Đầu tư KHCN phải tập trung

author 07:05 16/03/2013

(VietQ.vn) – “Nhà nước đầu tư cho khoa học phải tập trung, phải trang bị cho nhà khoa học các thiết bị nghiên cứu đầy đủ, hiện đại, có điều kiện làm việc và mức lương đủ sống" GS.TSKH Trần Văn Sung.

Hàng chục năm công tác tại viện Hóa học, từng là viện trưởng, GS. TSKH Trần Văn Sung là nhà khoa học đầu ngành về Hóa. Ông có 2 bằng sáng chế được đăng ký ở châu Âu và 6 bài báo đăng ở những tạp chí uy tín quốc tế.

GS Trần Văn Sung từng là viện trưởng viện Hóa học.
GS Trần Văn Sung từng học ở Đức, từng  là viện trưởng viện Hóa học.
Ảnh: Thanh Thu

Tuy nhiên, đến nay, tổng thu nhập của ông chỉ khoảng 8,5 triệu/tháng, bằng mức lương của nhiều người thợ điện hoặc nhân viên “phọt phẹt” ngân hàng…

GS Trần Văn Sung còn cho biết, nhiều cán bộ trẻ nơi ông làm, vì “cơm áo gạo tiền” đã phải “chân trong chân ngoài” kiếm sống. Có những người là Phó giáo sư, gần 30 năm công tác nhưng lương chỉ khoảng 4 – 5 triệu/tháng…

Vừa rồi, Trung ương Đảng ra Nghị quyết về phát triển KHCN, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển KHCN đến năm 2020, Luật KHCN đang sửa đổi và chờ Quốc hội thông qua…

Đánh giá những điều này, nguyên viện trưởng viện Hóa cho rằng: “Chú trương, chính sách cho khoa học viết trên giấy rất hay. Cái khó là áp dụng vào thực tiễn…”

Ông lấy ví dụ việc tuyển chọn các đề tài tiềm năng để cấp kinh phí, có người trong Hội đồng đánh giá rất “ấm ớ”, lại đi chọn những đề tài đã làm từ lâu, mà “cứ tưởng là mới”.

Ông mong đầu tư nhà nước cho khoa học phải tập trung, phải trang bị cho nhà khoa học các thiết bị nghiên cứu đầy đủ, hiện đại, có điều kiện làm việc và mức lương đủ sống.

Căn phòng làm việc của một giáo sư đầu ngành ở Việt Nam, rộng chưa đầy 30 mét vuông. Ảnh: Thanh Thu
Căn phòng làm việc của một giáo sư đầu ngành ở Việt Nam, rộng chưa đầy 30 mét vuông. Ảnh: Thanh Thu

Đặc biệt, điều tối thiểu với các nhà khoa học là phải được cung cấp những thông tin khoa học mới nhất. Nhưng hiện nay, ngay ở viện Hóa cũng không có những ấn phẩm uy tín như Tạp chí Hóa học ứng dụng, Tạp chí Hóa – Dược quốc tế…

Theo ông, Bộ KH&CN hoặc Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam phải được đầu tư trung tâm tư liệu đầy đủ, để các nhà khoa học thường xuyên cập nhật thông tin KHCN thế giới. Nếu không sẽ như “ếch ngồi đáy giếng”.

GS Trần Văn Sung kể về “Dự án 1000 nhà khoa học tài năng” của Trung Quốc. Họ mời những người Trung Quốc làm nghiên cứu xuất sắc trên khắp thế giới trở về nước, được hưởng đầy đủ đãi ngộ như đang ở nước ngoài và cống hiến cho KHCN của Trung Quốc.

Trong số đó có bạn của GS Trần Văn Sung, mới đầu chỉ làm cho một công ty của Đức. Nhưng nhờ chương trình này, đã về nước, được hưởng nhà, lương (khoảng 1500 đô la/tháng)…đã xây dựng Viện nghiên cứu hóa dược Trung Quốc, có những thành tựu nghiên cứu vượt xa Châu Âu.

 

GS Trần Văn Sung cho biết, riêng viện Hóa của ông, năm nào cũng có phát minh, sáng chế. Bản thân ông đã có 2 bằng sáng chế của cơ quan Sở hữu trí tuệ châu Âu, về nguồn nguyên liệu hợp chất có đặc tính sinh học, chiết suất từ cây cỏ Việt Nam…

Tính tổng lại, viện Hàn lâm KHCN Việt Nam còn nhiều bằng sáng chế hơn.

Hoàng Tuân - Thanh Thu

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang