Đại gia... đi dép lê

author 07:41 25/05/2013

(VietQ.vn) – Từng là sinh viên duy nhất 2 lần đạt giải nhất nghiên cứu khoa học của ĐH lừng danh Lomonosov (Nga), Nguyễn Trung Hà bỏ toán để trở thành một trong những “đại gia” nổi tiếng nhất đất Hà thành.

Lời Tòa soạn: Tiếp loạt bài “Những nhà khoa học nổi tiếng thương trường”, sau TS Mai Quang Huy (thực phẩm Đức Việt), Chất lượng Việt Nam xin giới thiệu chân dung ông Nguyễn Trung Hà (“sếp” của nhiều công ty như FPT, Chứng khoán Thiên Việt, hãng phim Thiên Ngân...)

Nguyễn Trung Hà từng học chuyên Toán trường Chu Văn An, Hà Nội.
Nguyễn Trung Hà từng học chuyên Toán trường Chu Văn An, Hà Nội.

Khởi nguồn từ....Toán

Cũng giống như những người lãnh đạo hàng đầu của FPT, “huyền thoại” về Nguyễn Trung Hà bắt đầu từ lớp chuyên Toán của trường Chu Văn An và đội tuyển toán thi quốc tế.

Anh đạt giải ba IMO ở Rumania năm 1978. Được cử đi học ở Nga ở trường nổi tiếng nhất thế giới về đào tạo các ngành khoa học cơ bản là ĐH Tổng hợp Maxcơva (Lomonosov)  theo ngành toán lý thuyết, môn Lý thuyết số. Sau này, Trung Hà và nhiều người từng học trường này cũng đều có nhận định, có lẽ vì quá yêu Toán nên Bộ trưởng Giáo dục hồi đó là GS Tạ Quang Bửu đã cử những người giỏi nhất của đất nước để theo học ngành “hại não” này.

Trung Hà tâm sự, tuy học Toán nhưng sách mà các sinh viên ngành này đọc nhiều lại là...văn học. Thậm chí, dân Toán còn đọc nhiều tiểu thuyết hơn dân xã hội.

Rồi khi về nước, với thành tích của mình, anh được hứa hẹn một suất biên chế chính thức ở viện Cơ học, là niềm ao ước của nhiều người trong thời bao cấp.

Nhưng cùng với Trương Gia Bình, Nguyễn Thành Nam...anh quan tâm nhiều hơn đến viết phần mềm và kinh doanh phần cứng.

CEO cũ của FPT là Nguyễn Thành Nam ngay từ đầu đã nhận định: “Trung Hà là chuyên gia về Fortran của Viện Cơ học. Từ khi còn đi học ở Liên xô, anh đã nổi tiếng về tài nhìn trộm và phá khóa trong hệ điều hành của máy mini CM-4 của Nga. Tại Viện Cơ, công trình đáng kể của anh là thiết kế bộ thư viện đồ họa cho Fortran”.

Rồi xa dời Toán

Nói về Toán “đỉnh cao”, Trung Hòa lấy ví dụ về thể thao như nhảy cao hoặc bóng đá. Theo anh, bản thân các môn đó không làm cho người dân khỏe mạnh, mà chỉ có giá trị tinh thần khích lệ. “Cái có lợi cho mọi người là thể dục chứ không phải thể thao”.

Vì thế, anh đã “lôi kéo” được một số nhà khoa học làm Toán thuần túy chuyển sang nghiên cứu Toán ứng dụng.

Vốn có tư chất sẵn, Trung Hà chuyển sang nghiên cứu về phân tích tài chính, chứng khoán, phần mềm... Anh là một trong ít người viết code cho chương trình dùng cho ngân hàng nhưng sau đó thấy... mua lại sẽ hiệu quả hơn nên không lập trình nữa.

“Chúng ta cứ nghĩ sản xuất những cái tốt nhất thì sẽ bán chạy. Trước kia, chúng tôi cũng nghĩ như vậy nhưng sau rồi phải nhận thức lại. Giả sử bây giờ chúng ta sản xuất ra các loại rau cực sạch. Nhưng do chi phí đầu vào và chăm sóc cao, nên giá thành cao. Vậy sản phẩm đó có được nhiều người dân mua không?”

Suy nghĩ như vậy, nên ngoài FPT, nhà Toán học năm xưa còn tham gia đầu tư vào quảng cáo online, điện ảnh, truyền thông, bất động sản...và gặt gái nhiều thành công.

Tuy vậy, Trung Hà vẫn nhận mình chỉ thạo về kinh tế chứ không giỏi...kinh doanh. Có nghĩa, anh thích đưa ra định hướng, chiến lược, quyết định hướng đi, xác định mục đích, thời điểm làm, khả năng sinh lời, lên kế hoạch tài chính, huy động tiền vốn, lựa chọn đội ngũ lãnh đạo chủ chốt… và  nhận biết người chuyên môn giỏi và sâu hơn mình để làm các việc.

Hiện anh là Chủ tịch HĐQT công ty chứng khoán Thiên Việt, Chủ tịch HĐQT hãng phim Thiên Ngân...

Tương lai

Nói chuyện với chúng tôi trong góc một quán cafe nhỏ bên đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội), “đại gia” của các công ty lớn kia chỉ mặc chiếc áo sơ mi sờn màu, đi dép lê và gọi đồ uống bình dân.

Anh bảo, những người yêu Toán trông...buồn cười là vậy, vì niềm đam mê quá lớn, nên không để ý đến những thứ bên ngoài khác.

Suốt những năm làm báo, chúng tôi đã được gặp được rất nhiều tên tuổi lớn trong ngành Toán như GS Ngô Việt Trung, GS Lê Tuấn Hoa, GS Ngô Bảo Châu... Tất cả họ đều giản dị như Trung Hà.

Và tất cả họ đều có chung đặc điểm: luôn quan tâm đến giáo dục của nước nhà.

Trung Hà bảo, anh phê phán nền giáo dục của nhiều nước, trong đó có Viêt Nam khi không giảng dạy môn kế toán ngay từ bậc phổ thông. Bởi những kiến thức đơn giản của môn đó sẽ giúp ích các em làm chủ tài chính của cuộc đời mình.

Khi được hỏi, phải chăng, thời của “những người FPT bay” như các anh có thuận lợi lớn là lập nghiệp khi đất nước đang đổi mới, nên đầu tư vào mọi cái đều có tăng trưởng...thì Trung Hà đáp lại: “Nhưng 50 năm nữa, người ta cũng sẽ thấy cơ hội kinh doanh bây giờ thuận lợi hơn sau này”.

Và đó là động lực cho những người trẻ hiện nay có niềm tin vượt qua khó khăn.

Hoàng Lan

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang