Công nghệ hiện đại nhất cho điện hạt nhân Việt Nam

author 17:18 30/11/2014

(VietQ.vn) - Ông Junichi Kawahata - Phó Tổng giám đốc bộ phận Dự án hạt nhân, Công ty Hệ thống điện Hitachi, đã có cuộc trao đổi với phóng viên Chất lượng Việt Nam xung quanh việc áp dụng công nghệ xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Sự kiện: Phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam

Ông Junichi Kawahata cho biết: Công ty Hệ thống điện Hitachi đã có những bước chuẩn bị quan trọng cho việc xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân số 2 Ninh Thuận, đặc biệt là về lò phản ứng nước sôi tiên tiến ABWR dự kiến được lắp đặt tại đây.

Thưa ông, được biết Hitachi đã có những bước chuẩn bị nhất định để tham gia vào dự án Nhà máy điện hạt nhân số 2 Ninh Thuận. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về những công việc đang tiến hành? 

Tại cuộc họp giữa Thủ tướng hai nước Việt Nam và Nhật Bản hồi cuối tháng 10/2010, Nhật Bản đã được lựa chọn là đối tác để xây dựng nhà máy điện hạt nhân số 2 tại Ninh Thuận. Căn cứ thỏa thuận giữa hai Chính phủ, năm 2011 Hitachi đã thành lập “Bộ phận dự án Điện hạt nhân Việt Nam” nhằm tăng cường các hoạt động kinh doanh mới và hỗ trợ cho kế hoạch của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Cũng từ năm 2011, Hitachi bắt đầu chương trình đào tạo nguồn nhân lực, phốihợp với trường Đại học Điện lực Tokyo và Đại học Bách khoa Hà Nội. Đồng thời, chúng tôi có chương trình cấp học bổng tiến sĩ (4 người mỗi năm) cho những người theo học Viện Công nghệ Tokyo.

Tất nhiên, nhân lực là yếu tố hết sức quan trọng. Chúng tôi được biết Chính phủ hai nước cùng với các hiệp hội, doanh nghiệp và trường đại học ở Việt Nam đều đang triển khai kế hoạch đào tạo lực lượng kỹ sư, cán bộ kỹ thuật về hạt nhân.

Điểm lựa chọn xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận được coi là nằm trên một đứt gãy địa chất, nghĩa là có khả năng xảy ra động đất. Xin ông cho biết, loại lò ABWR dự kiến sử dụng tại nhà máy này có khả năng chống chịu động đất hay không?

Việc khảo sát địa chất cho dự án Ninh Thuận do một công ty khác thực hiện để làm cơ sở cho nghiên cứu khả thi. Cho đến nay bản nghiên cứu đó chưa hoàn tất, tôi chưa thể phát biểu cụ thể. Nhưng về nguyên tắc, khả năng chịu được chấn rung phải xét trong trường hợp rất cụ thể, căn cứ vào cấu tạo địa chất khu vực.

Công nghệ ABWR có khả năng chống chịu những trận động đất lớn nhất từng xảy ra ở Nhật Bản, có thể trụ vững trước trận động đất gây ra thảm họa ở Fukushima vừa qua. Có một thuận lợi nữa là Ninh Thuận có nền đất tương đối cứng, do vậy khả năng chống chịu cao hơn so với những khu vực có nền địa chất yếu.

Thảm họa hạt nhân tại Nhật Bản năm 2011 đã được phân tích, mổ xẻ kỹ lưỡng, từ đó chúng ta có thể rút ra nhiều kinh nghiệm để hoàn thiện công nghệ; ngăn ngừa những sự cố tương tự.

Cần nhớ là các lò phản ứng ở Nhật đã được dừng an toàn khi xảy ra động đất. Vấn đề chỉ nảy sinh khi sóng thần gây mất điện, không có nước để làm nguội tâm lò. Cho nên cốt nền lò sẽ được nâng cao (như ở Ninh Thuận dự kiến lên tới 15m) để tránh sóng thần.

Loại lò phản ứng nước sôi ABWR dự kiến áp dụng ở Ninh Thuận là công nghệ III+ tiên tiến, đã được kiểm chứng với 4 lò đang được vận hành tại Nhật Bản (đều do Hitachi xây dựng); được trang bị lớp vỏ đặc biệt kiên cố và hoàn toàn không thấm nước. Thiết kế đã được cấp chứng nhận tại nhiều quốc gia, trong đó có Ủy ban Điều phối hạt nhân Hoa Kỳ.

Tại Nhật Bản hiện nay, trong số 54 lò phản ứng hạt nhân có 20 lò do Hitachi tham gia thiết kế, xây dựng. Đồng thời, cần đảm bảo nguồn điện dự phòng cũng như nguồn nước để làm mát trong bất kỳ tình huống nào…


Hiện tại, tất cả 54 lò phản ứng hạt nhân trên đất nước Nhật Bản đã dừng hoạt động. Ông có thể chia sẻ gì thêm về điều này?

Các lò phản ứng hạt nhân ở Nhật dừng hoạt động là để kiểm tra toàn diện, đảm bảo độ an toàn cao nhất trước khi vận hành trở lại chứ không phải đóng cửa vĩnh viễn. Lộ trình tái khởi động các lò này như thế nào là do Chính phủ Nhật Bản quyết định, song theo tôi biết, hiện đã có đề xuất khởi động lại lò phản ứng ở Osakawa và Chính phủ đang xem xét.

Nếu Hitachi được lựa chọn thực hiện dự án ở Ninh Thuận, mối quan tâm lớn nhất của ông là gì?

Sự hợp tác của người dân bản địa. Và khi dự án đi vào xây dựng, vận hành, phải làm sao để bản địa hóa được công nghệ. Có như vậy dự án mới được xây dựng, vận hành suôn sẻ nhất. Chúng tôi đang tích cực tìm hiểu, trao đổi và thương lượng với các doanh nghiệp Việt Nam để xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ.

Xin cảm ơn ông!

Duy Anh (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang