sở hữu nhà nước của DN phải quyết tâm thực hiện, mà UBND các tỉnh, thành phố, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM cần sớm phê duyệt phương án sử dụng đất để các DN có cơ sở thực hiện nhanh, nghiêm túc”, ông Long nói.

Trước ý kiến cho rằng nhiều người “sợ mất chỗ” nên không dám quyết liệt cổ phần hóa, ông Long nhìn nhận, tâm lý này cũng dễ hiểu, bởi nhiều người dành cả một đời phấn đấu vì tổ chức, vì DN, nên có chính sách cụ thể, rõ ràng để khuyến khích họ nỗ lực thực hiện.

Cũng chia sẻ về vấn đề trên, ông Phạm Đức Trung, Trưởng Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển DN thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nói: “Thật đáng ngạc nhiên với việc sợ mất chỗ và mất quyền lợi. Cổ phần hóa là chủ trương đã xuyên suốt từ năm 1992 đến nay với những thành tựu đáng ghi nhận. Do đó, chuyện sợ mất chỗ sau cổ phần hóa có thể chỉ xảy ra ở một bộ phận nhỏ những người có năng lực hạn chế, họ e ngại sau cổ phần hóa sẽ không được bầu trở lại vị trí đương nhiệm”.

Cổ phần hóa DNNN còn không ít " điểm nghẽn". Ảnh minh họa. 

Còn theo ý kiến Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc Nhà nước còn nắm tỉ lệ sở hữu lớn khiến DNNN khó thay đổi về chất. Trong nhiều trường hợp, chậm cổ phần hóa, thoái vốn cũng đồng nghĩa với khả năng gây thất thoát cho Nhà nước càng lớn.

Đồng thời, sự chậm trễ trong cổ phần hóa, thoái vốn dễ dẫn đến tâm lý hoạt động cầm chừng chờ đợi, thậm chí là bất an của chính đội ngũ quản lý và người lao động, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN. Trong trường hợp này, DN đã yếu kém lại càng yếu kém hơn, và Nhà nước sẽ càng khó khăn hơn khi thoái vốn.

Trước thực tế đó, ông Long đưa ra đề xuất nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước: Thứ nhất, cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của Bộ ngành và các bên liên quan trong cổ phần hóa, thoái vốn khi mà kế hoạch, danh mục Thủ tướng đã phê duyệt cho cả giai đoạn.

Đối với những trường hợp có vướng mắc, đặc thù hoặc chưa có quy định rõ ràng của pháp luật, cần quy định rõ thẩm quyền do ai phải đề xuất phương án xử lý; ai có đủ thẩm quyền phê duyệt; tránh tư tưởng đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong xử lý công việc, không “tròn vo, đẩy công văn xin ý kiến vòng quanh” gây ách tắc, trì trệ mà Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhắc đến trong cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về đổi mới và phát triển doanh nghiệp vào cuối tháng 7.

Thứ hai, trong thời gian qua có rất nhiều ý kiến cho rằng cứ bán công ty cho nhà đầu tư ngoại là coi như “mất tất” hoặc “mất thương hiệu”. Tuy nhiên, nếu xét trên phương diện của một quốc gia, việc đánh giá cái được, cái mất cần phải thực hiện một cách toàn diện. Thời gian vừa qua, nhiều vụ việc bán cho nhà đầu tư chiến lược trong nước cũng đã để lại những bài học như trường hợp cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) - một thương hiệu điện ảnh có tuổi đời gần 60 năm. Nhà đầu tư chiến lược là Tổng Công ty vận tải thủy (Vivaso) không hề có kinh nghiệm và khả năng trong lĩnh vực sản xuất phim. “Và tôi cũng tin rằng, không ít nhà đầu tư chiến lược Việt khác tham gia mua cổ phần của DNNN chỉ nhằm mục đích chính là bất động sản và những khu đất vàng hơn là nhằm vào thương hiệu hoặc ngành kinh doanh chính của DN”, ông Long nêu vấn đề.

Ngoài ra, theo TS. Ngô Trí Long, việc lựa chọn nhà đầu tư nội hay ngoại trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước sẽ không thực sự quan trọng bằng việc đánh giá, lựa chọn được nhà đầu tư với công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm với thị trường Việt Nam, có cam kết gắn bó với thị trường Việt Nam trong dài hạn và có chiến lược phát triển dựa trên những sản phẩm thuần Việt.

Giải pháp thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước(VietQ.vn) - Ông Trần Nguyên Nam, Phó trưởng ban Phụ trách Ban Kế hoạch tổng hợp SCIC đã đưa ra một số giải pháp nhằm khắc phục hạn chế và đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới.

Thanh Minh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang