Cục cạnh tranh điều tra "liên kết" Than - Điện - Dầu khí

author 06:09 07/05/2013

(VietQ.vn) - Thông tin vừa được lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 4 diễn ra chiều 6/5 tại Hà Nội.

Trả lời câu hỏi, Bộ Công Thương nhận định như thế nào về “cái bắt tay” hợp tác chiến lược giữa ba tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước hoạt động trong lĩnh vực năng lượng là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV), liệu đây có phải là hành vi độc quyền hay không?
 
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho rằng, phải có các thông tin đầy đủ mới khẳng định được là liệu có yếu tố độc quyền hay không. Do đó Bộ sẽ giao Cục quản lý cạnh tranh nghiên cứu cụ thể và sẽ có báo cáo trả lời báo chí sau.
 
Không ít người nghi ngại, sau những cái bắt tay này có hành vi độc quyền. Ảnh minh họa
Không ít người nghi ngại, sau những cái bắt tay này có hành vi độc quyền. 

Thực tế, vào cuối tháng 2/2013 vừa qua, thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa ba Tập đoàn năng lượng hàng đầu đất nước đã được lãnh đạo các tập đoàn ký kết tại Hà Nội.

Theo thỏa thuận được ký kết, ba Tập đoàn sẽ hợp tác chiến lược trên các lĩnh vực, gồm: Quy hoạch phát triển ngành; thực hiện các dự án đầu tư xây dựng phát triển nguồn điện; đầu tư khai thác và vận chuyển than trong nước và ở nước ngoài; vận hành các nhà máy điện; hợp tác sử dụng các dịch vụ và hợp tác trong truyền thông.

Một nội dung quan trọng được công bố là TKV cam kết sẽ đảm bảo cung cấp đầy đủ, liên tục nguồn than cho các nhà máy điện của PVN, EVN. Còn PVN sẽ nỗ lực tối đa trong việc cung cấp khí cho các nhà máy điện của EVN. Ngược lại, EVN cam kết sẽ đảm bảo cung ứng điện ổn định cho 2 tập đoàn bạn và sẽ mua lại tối đa sản lượng điện của các nhà máy sản xuất điện do PVN và TKV sở hữu.

Năng lượng là lĩnh vực tối quan trọng đối với bất kỳ nền kinh tế nào. Mỗi quốc gia trên thế giới đều cố gắng xây dựng cho mình những tập đoàn năng lượng với quy mô lớn. Ở Việt Nam, điều này cũng tương tự khi vốn điều lệ của EVN hiện đã lên tới 143.404 tỉ đồng, PVN là 177.628 tỉ đồng và TKV là 14.794 tỉ đồng.

Tuy vậy, 3 tập đoàn này hiện vẫn chưa hoạt động hiệu quả như mong đợi. Đáng lo ngại hơn, cả 3 đều là những đơn vị đi vay nợ lớn nhất trong các tập đoàn kinh tế Nhà nước. Giữa các đơn vị này cũng nợ chồng chéo lẫn nhau. Số tiền nợ mua điện của EVN với PVN tính đến tháng 9.2012 lên đến 14.000 tỉ đồng, còn với TKV là khoảng 500 tỉ đồng.

Với việc trở thành đối tác chiến lược của nhau và cùng với vị thế lớn của mình, liên kết tay 3 điện - than - dầu khí này đã tạo nên mối lo ngại có thể dẫn đến tình trạng độc quyền và khả năng chi phối trên thị trường càng lớn hơn nữa.

Việc hợp tác chiến lược giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành là xu hướng chung hiện nay, tuy nhiên “cái bắt tay” giữa ba tập đoàn vốn nhiều điều tiếng này lại gây hoang mang trong báo chí và dư luận.

Các chuyên gia kinh tế từng tỏ ra quan ngại việc liên kết này sẽ tạo ra "liên minh ma quỷ" trong lĩnh vực năng lượng, gây ra những hành vi không lành mạnh.

Cụ thể, nếu liên kết không sòng phẳng thì nó sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khác. Và theo như chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, việc bán điện cho EVN là nhà độc quyền mua, thế thì hợp tác này hoàn toàn có thể xảy ra việc EVN dành ưu tiên để mua điện của TKV hay PVN, mà đẩy những người khác ra. Như vậy không những gây lo ngại cho những doanh nghiệp khác cùng kinh doanh trong lĩnh vực, mà còn làm cho mục tiêu chiến lược của Nhà nước về phát triển thị trường điện bị ảnh hưởng. Cạnh tranh trong ngành điện có thể không lành mạnh.

Vừa qua Tập đoàn Than – Khoáng sản đã được Chính phủ cho phép tăng giá bán than cho điện từ ngày 20/4. Sự việc này cũng khiến người tiêu dùng phấp phỏng lo lắng về việc giá điện trong tương lai không thể ngồi im tại chỗ.

Theo biên bản ký kết, ba tập đoàn: EVN, PVN, TKV xác định việc hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực mà các bên cùng quan tâm là nhiệm vụ chiến lược nhằm mục tiêu đáp ứng nhu cầu, xu thế phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế; trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, các bên cùng có lợi, phù hợp với quy định của pháp luật.

Nội dung hợp tác phải phù hợp với mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ, định hướng phát triển, khả năng của mỗi bên, trên cơ sở các chương trình, kế hoạch, dự án và có bước phát triển thích hợp theo từng giai đoạn cụ thể, bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội và phát triển bền vững.

Thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa ba tập đoàn là cơ sở để các tập đoàn, các đơn vị thành viên tập đoàn phát huy thế mạnh, tiềm năng vì sự phát triển bền vững của từng tập đoàn/đơn vị, vì mục tiêu chung phát triển hệ thống năng lượng: điện, than, dầu khí một cách hiệu quả để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước .

Chinhphu.vn

Nguyễn Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang