Để tiếp cận công nghệ mới, chính sách cần phải thay đổi

author 10:10 16/05/2019

(VietQ.vn) - Cơ hội hóa rồng cho Việt Nam chỉ thực sự đến khi cuộc cách mạng lần thứ 4 bùng nổ, mà cốt lõi là công nghệ ICT. Ứng dụng, phát triển công nghệ; xây dựng cộng đồng doanh nghiệp công nghệ là giải pháp để kinh tế bứt phá.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Hơn 30 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã có sự tăng trưởng liên tục, tốc độ cao, góp phần giải quyết tất cả các vấn đề lao động, việc làm, thu nhập, cải thiện chất lượng sống, xóa đói giảm nghèo…

Tuy nhiên, nói khách quan, tăng trưởng kinh tế Việt Nam những năm qua chủ yếu theo bề rộng, phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô và mở dụng tín dụng, chất lượng tăng trưởng thấp, hiểu quả tăng trưởng còn hạn chế, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa.

Cơ hội hóa rồng cho Việt Nam chỉ thực sự đến khi cuộc cách mạng lần thứ 4 (4.0) chính thức bùng nổ, mà cốt lõi là công nghệ ICT, lĩnh vực mà người Việt có nhiều tiềm năng.

Chính vì vậy, ứng dụng và phát triển công nghệ; xây dựng cộng đồng doanh nghiệp công nghệ sẽ là một trong những giải pháp để kinh tế Việt Nam bứt phá, góp phần đưa Việt Nam thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.

Bên lề “Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với chủ đề: “Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường”, với khẩu hiệu hành động “Make in Vietnam”, ông Trần Quốc Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Ominext có những chia sẻ thú vị về việc tiếp cận, ứng dụng công nghệ của nước ngoài vào lĩnh vực y tế.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 phát triển mạnh mẽ, đâu sẽ là bài toán của doanh nghiệp công nghệ, thưa ông?

Chúng tôi là doanh nghiệp công nghệ, hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe tại Nhật Bản (8 năm). Chúng tôi sản xuất nhiều phần mềm ứng dụng cho hàng nghìn bệnh viện, phòng khám, nhà thuốc tại Nhật.

Trải qua quá trình làm việc tại Nhật Bản, tôi thấy việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong lĩnh vực y tế rất quan trọng và phổ biến. Trong tương lai, Nhật Bản đang định hướng tầm nhìn đến 2030 với xã hội 5.0. Họ quan niệm, xã hội 1.0 là săn bắn, hái lượm; 2.0 là xã hội trồng trọt chăn nuôi; 3.0 là xã hội công nghệ và 4.0 là xã hội thông tin. Đến 5.0 là xã hội ứng dụng công nghệ 4.0 vào mọi mặt xã hội.

 Ông Trần Quốc Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Ominext

Chúng tôi đi cùng doanh nghiệp, làm vấn đề liên quan đến IT, phục vụ cho xã hội 5.0. Sau 2 năm đồng hành, trăn trở giải những bài toán của doanh nghiệp Nhật, tôi thấy rằng ở Việt Nam cũng có những bài toán cần giải quyết.

Ở Việt Nam, còn nhiều vấn đề trong xã hội 4.0 chưa thực sự làm tốt. Tuy nhiên, chúng ta có thể đi tắt đón đầu. Đây là lý do tôi đưa những kinh nghiệm học hỏi được ở nước ngoài về áp dụng vào Việt Nam.

Bài toán giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp Việt trong bối cảnh công nghệ 4.0 có gì khác so với các nước?

Như đã nói ở trên, tại Việt Nam, nhiều lĩnh vực chưa đạt được yêu cầu trong bối cảnh công nghệ 4.0 phát triển mạnh.

Nói đến công nghệ 4.0, để có IoT, AI, Blockchain, trước hết phải có big data. Chúng ta phải đẩy thật nhanh big data, để thu thập dữ liệu, phân tích, đưa AI vào để doanh nghiệp giải quyết những bài toán kinh doanh của mình.

Lĩnh vực Y tế là một trong những lĩnh vực được quan tâm hiện nay. Theo ông, bài toán công nghệ có thể giải quyết như thế nào?

Trước đây, mọi người thường quan tâm đến y tế chữa bệnh. Nhưng hiện nay, xã hội 4.0 chú trọng nhiều hơn về y tế dự phòng, kéo dài thời gian sống của người dân.

Ở Nhật Bản, họ xây dựng 3 nội dung chính: Hướng đến y tế dự phòng; thu thập dữ liệu của người dân để nhìn thấy được những nguy cơ tiềm ẩn bệnh tật từ đó thay đổi thói quen; chủ động tham gia vào kiểm soát bệnh.

Ở Việt Nam chúng ta hoàn toàn kết hợp 4.0 và 5.0 vào lĩnh vực y tế, nghĩa là vừa thu thập thông tin, lưu trữ và chia sẻ thông tin bệnh đến mọi người. Từ đó áp dụng AI vào khám chữa bệnh.

Theo ông, để ứng dụng những công nghệ nước ngoài vào thực tế Việt Nam một cách hiệu quả thì phải đáp ứng những điều kiện nào?

Điều kiện tiên quyết là chính sách. Ví dụ, chúng tôi đưa khái niệm “dược sĩ gia đình” vào Việt Nam thì chưa có, trong khi Nhật Bản họ đã có cách đây 2 năm.

Những thông tin về bệnh nhân, có thể chia sẻ qua hệ thống Blockchain. Nhưng ở Việt Nam thì lại vướng vào quy định của luật pháp. Do đó, về công nghệ chúng tôi có thể giải quyết được, nhưng chính sách thì cơ quan quản lý Nhà nước phải hỗ trợ.

Quan điểm của ông như thế nào về khẩu hiệu “Make in Việt Nam”

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, có nhiều startup Việt Nam họ làm tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam và đem ra thế giới. Nhưng chúng tôi xếp mình ở nhóm thứ hai, ứng dụng công nghệ của thế giới và giải quyết các bài toán tại Việt Nam. Theo cá nhân tôi, để áp dụng công nghệ mới, chính sách cần phải thay đổi nhanh chóng để đưa công nghệ mới về nước.

Xin cảm ơn ông!

Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang