Đề thi Đại học năm 2015 sẽ như thế nào?

author 07:05 24/02/2014

(VietQ.vn) - Đề thi Đại học năm 2015 sẽ không theo cấu trúc SAT của Mỹ hoàn toàn, mà theo hướng tích hợp một số môn "kiểu Việt Nam".

Hiện nay, sau khi báo chí đăng tải phương án tuyển sinh từ 2015 (chỉ còn một kỳ thi Quốc gia), nhiều học sinh đã lo lắng về việc phải học nhiều môn khi thi Đại học năm 2015.

Bởi trong đề xuất có nhắc đến việc thi 4 bài: Toán và Tư duy logic, Khoa học xã hội (Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân), Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh, Kỹ thuật) và Ngoại ngữ (ở các thành phố khuyến khích thi sinh thi tiếng Anh theo TOEFL, IELTS, tiếng Pháp TCF hoặc DELF…).

Đề thi ĐH năm 2015 sẽ như nào ?

Đề thi ĐH năm 2015 sẽ như nào ?

Điều này khiến nhiều em hiểu nhầm là phải "cày" tất cả các môn, học giỏi tất cả các môn...mới làm được đề thi.

Trao đổi với Chất lượng Việt Nam, một chuyên gia cho biết, năm 2015 sẽ chưa thể áp dụng cách ra đề giống như SAT (của Mỹ) mà từng bước tích hợp các môn học vào bài thi theo cách của Việt Nam. Mục đích là học sinh phải nắm kiến thức toàn diện nhưng vẫn được phát triển theo năng khiếu, sở trường một số môn.

Có nghĩa là 50% câu hỏi ra trong đề thi sẽ rất cơ bản, không bắt học sinh học thuộc lòng nhưng phải hiểu vấn đề. Điều này sẽ làm cho các em phải chú ý học trên lớp ở tất cả các môn và giúp các em phát triển toàn diện. Bởi chỉ có phát triển toàn diện thì con người mới làm tốt được các công việc sau này.

Đề thi còn có 50% câu hỏi mang tính phân loại, theo 4 phần như trên. Căn cứ vào kết quả điểm của các phần này, tùy đặc điểm từng trường sẽ tuyển sinh phù hợp.

Ví dụ, có thể các trường khối Kinh tế sẽ quan tâm đến điểm thi môn Toán và Tư duy logic, Khoa học xã hội, Ngoại ngữ. Các trường khối kỹ thuật quan tâm đến điểm thi Toán và Tư duy logic, Khoa học tự nhiên. Các trường khối xã hội quan tâm đến điểm thi Khoa học xã hội...

Sau khi các thí sinh thi xong, căn cứ vào kết quả thi, các trường sẽ ra tiêu chí để thí sinh nộp hồ sơ đăng ký. Ví dụ, có thể các ngành Kinh tế cần điểm cao môn Toán và Tư duy logic, điểm trung bình môn Khoa học xã hội và cộng điểm khuyến khích nếu có điểm Ngoại ngữ cao. Các ngành Y, Dược cần điểm cao môn Toán và Tư duy logic, Khoa học tự nhiên. Các ngành kỹ thuật cần điểm cao môn Toán và Tư duy logic, Khoa học tự nhiên. Các ngành Xã hội cần điểm cao môn Khoa học xã hội...

Ưu điểm của cách làm này là sẽ không xảy ra tình trạng như ĐH Y Hà Nội năm ngoái, là có những em đạt điểm cao lại bị trượt vì thi vào các trường lấy điểm "chót vót". Bởi nếu không đỗ trường này, các em có thể chuyển sang trường khác. Cách thi này sẽ khiến học sinh không còn sợ hãi và băn khoăn trước các nguyện vọng nữa.

Tuy nhiên, để làm được đề thi như vậy đòi hỏi sự kỳ công lớn của tập thể các nhà giáo, nhà khoa học. Chi phí cho những đề thi SAT có khi lên tới hàng chục triệu USD.

Nhưng TS Trần Nam Dũng (ĐH Quốc gia TP HCM) cho rằng, chúng ta hoàn toàn có thể làm được các dạng đề như vậy, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết tâm và có sự đầu tư thích đáng.

 

 

 

 

Hoàng Lan

 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang