Đại biểu truy vấn vì sao phát minh ‘hai lúa’ lại bị ‘bó’ ở Việt Nam?

author 06:42 18/11/2014

(VietQ.vn) - Đại biểu đặt vấn đề: Phải chăng do thiếu chính sách phù hợp phát triển công nghiệp chế tạo nên những hai lúa được trọng vọng ở nước ngoài nhưng bị bó ở Việt Nam?

Tại cuộc chất vấn chiều 17/11, liên tiếp những câu hỏi về chính sách hỗ trợ công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế tạo được đặt ra cho Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Đầu rồi niềm tự hào của nền công nghiệp Việt Nam?

Yêu cầu người đứng đầu ngành công thương phân tích hiệu quả của chính sách phát triển nền công nghiệp trong thời gian vừa qua, đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) nêu nhận định: Công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp nông thông là chủ trương của Đảng và Nhà nước nhưng qua nhiều năm phấn đấu tới nay hầu hết các khâu cơ giới hóa vẫn phụ thuộc vào máy móc nhập khẩu hoặc lắp ráp. Cử tri hỏi đâu rồi nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, niềm tự hào của ngành công nghiệp nặng những năm 60 của thế kỷ 20? Đâu rồi tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam? Đâu rồi hàng chục viện nghiên cứu, hàng chục ngàn kỹ sư, tiến sĩ, viện sĩ, giáo sư với hàng chục ngàn luận án, đồ án đề tài khoa học chưa được ứng dụng trong thực tiễn?

“Phải chăng Bộ Công thương chưa có chính sách phù hợp để nền công nghiệp chế tạo phát triển nên những “hai lúa” được trọng vọng ở nước ngoài nhưng bị bó ở Việt Nam?”, vị đại biểu nêu câu hỏi.

Đại biểu Lê Đình Khanh phát biểu tại diễn đàn quốc hội

Trước cách đặt vấn đề trên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định:  Không phải tất cả lĩnh vực công nghiệp chế tạo đều yếu kém. Cụ thể,  trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, hiện Việt Nam đã sản xuất được thiết bị đồng bộ trong lò xi măng với công suất 700 tấn/năm;  sản xuất máy biến thế 500KV mà chưa có nước nào tại Đông Nam Á làm được; chế tạo thành công giàn khoan 90m nước với tỷ lệ nội địa 30%; chế tạo thiết bị đồng loạt trong chế biến chè, cà phê; triển khai xây dựng nhiều công trình hiện đại như nhà máy lọc dầu Dung Quất…

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhận định: Nhìn chung công nghiệp chế tạo của Việt Nam còn yếu kém xuất phát từ nguyên nhân chính do cơ chế đầu tư. “Riêng ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, nếu trước kia đều được đầu tư từ ngân sách, thì giờ đây, hầu hết doanh nghiệp phải vay vốn tự trang trải từ khâu nghiên cứu tới sản xuất”, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết.

Về câu hỏi thiếu chính sách hỗ trợ nên những phát minh “hai lúa” đang bị ‘bó’, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận định: “ Đúng la người nông dân có rất nhiều sáng tạo tuy nhiên phần lớn sáng kiến của họ đều được cải tiến lắp ráp trên phương tiện sẵn có với mức độ sản xuất đơn chiếc, chưa thể sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên tôi cho rằng cơ quan liên quan cần có cơ chế khuyến khích biểu dương đối với trường hợp người nông dân sáng tạo ra những sản phẩm bằng nhiệt huyết trí tuệ của mình”.

Chính sách phát triển công nghiệp có "vấn đề"

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn

Chưa dừng lại, nhiều đại biểu thẳng thắn đặt vấn đề nhằm mổ xẻ nguyên nhân tại sao tới thời điểm này, nền công ghiệp Việt Nam nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng vẫn còn yếu kém?

Theo đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên Huế), ngay từ 2007 Chính phủ đã phê duyệt chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ tầm nhìn tới 2020, tuy nhiên sau nhiều năm lĩnh vực này của Việt Nam vẫn chưa có gì đáng kể. Có phải vì Việt Nam thiếu chính sách cụ thể để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển?

Kế tiếp, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng  nhận định tới nay, nền công nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu dừng lại khâu lắp ráp thủ công, đâu là nguyên nhân? Phải chăng do thiếu sự tập trung quản lý nhà nước trong lĩnh vực phát triển công nghiệp hỗ trợ?

Mặc dù khẳng định, vấn đề phát triển nền công nghiệp hỗ trợ được nhà nước quan tâm song Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng phải thừa nhận chính sách phát triển lĩnh vực này hiện vẫn “có vấn dề”

“ Dù ban hành nhiều, song cấp độ pháp lý của những cơ chế chính sách này lại đang ở mức thấp, chưa đạt được yêu cầu, thậm chí còn chưa có nghị định hướng dẫn thực hiện. Mới đây, nhiều ý kiến còn cho rằng Quốc hội nên xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ nhằm tạo khung pháp lỹ phát triển lĩnh vực này”, Bộ trưởng Hoàng nói.

Về mặt khách quan, vị Bộ trưởng phân tích: Khi nhắc tới công nghiệp hỗ trợ, chúng ta chủ yếu mới nhắc tới phụ tùng, linh kiện, nguyên phụ liệu nhưng để phát  triển còn cần tới quy mô sản xuất lớn đủ để sản xuất với số lượng nhiều, qua đó giá thành sản phẩm hỗ trợ mới cạnh tranh được, khâu tổ chức sản xuất cũng được thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi dung lượng thị trường chưa đủ thì rất khó có thể mở rộng quy mô phát triển công nghiệp hỗ trợ. Lấy ví dụ từ ngành công nghiệp chế tạo ô tô, Bộ trưởng Hoảng cho biết: Hiện các  cơ sở sản xuất ô tô trong nước mới chỉ sản xuất khoảng 70.000 xe/năm, trong khi theo tính toán  ít nhất dung lượng phải đạt khoảng 100.000 xe/năm mới có thể phát triển công nghiệp hỗ trợ ô tô.

Ngược lại, trong ngành dệt may và da giày do sản xuất hàng hóa lớn nên các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ lĩnh vực này trong nước ngày càng tăng lên. Tính đến nay, ngành dệt may tự lo được 50% nguyên phụ liệu sản xuất, trong khi tỷ lệ này của ngành da giày là 60%.

“Công nghiệp hỗ trợ phải phụ thuộc vào quy mô sản xuất hoàn chỉnh. Sự phân  công trong chuỗi sp ngày càng lớn, các DN tập đoàn đa quốc gia đều đang sử dụng mạng lưới hỗ trợ  sẵn có, Việt Nam lại là nước đi sau nên để len chân vào chuôi giá trị toàn cầu cũng hết sức khó khăn. Bên cạnh đó, sản phẩm hỗ trợ cảu Việt Nam cũng có giá thành khó cạnh tranh do phải nhập khẩu nguyên phụ liệu; thiếu đội ngũ lao động tay nghề cao…”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng phân tích.

Hoàng Vũ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang