Công ty Thương mại Kei Việt Nam: ‘Nhập nhèm’ nhãn mác một số mặt hàng thời trang nhập khẩu?

author 15:23 28/10/2019

(VietQ.vn) - Cùng một sản phẩm với 2 nhãn trong khi một nhãn ghi “Nước sản xuất: China” nhưng nhãn còn lại có dòng chữ “Made in Vietnam”. Liệu Kei Việt Nam có đang cố tình lập lờ về xuất xứ?

Nếu tìm kiếm trên google một số cụm từ như: “Gian lận xuất xứ hàng hóa”, “Thế nào là hàng Việt Nam?”, “Made in Vietnam”… bạn đọc sẽ không khỏi bất ngờ về kết quả tìm được, cho thấy mức độ nóng của vấn đề “nhập nhèm” xuất xứ hàng hóa Việt Nam hiện nay. Và có lẽ, câu chuyện ấy cũng không ngoại lệ đối với Kei Việt Nam?

Theo tìm hiểu của phóng viên Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn), Kei Việt Nam - Công ty TNHH Thương mại Kei Việt Nam (Địa chỉ: Tầng 1, Tòa nhà Phương Đông Golf, Phố Tân Mỹ, Phường Cầu Diễn, Quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) nhập khẩu và bán các sản phẩm phục vụ cho hoạt động thể thao của thương hiệu HAZZYS đến từ Hàn Quốc. Những sản phẩm có giá cả lên tới hàng chục triệu đồng/sản phẩm, rẻ thì 3-5tr/sản phẩm.

Tuy nhiên, cầm trên tay sản phẩm áo phông HAZZYS với giá gần 4 triệu đồng (sản phẩm mã số HSTSBB302), phóng viên không khỏi bất ngờ phát hiện trên sản phẩm có 2 nhãn, một nhãn ghi “Nước sản xuất: China”, nhưng trên nhãn còn lại có dòng chữ in hoa “Made in Vietnam”. Vậy không biết với 2 nhãn được gắn trên sản phẩm có 2 nơi sản xuất khác nhau thì đâu mới chính là nguồn gốc của sản phẩm?

Dấu hỏi về dòng chữ “Made in Vietnam” gắn trên sản phẩm HSTSBB302.

 

Cũng trên sản phẩm khác mã HSTS7B302N2095, một nhãn ghi “Nước sản xuất: Vietnam”, nhãn còn lại ghi “Made in Korea”. Người tiêu dùng như lạc vào "ma trận" nhãn mác.

Người tiêu dùng lạc vào "ma trận" nhãn mác?

Ngoài ra, theo Thông tư 21/2017/TT-BCT “Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may” - áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh sản phẩm dệt may trước khi đưa ra thị trường Việt Nam, các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức cá nhân khác có liên quan - nêu rõ “Các sản phẩm, hàng hóa trước khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường Việt Nam phải được công bố hợp quy phù hợp với quy định tại Quy chuẩn này; gắn dấu hợp quy (dấu CR)”.

Thế nhưng, tại thời điểm phóng viên ghi nhận, trên các sản phẩm của Kei Việt Nam nhập khẩu không có dán dấu hợp quy theo quy định. Câu hỏi đặt ra ở đây, các sản phẩm của Kei Việt Nam đã thực sự đảm bảo về chất lượng?

Để có thông tin khách quan về sự việc trên, phóng viên đã liên hệ với đại diện Công ty TNHH Thương mại Kei Việt Nam thông qua đường giây nóng, đồng thời gửi giấy giới thiệu cùng thông tin tới chị Hạnh – người được cho là đại diện của Công ty Kei Việt Nam tại trụ sở của Công ty này.

Tuy nhiên, đến nay dù đã hơn 1 tháng nhưng chúng tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào từ đơn vị này. Vậy có điều gì mập mờ cần che dấu từ đơn vị nhập khẩu và phân phối sản phẩm của HAZZYS hay không?

Chất lượng Việt Nam Online sẽ tiếp tục thông tin!

Hơn 15.000 sản phẩm hàng hóa vi phạm về nhãn mác, nguồn gốc bị tiêu hủy (VietQ.vn) - Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị vừa phối hợp với các ngành chức năng tiến hành tiêu hủy hơn 15.000 sản phẩm hàng hóa vi phạm.

Nhóm PV

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang