Đã tới lúc xét tuyển ĐH bằng điểm thi tốt nghiệp THPT?

author 13:02 12/01/2014

Lãnh đạo nhiều trường đại học kiến nghị, bỏ thi ĐH vì kết quả thi tốt nghiệp THPT đã có thể dùng được…

Chiều 9/1, Hiệp hội các trường ĐH CĐ ngoài công lập đã họp đề xuất kiến nghị gửi lên Bộ trưởng Bộ GD- ĐT về việc tự chủ tuyển sinh.

Dẫn ra thành tích xếp hạng Pisa đánh giá học sinh Việt Nam ở mức 17/65,  ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng trường ĐH dân lập Hải Phòng khẳng định: học sinh phổ thông của chúng ta đâu có kém!

“Bộ trưởng cũng từng thừa nhận rằng rất nhiều học sinh của ta trượt ĐH của ta sang du học nước ngoài vẫn học rất tốt và về nước làm giáo viên, giảng viên... Điều đó chứng tỏ sàn kiến thức phổ thông đã đủ đáp ứng việc vào đại học”, ông Nghị bày tỏ.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Văn Chừng, Hiệu trưởng ĐH Bắc Hà đề xuất: “Cần có một kỳ thi quốc gia duy nhất để xã hội bớt tốn kém, bớt luyện thi tràn lan. Sau một kỳ thi tốt nghiệp chuẩn sẽ lấy điểm thi tốt nghiệp là điều kiện cần, điều kiện đủ là điểm trung bình 3 năm học phổ thông, điểm trung bình các môn xét tuyển riêng theo ngành, điểm cộng là hạnh kiểm, ngoại ngữ, công tác xã hội...”

Chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT đã đủ chuẩn?

Theo ông Đỗ Ngọc Chu, Hiệu trưởng trường ĐH Đông Á, giáo dục tương lai tất yếu sẽ phải phát triển theo hướng không còn thi phổ thông chung. Theo đó, Bộ GD-ĐT sẽ có một ngân hàng đề thi với mức khó như nhau, các trường sẽ lấy đó làm căn cứ để kiểm tra, thi tuyển suốt quá trình học. “Ngân hàng đề thi này là “bí mật quốc gia”. Nhờ vậy chất lượng giáo dục phổ thông sẽ được đánh giá công bằng, nghiêm túc. Rất nhiều nước trên thế giới đã làm thành công với phương thức giáo dục này”, ông Chu nói.
Nêu kiến nghị Bộ GD-ĐT không nên can thiệp quá sâu vào công việc tuyển sinh, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Ngoài công lập, GS Trần Hồng Quân lý giải:  Việc Bộ đưa ra các quy định trong việc tuyển sinh riêng rất “nhiêu khê” và “lằng nhằng” khiến các trường thấy ngại mà dừng lại. 

“Chắc chắn rằng năm tới đa số các trường sẽ lựa chọn xét tuyển thay vì thi tuyển vì việc tổ chức thi tuyển quá khó khi các trường đòi hỏi phải làm từ A – Z”, ông Quân nói.

Theo ông Quân, tự chủ tuyển sinh là quyền đương nhiên của tất cả các cơ sở giáo dục đại học. Bộ chỉ cần đưa ra các quy định về công tác tuyển sinh, không nên bắt từng trường phải trình duyệt đề án tuyển sinh thì mới công nhận quyền tự chủ của họ.

Mặt khác, ông Quân cũng đề nghị Bộ nên công bố ngay quy định quốc gia về chuẩn đầu vào tối thiểu của các cơ sở giáo dục ĐH. “Tất cả những thí sinh đạt được chuẩn đều đủ điều kiện để được tiếp nhận vào các cơ sở giáo dục ĐH. Còn điều kiện để thí sinh được vào học tại một trường cụ thể thì phải dành cho các trường tự quy định và công bố công khai, tuỳ theo đặc điểm ngành nghề và thương hiệu của mình”, chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ ngoài công lập nói.

Hạ Lan

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang