Dễ hỏng mí mắt vì keo dán mi giả

author 10:29 02/01/2013

(VietQ.vn) - Trên thị trường mĩ phẩm làm đẹp hiện đang xuất hiệt rất nhiều loại keo dán mi giả, keo kích mắt hai mí… Tuy nhiên, những món “phụ tùng” này rất dễ tổn thương đến lông mi và mí mắt.

Đi tìm sự thật keo dán “xịn” của Mĩ, Nhật

Keo dán là loại phụ kiện làm đẹp không thể thiếu trong công đoạn gắn mi giả. Để có đôi hàng mi cong vút, theo hướng dẫn trên các clip làm đẹp, các chị em phải dán những sợi mi giả với chất liệu nhựa tổng hợp và lụa vào gốc của sợi mi thật bằng một thứ keo chảy màu đen, che khuất sợi mi thật, tạo cho người đối diện cảm giác về hàng lông mi dài rợp bóng. 
 
Tại một cửa hàng bán đồ trang điểm làm đẹp  Xuân Thuỷ trên đường Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội), phóng viên Chất lượng Việt Nam hỏi về loại mi giả và keo dán thì được người bán hàng tư vấn và giới thiệu rất nhiều loại. Từ mi gân đến mi cước, mi gân đến mi bụi, mi hàng dưới. Mỗi loại mi đều được đánh số để phân biệt tuỳ theo độ dài, ngắn khác nhau. 
Các loại mi  mắt được bày bán giới thiệu trên thị trường
Các loại mi mắt được bày bán giới thiệu trên thị trường
 
Đi kèm với các loại mi giả là các loại keo dán mi, thịnh hành nhất là keo đen và keo trong suốt. Ngoài loại keo chuyên dụng để dán mi giả, cửa hàng mĩ phẩm này còn tiếp thị thêm loại keo kích mi, biến mắt một mí thành hai mi, mắt to đẹp “long lanh” như diễn viên Hàn Quốc. 
 
Cũng theo quảng cáo của nhân viên bán hàng, đây là loại keo ngoại nhập từ Hàn Quốc, Mĩ, Nhật Bản. Loại keo dán mi trong thì dán lên trong suốt, còn loại keo đen thì khi keo khô sẽ có màu đen tạo cảm giác như đang kẻ liner trên mắt. Loại keo dán này có giá từ 20.000 - 30.000 đồng/lọ. Riêng loại keo kích mí thì có giá cao, keo kích mí hiệu Koji Clear Eye Talk có giá khoảng 50.000 đồng/lọ, keo kích mí VOV khoảng 40.000 đồng/lọ.
 
Cách sử dụng của keo kích mí khác hẳn so với keo dán mí, keo kích đi kèm với một chiếc que nhựa có nhiệm vụ tạo mắt một mí viền lên thành 2 mí. Khi dùng phải bôi keo khắp bầu mắt, đặc biệt ở vùng da mí mắt. Sau đó, chỉ cần đợi keo khô lại là dùng que để viền lên thành mắt 2 mí, thao tác này mất khoảng 10 phút. Keo kích mí là dạng keo trong suốt, có loại màu trắng đục dính dính gần như hồ dán, chất keo đậm mùi hoá chất khá hắc. 
 
Tuy nhiên, khi được hỏi về chất lượng của các loại mi giả, keo dán trên, nhiều khách hàng đang chọn mĩ phẩm tại đây tỏ ý không mấy quan tâm vì “dán cẩn thận chắc sẽ không sao, miễn… đẹp là được”.  
 
Hiểm họa khôn lường
 
Thử mua một lọ keo đen “made in USA”, keo kích mí và hai hộp mi gân, mi cước, theo quan sát của PV Chất lượng Việt Nam, trên lọ keo ghi chằng chịt tiếng Anh, tiếng Trung lẫn lộn mà không có tên nhà phân phối sản phẩm cũng như hướng dẫn sử dụng, chỉ định dùng cho đối tượng nào... 
 
Do đó với nguồn gốc xuất xứ “mập mờ”, những loại keo và mi giả này tiềm ẩn nguy cơ viêm mí mắt, làm rụng hàng mi thật. Nhiều loại keo khi gặp nước như khi đi trời mưa, rửa mặt hay đi biển thì keo rất dễ bong, lem nhem mắt. Nếu đưa tay dụi, vô tình đưa keo dán vào trong mắt, tạo điều kiện viêm mắt, hỏng giác mạc...Ngoài ra, khi những sợi mi giả cọ sát vào mắt, các bạn gái sẽ cảm thấy bị cộm và hơi ngứa, gây tổn thương cho mắt. 
Các loại keo dán mi mắt
Các loại keo dán mi mắt không rõ nguồn gốc
 
Chị Thanh Loan (Cầu Giấy, Hà Nội) ngậm ngùi kể lại, sau một thời gian chăm chỉ dùng các loại “phụ tùng” này để trang điểm khi ra ngoài đường, mắt chị có dấu hiệu cộm, ngứa rất khó chịu. Mỗi lần dùng keo dán mi giả, kích mí mắt lên đến lúc tẩy trang thì hàng lông mi thật cũng theo mi giả... ra đi dần dần. Mắt còn bị xưng tấy đỏ, đến Viện Mắt Trung ương khám thì bác sĩ chẩn đoán bị viêm bờ mi. 
 
“Ban đầu khi dán mi giả, kích mí lên thì mắt đẹp thật nhưng “quen” tay rồi thì mắt càng ngày càng khó chịu, mi thật thì rụng lả tả, ngắn cũn đi. Bây giờ ra đường phải đeo kính kín mít vì lông mi trụi hết, mắt đôi mắt trống hơ trống hoác như... mắt gà. Chẳng biết bao giờ, hàng mi mới mọc lại như cũ”, chị Hà lo lắng. 
 
Đem các mẫu keo dán mi mắt này tới hỏi các bác sỹ ở bệnh viện Mắt TW thì các bác sỹ đều bày tỏ lo ngại các loại keo dán này chưa chắc là loại keo sinh học. Bởi keo sinh học khá đắt tiền, có bản chất là fibrin, collagene, hystoacryl khó có cái giá 20 đến 30 ngàn đồng một lọ. Nếu là chất keo chứa hoá chất thì  sẽ giúp tích tụ bụi bẩn, giúp vi sinh vật gây bệnh phát triển, gây kích ứng cho mắt
 
Do đó, nếu các công đoạn dán mi hoặc các vật tư dùng cho việc này không đảm bảo có thể gây nhiễm độc nang lông, mất chất mỡ bóng của lông mi, gián đoạn tuần hoàn lông mi. Hậu quả là sẽ gây rụng lông mi nhất thời hoặc vĩnh viễn. Bên cạnh đó, các bạn gái rất có thể nhiễm thêm các bệnh thường có trên bờ mi: viêm bờ mi do cầu khuẩn, ký sinh trùng, tắc và loạn chức năng các tuyến đổ ra bờ mi.
 
Minh Hiếu - Minh Trang
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang